Bao rớt, không bao đập
Ngọc Yến, nhân viên văn phòng
của một công ty kinh doanh công nghệ thông tin có trụ sở đặt trên đường Nguyễn
Trãi, quận 5, chỉ trong tháng 3 đã mua thêm bốn nón bảo hiểm cùng kiểu vành
lưỡi trai song khác màu. Cô kể: “Gần công ty có cửa hàng, cứ mỗi lần đi ăn cơm
trưa về, mọi người cùng nhau ghé vào. Mũ kiểu mới khá nhẹ, lại sơn các màu
tươi, giá khoảng 80 – 90 ngàn đồng nên mấy bạn trong phòng mua thêm để thay
đổi”.
Các biến tấu nón bảo hiểm
khiến cho mặt hàng này xuất hiện trong các khu bán hàng thời trang. Trên đoạn
đường từ ngã ba Nguyễn Trãi – Nguyễn Cư Trinh đến Nguyễn Trãi – Huỳnh Mẫn Đạt,
có tới 24 điểm bán nón bảo hiểm, xen lẫn giữa các cửa hàng bán quần áo, túi
xách, giày dép.
Ở góc ngã tư Nguyễn Trãi –
Nguyễn Biểu, một nam bán hàng, tóc nhuộm vàng, đội trên đầu kiểu nón lưỡi trai
có những chữ “Love” đan lồng vào nhau, luôn miệng chào mời: “Nón thời trang mới
nhất nhập từ Thái, lớp lót mỏng có thể tháo giặt dễ dàng, nón chỉ có một lớp
nhựa nhẹ đảm bảo đi nắng không bị nặng đầu… Xem kỹ, chiếc nón này nhẹ, một phần
do không có lớp mút xốp giúp cản lực va đập. Trên nón, ngoài tem ghi xuất xứ
Thái Lan, chỉ có một tem ghi tiêu chuẩn có hàng số “25.08.00”, không có địa chỉ
nhà sản xuất.
Nhằm tạo lòng tin cho
khách hàng, người bán nói: “Loại trên 100 ngàn, đảm bảo thả từ trên cọc treo
này rớt trúng đất không bể, còn loại 30, 40 ngàn đồng thì rớt là bể”. Người này
còn nói thêm: “Mua nón dày, nặng cỡ nào cũng bể chứ làm gì có nón không bể”.
Không tem và tem giả
Tính đến đầu tháng 3, trên
thị trường có 410 kiểu dáng mũ bảo hiểm của 109 thương hiệu được dán tem CR,
dấu chỉ sản phẩm phù hợp quy chuẩn quốc gia do bộ Khoa học và công nghệ ban
hành từ ngày 15.11.2008.
Quan sát trên các kiểu mũ
đang được bày bán ở lề đường, hầu hết đều không có tem CR này. Các đơn vị thuộc
chi cục quản lý thị trường TP.HCM cũng chưa thể bắt hay tịch thu loại mũ không
tem CR nếu người bán có treo biển mũ thể thao, mũ cho người đi xe đạp, bởi chưa
có quy định về việc không cho phép sản xuất kinh doanh loại mũ này.
Ông Hưng, bán mũ bảo hiểm
trên đường Trần Hưng Đạo quận 1 nói: khách mua toàn chọn kiểu, chọn màu, chẳng
có mấy người hỏi về địa chỉ nhà sản xuất, hay tem chất lượng gì đó.
Theo ông Lương Thanh Liêm,
nguyên chủ nhiệm câu lạc bộ những nhà sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm thời
trang tại TP.HCM, trên thị trường xuất hiện tem giả ký hiệu CR, được làm bằng
công nghệ halogen (thể hiện bảy màu), có tên cơ sở sản xuất và những quy định
mà đến nay không ai có thể hiểu được nó được dẫn từ đâu. “Theo tôi, những chiếc
tem giả đã vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Ai cũng có thể in
được để dán trên chiếc mũ của mình”.
Tem CR thay thế tem CS
Theo quy chuẩn áp dụng
từ 15.11.2008, nón bảo hiểm sản xuất trong nước trước khi đưa ra lưu thông trên
thị trường phải gắn dấu hợp quy trên vỏ mũ (do bộ Khoa học và công nghệ và tổng
cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chỉ định các tổ chức được phép cấp dấu hợp
quy) cùng với nhãn đầy đủ các thông tin: phải có cụm từ “mũ bảo hiểm cho người
đi môtô, xe máy”, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, cỡ mũ, tháng năm sản xuất. Với
mũ nhập khẩu, ngoài cụm từ buộc phải có “mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe
máy”, còn có tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu và phân phối; xuất
xứ hàng hoá.
Theo quy chuẩn này, đối
với mũ được sản xuất trong nước phải được kiểm tra về chất lượng từ khâu nguyên
vật liệu, quy trình sản xuất… Còn đối với mũ nhập khẩu sẽ được kiểm tra bằng
những tiêu chí khắt khe hơn: ngâm nước, nhiệt độ, khối lượng, ngoại quan, kích
thước, khả năng bảo vệ, thử độ bền va đập và hấp thụ xung động, đâm xuyên… Nếu
đạt những quy chuẩn trên, những chiếc mũ này mới được cấp tem có ký hiệu CR (thay
thế cho loại tem CS trước đây).
Autovina
Link nội dung: https://autovina.com/non-bao-hiem-mua-theo-mot-bo-qua-an-toan-a2265.html