Những mẫu ô tô gặp khó tại thị trường Việt dù năng nổ cải tiến

Dù gặp phải những khó khăn từ dịch bệnh Covid-19 nhưng trong năm 2020 vẫn có nhiều mẫu ô tô mới được ra mắt thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, không phải mẫu xe nào cũng thành công đánh chiếm được thị phần.

Toyota Granvia
Lần đầu được ra mắt thị trường ô tô Việt Nam vào đầu tháng 6/2020, Toyota Granvia là mẫu MPV cỡ lớn cao cấp được phát triển dựa trên nền tảng của Toyota Hiace và Toyota Alphard. Mẫu xe này được mang về Việt Nam từ Nhật Bản và cũng tương tự như Alphard, Toyota Granvia cũng nhắm tới đối tượng khách hàng là doanh nghiệp hoặc gia đình lớn có nhu cầu tìm đến một phương tiện chuyên chở cao cấp.


Toyota Granvia sở hữu nhiều thiết kế tương đồng với người anh Toyota Alphard.

Tuy nhiên, Toyota Granvia lại có cấu hình 9 chỗ ngồi cùng với mức giá “mềm mại” hơn Toyota Alphard: 3,072 tỷ đồng. Do đó, Toyota Granvia được kì vọng sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn Toyota Alphard nhưng thực tế, sức tiêu thụ của mẫu xe này lại không được tốt như mong đợi. Thậm chí ở tháng đầu mở bán, chỉ có 3 chiếc Toyota Granvia được giao tới tay người dùng và ngay lập tức dẫn đầu top xe “ế”.

Ở những tháng sau đó, Toyota Granvia cũng thường xuyên nằm trong top xe bán chậm và hiếm khi nào có sức bán tốt hơn đàn anh Toyota Alphard. Tuy nhiên, điều này cũng dễ hiểu bởi nguồn cung của Toyota Granvia cũng không nhiều do xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản chứ không phải Thái Lan.

Suzuki Ciaz
Quay trở lại thị trường ô tô Việt Nam vào cuối tháng 9/2020 với phiên bản nâng cấp giữa vòng đời, Suzuki Ciaz được kì vọng sẽ có kết quả bản hàng bứt phá so với trước đây. Trước đó, mẫu xe này vẫn thường xuyên bị lu mờ bởi tất cả các mẫu xe còn lại trong phân khúc sedan hạng B đều được lắp ráp trong nước, chỉ riêng mình Suzuki Ciaz nhập khẩu nguyên chiếc.


Suzuki Ciaz cạnh tranh chủ yếu với những phiên bản thuộc tầm trung của các đối thủ cùng phân khúc.

Ở lần nâng cấp giữa vòng đời này, Suzuki Ciaz vẫn giữ được mức giá ở tầm trung trong phân khúc: 529 triệu đồng. Một số thay đổi nhỏ chủ yếu tập trung vào ngoại thất có phần hiện đại hơn trước đây, trang bị an toàn cũng có điểm nhấn với sự xuất hiện của tính năng cảnh báo lệch làn đường, cảnh báo khoảng cách an toàn với xe phía trước nhưng đang tiếc vẫn không có cân bằng điện tử.

Với vị thế là xe nhập khẩu, khó mà mong đợi Suzuki Ciaz sẽ có nhiều trang bị hấp dẫn nhưng giá vẫn đủ cạnh tranh. Điểm mạnh của mẫu xe này nằm ở không gian rộng rãi hơn các đối thủ khác nhờ chiều dài cơ sở lên tới 2.650 mm. Tuy nhiên, có lẽ 2021 sẽ là năm khởi sắc của Suzuki Ciaz bởi ở thời điểm mẫu xe này quay trở lại Việt Nam, thị trường ô tô đang bị chiếm lĩnh bởi các mẫu xe lắp ráp trong nước do Nghị định 70/2020/NĐ-CP áp dụng mức giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô nội địa.

Do đó, sức bán của Suzuki Ciaz trong năm 2020 thực sự không được như mong đợi của nhà sản xuất. Điển hình như ở tháng 11/2020, Suzuki Ciaz nằm ở vị trí thứ 5 trong top 10 xe bán chậm do kết quả bán hàng chỉ đạt 37 xe.

Mitsubishi Xpander Cross
Mitsubishi Xpander có thể xem là một mẫu MPV chưa bao giờ hết “hot”, thường xuyên chiếm lĩnh vị trị trong top xe bán chạy hàng tháng. Tuy nhiên, mẫu xe được xem là bản nâng cấp của mẫu MPV giá rẻ này, Mitsubishi Xpander Cross, lại chưa hẳn ghi nhận được những thành công tương tự.


Mitsubishi Xpander Cross được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia với 1 phiên bản duy nhất kèm giá niêm yết 670 triệu đồng.

Thực tế, kết quả bán hàng hàng tháng của Mitsubishi Xpander Cross lại là một điều bí ẩn. Nguyên do là trong báo cáo mỗi tháng của Hiệp hỗi Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), Mitsubishi Việt Nam không công bố lượng Xpander Cross bán ra thị trường, chỉ có duy nhất cột thống kê của Xpander. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số tư vấn bán hàng, mẫu MPV lai SUV này tiêu thụ khá chậm, không thể so với Xpander.

Do đó, có thể hiểu rằng kết quả bán hàng mỗi tháng của Mitsubishi Xpander Cross được cộng thẳng trực tiếp vào số liệu của Xpander bởi đạo lý không hề xa lạ: “đẹp khoe xấu che”. Phân tích về sức tiêu thụ của Mitsubishi Xpander Cross, chúng ta sẽ cần phải nhìn nhận qua nhiều yếu tố.

Đầu tiên, phân khúc MPV lai SUV tại Việt Nam đều được nhập khẩu nguyên chiếc nhưng Mitsubishi Xpander Cross lại đang là sản phẩm có giá bán cao nhất (670 triệu đồng), vượt lên trên Toyota Rush (633 triệu đồng) và bỏ xa Suzuki XL7 (599 triệu đồng). Thứ hai, giá bán lẻ đề xuất của Mitsubishi Xpander Cross cao hơn Xpander 40 triệu đồng và đây không phải là một khoảng cách nhỏ đối với xe phổ thông. Nhưng nếu khoảng cách về giá giữa 2 mẫu xe này không mấy xa cách, rất có thể lại tái hiện cảnh “huynh đệ tương tàn” giống như Suzuki XL7 và Suzuki Ertiga.

Tiếp đến, trong các phiên bản hiện đang được phân phối của Mitsubishi Xpander, bản số sàn (MT) có giá 555 triệu đồng hút khách hơn nhiều so với bản số tự động (630 triệu đồng). Do đó, khả năng người dùng “nhảy cóc” từ bản số sàn của Xpander lên hẳn Mitsubishi Xpander Cross là rất khó.

Link nội dung: https://autovina.com/nhung-mau-o-to-gap-kho-tai-thi-truong-viet-du-nang-no-cai-tien-a22325.html