Dịp lễ kỷ niệm 1,000 năm Thăng Long
đã đến gần. Hà Nội đang gấp rút những dự án lớn để chào mừng ngày lễ kỷ niệm
trọng đại này, đồng thời cũng là để trở thành một thủ đô xứng tầm với nhịp độ
phát triển kinh tế cũng như chính trị của đất nước. Trên con đường hiện đại hóa
đô thị, Hà Nội cũng như nhiều thủ đô
khác trên thế giới và khu vực, cũng gặp phải nhiều những khó khăn, thách thức
như sự bùng nố dân số, tốc độ xây dựng nhanh, môi trường ô nhiễm, hạ tầng phát
triển chậm… mà một trong những cái “mớ bòng bong” đó hiện nay của Hà Nội là
đang “loay hoay và bế tắc với các nút giao thông”.
Sau đợt trưng cầu dân ý về việc
“bịt” thêm 18 nút giao thông và sau buổi chất vấn khá thẳng thắn của các đại
biểu Hội đồng nhân dân Thành phố đối với ông Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn
Khôi, cuối tháng 01/2010 Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thừa nhận giải pháp
"bịt ngã tư" tuy đã giải quyết được một số điểm ùn tắc nhưng cũng
đang làm phát sinh các điểm ùn tắc mới. Trước những bức xúc của các đại biểu
HĐND như “Không thủ đô nào trên thế giới ngăn đường như vậy”, hoặc như theo bà Bùi
Thị An thì: “Không có thủ đô nước nào trên thế giới lại không để ngã tư cho người
đi bộ qua đường. Phương án này là độc nhất trên thế giới”, ông Nguyễn Văn Khôi
chỉ có thể chốt lại: “Bịt ngã tư chỉ là giải pháp tình thế”.
"Chặn" ngã tư để giảm ùn tắc cho ngã tư...nhưng lại tạo thêm xung đột giao thông ở điểm rẽ. Ảnh: Đình Quý
Cũng với tựa đề “Không thủ đô nào
bịt ngã tư như Hà Nội?” một tác giả của www.saga.vn lại cho rằng “Giải pháp bịt
ngã tư, mở đường vòng đã giải quyết được khá nhiều điểm ùn tắc”, “Có một số
nhược điểm như người tham gia giao thông phải di chuyển quãng đường xa hơn để
rẽ, gây khó khăn cho người đi bộ…Nhưng đây là những hạn chế có thể chấp nhận và
có thể khắc phục”.
Thật tiếc, chính tác giả đó lại tự
mâu thuẫn với chính mình khi một mặt ủng hộ cách giải quyết ùn tắc như người Mỹ
đã làm là “Để nguyên giao cắt nhưng cấm mọi chuyển động rẽ trái trực tiếp. Phương
tiện đi thẳng và rẽ phải theo đèn tín hiệu bình thường. Riêng với rẽ trái, các
phương tiện phải đi vòng vèo như chúng ta hiện nay”, nhưng mặt khác lại cho rằng
“Còn tổng thể tôi vẫn ủng hộ giải pháp đóng giao cắt, mở đường quay đầu” và “Nó là giải pháp tình thế tốt nhất”.
1- Nếu Hà Nội chặn thêm 18 nút giao
thông nữa, ai sẽ chịu trách nhiệm ? vì theo Khoản 1 Điều 4 Luật Giao thông số
23/2008/QH12, “Hoạt động giao thông đường bộ phải bảo đảm thông suốt, trật tự,
an toàn, hiệu quả”, và theo Khoản 6 điều này thì “Mọi hành vi vi phạm pháp luật
giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh,
đúng pháp luật”.
2- Bịt ngã tư, mở đường vòng, mở
ngã rẽ mới để dòng phương tiện chuyển động liên tục,không bị tắc là giải pháp
thời kỳ chưa có đèn tín hiệu giao thông hoặc áp dụng cho nơi có nhiều ngả rẽ, phải
chờ lâu cho một chu kỳ tín hiệu đèn (trong khi mật độ giao thông chưa cao,
người tham gia giao thông có thể tự lựa tình thế chuyển động). Dùng cách trên
để thay thế giải pháp có điều khiển tự động, khoa học, hiện đại là hoàn toàn
sai lầm. Cái sai hơn nữa của giải pháp này là tại nơi rẽ trái lại không có đủ
bán kính quay vòng.
