Số lượng Camry bị lỗi mất kiểm soát tốc độ có thể nhiều hơn

Hồ sơ phân tích của chính phủ Mỹ cho thấy, nhiều mẫu xe Camry sản xuất trước năm 2007 đã không nằm trong diện triệu hồi dù mắc những lỗi về kiểm soát tốc độ.

Hãng xe số một thế giới đã phải cho triệu hồi (recall) khoảng 6 triệu xe tính riêng tại Mỹ, nhưng trong số đó không có dòng Camry sản xuất trước 2007.

Từng gặp phải những lần xe tăng tốc đột ngột, các chủ xe Toyota đệ đơn kiện lên chính phủ Mỹ. Và một phân tích, dựa trên tổng số 12.700 đơn khiếu nại tại Mỹ trong vòng 10 năm qua theo ghi nhận của tờ New York Times, cho thấy hãng này nhận được những lời than phiền và chỉ trích liên quan tới các vụ tai nạn nhiều hơn bất cứ hãng ôtô nào khác.

Rất nhiều trong số các đơn khiếu nại thuộc về những mẫu xe không nằm trong diện triệu hồi. Ví dụ Camry 2002 có tới 175 lời than phiền về lỗi kiểm soát tốc độ. Phân nửa số đơn có kể ra các vụ tai nạn.

Để so sánh thêm, Camry 2007, mẫu xe đã được triệu hồi, là đề tài của khoảng 200 thắc mắc và than thở cũng về lỗi như trên, nhưng chỉ có 1/4 trong số này nhắc tới tai nạn. Theo số liệu thu thập của chính phủ Mỹ, số người chết được cho là do lỗi dính chân ga của nhiều mẫu xe Toyota hiện đã tăng lên 34 người, tính từ năm 2000.

Akio Toyoda, Chủ tịch Toyota Motor, tại một nhà máy của 
Toyota tại Georgetown, Kentucky (Mỹ).
Akio Toyoda (ngoài cùng bên phải), Tổng giám đốc Toyota tại một nhà máy của Toyota tại Georgetown, Kentucky (Mỹ) vào tuần trước. Ảnh: AP.

Còn trong lời xác nhận tại phiên điều trần tuần qua, James E. Lentz III, Tổng giám đốc bộ phận bán hàng Toyota Motor Mỹ, lưu ý rằng các hãng xe khác cũng nhận được không ít đơn khiếu nại về hiện tượng tăng tốc đột ngột.

Trong số 12.700 đơn thư nêu trên, Ford Motor nhận được nhiều nhất, với 3.500 đơn. Toyota chỉ đứng thứ hai, với khoảng 3.000, nhưng có tới 1.000 liên quan tới các vụ tai nạn, hơn gấp đôi so với con số 450 của Ford.

Tính từ năm 2000-2009, cứ 20.454 xe bán ra tại Mỹ, Toyota lại nhận được một đơn khiếu nại về tai nạn do mất kiểm soát tốc độ. Ford chỉ nhận được một trong số 64.679 xe bán ra. Tỷ lệ này ở Honda là 1/70.112 và GM là 1/179.821.

Được hỏi về những gì mà tờ New York Times khám phá ra, một phát ngôn viên của Toyota trả lời vào ngày 1/3, rằng dòng xe Camry sản xuất trước năm 2007 đã được kiểm tra và loại bỏ sai sót trong ba cuộc điều tra trước đó.

Phát ngôn viên này cũng cho biết, Camry đời 2002 và 2003 với động cơ 6 xi-lanh từng là đối tượng của hai đợt sửa chữa đối với hiện tượng tăng tốc nhất thời và khẳng định những thay đổi "không phải để giải quyết bất cứ lỗi phần mềm máy tính hay kiểm soát van tiết lưu điện tử".

Một cuộc thẩm tra khác do tờ New York Times thực hiện dựa trên những ghi nhận của Bộ giao thông vận tải Nhật Bản cho thấy những kết quả tương tự. Trong các báo cáo năm 2001, xe hơi của Toyota từng bị kể tên trong đơn thư khiếu nại về lỗi tăng tốc đột ngột nhiều hơn những hãng xe lớn khác. Đáp lại, Toyota cho rằng chân ga có thể bị dính do tấm lót sàn xê dịch.

Có thiết kế chân ga cũng như tấm lót sàn khác hẳn so với phần lớn xe Toyota bán ra tại Nhật, vì thế hãng này khẳng định không cần thiết phải cho triệu hồi những mẫu xe Camry bán ra trước năm 2007 tại Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều người đưa ra giả thuyết rằng loại Camry này tại Mỹ cũng như nhiều loại Toyota tại Nhật có thể gặp lỗi về hệ thống điện tử dẫn tới việc tăng tốc ngoài ý muốn.

Akio Toyoda, Tổng giám đốc Toyota, xác nhận trước Quốc hội Mỹ vào tuần trước rằng ông "tin tưởng tuyệt đối" rằng không hề có vấn đề gì với hệ thống điện tử trên xe Toyota.

Nhưng các quan chức thuộc Bộ giao thông vận tải Mỹ khẳng định tiếp tục xem xét việc mở rộng điều tra đối với hãng xe Nhật Bản, bao gồm cả dòng Camry trước 2007. "Nếu Cơ quan an toàn giao thông quốc gia NHTSA có thể tìm ra chứng cứ về sự sai sót của Toyota cũng như các sản phẩm khác trong lần này, họ sẽ lại mở thêm điều tra. Có nhiều khả năng cho thấy Toyota đã không cung cấp đầy đủ thông tin".

Ngày 24/2, Bộ Giao thông vận tải Mỹ cho biết, họ có thể kiểm tra 38 đơn khiếu nại về hiện tượng tăng tốc đột ngột ở xe Toyota được gửi tới từ năm 2007-2009, cũng như 134 trường hợp tương tự trên xe của các hãng khác được bán ra tại Nhật Bản. Tuy nhiên, không có người chết hay bị thương trong các vụ tai nạn này.

Phân tích của tờ New York Times về đơn khiếu nại tại Mỹ kể từ năm 2000 liên quan tới cả những sản phẩm của các hãng xe khác trong thập kỷ qua. Một lá đơn về lỗi kiểm soát tốc độ có thể chỉ ra rằng chiếc xe đó tăng tốc quá mức hoặc không đạt đến vận tốc như ý. Trong số những đơn từ trên, Camry 2007 bị mắng tơi tả nhất.

Mẫu xe này từng bị triệu hồi hai lần, bắt đầu từ mùa thu 2009 và liên quan tới việc tăng tốc ngoài ý muốn. Đầu tiên là do tấm lót sàn không chắc chắn, sau đó vì lỗi chân ga bị dính.

Tỷ lệ cao nhất của các vụ tai nạn liên quan tới lỗi kiểm soát tốc độ thuộc về những mẫu xe Camry sản xuất gần đây. Trong năm 2004, 125 vụ tai nạn được thông báo tới NHTSA có dính dáng tới lỗi này. Khoảng 80 trong số đó là của xe Camry.

Akio Toyoda, Chủ tịch Toyota Motor cúi đầu xin lỗi khách 
hàng Trung Quốc