3- Bịt ngã tư, các phương tiện đi
thẳng đang vốn rất thuận lợi (chỉ dừng khoảng 1 phút khi đèn đỏ), nay lại phải chạy vòng vèo tới 03 lần rẽ (đi thẳng
= rẽ phải + vòng rẽ trái + rẽ phải), làm tăng mật độ phương tiện trên các hướng
mà lẽ ra không phải chuyển động. Trong đó, “vòng rẽ trái” là nguyên nhân gây tắc
đường cao nhất và dễ gây tai nạn giao thông.
4- Mở ngã rẽ mới không đủ bán kính
quay vòng.
Vì bán kinh quay vòng của xe du
lịch nhỏ nhất khoảng 5,5 mét và xe buýt là 9 mét, nên nơi mở ngã rẽ mới, dải
phân cách phải có chiều rộng tối thiểu 13.8 mét để khi cả 2 loại xe vòng rẽ
trái không làm cản trở dòng phương tiện chuyển động cùng chiều (nếu bám sát mép
đường bên trái). Với những số liệu này thì việc tắc nghẽn của “Người Hà Nội khi
rẽ không cần bán kính quay vòng” là điều
không ngạc nhiên..
Xe buýt sang đường chiếm hết cả phần lưu thông ngược chiều. Ảnh: Đình Quý
Trả lại nguyên trạng cho ngã tư
Vậy để tránh ùn tắc mà vẫn trả lại
được nguyên trạng các ngã tư như trước (với mặt đường rộng mỗi chiều không quá
10,5 mét, có khoảng 30 xe/1phút dừng đỗ
với chiều dài khoảng 50m), có thể tổ chức như sau:
1) Tại ngã tư có dải phân cách đủ tạo bán kính quay
vòng để mở nơi rẽ trái thì tổ chức cho phương tiện đi thẳng, rẽ phải theo đèn
tín hiệu . Cấm tất cả các phương tiện rẽ trái và mở nơi rẽ trái phù hợp.
2) Tại ngã tư mà dải phân cách hẹp, không đủ
tạo bán kính quay vòng để mở nơi rẽ trái thì tổ chức cho phương tiện theo
hai giai đọan đèn tín hiệu: Rẽ trái / Đi
thẳng + rẽ phải. Để tránh ùn tắc khi rẽ
phải, cần cấm triệt để việc dừng đỗ hoặc đi vào làn đường dành cho rẽ phải.
Cuối cùng Hà Nội cũng
đã thừa nhận việc bịt ngã tư làm phát
sinh ùn tắc. Chắc rằng, Hà Nội sẽ có giải pháp mới để “Đường thông hè thoáng”
như vẫn hằng mong đợi. Việc xây dựng các nút giao nhau không đồng mức như cầu
vượt, đường trên cao hay đường hầm là giải pháp khắc phục được tối đa xung đột
giữa các luồng giao thông, không còn ùn tắc. Tuy nhiên, điều này cần một ngân
sách khổng lồ và một thời gian dài.
Tuy vậy, bên cạnh các
giải pháp kỹ thuật, người Hà Nội cũng cần phải có “Văn hoá giao thông” và chấp
hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, như đi đúng phần đường quy
định, chấp hành nghiêm hệ thống đèn báo hiệu nhưng không cản trở các phương
tiện trên làn đường được phép rẽ phải hoặc rẽ trái. Khi ùn tắc lại càng phải đi
theo trật tự, đúng phần đường của dòng chuyển động, không luồn lách chen lấn
sang cả chiều ngược lại, gây tắc nghẽn giao thông.
Hy vọng kỷ niệm 1,000 năm Thăng Long, Hà Nội không phải chịu đựng những tình huống tổ chức giao thông không hợp lý.
-Phạm Gia Nghi-
Tư
vấn Dự án An toàn giao thông quốc gia
autovina
Link nội dung: https://autovina.com/y-kien-trao-doi-tra-lai-nga-tu-cho-ha-noi-a2205.html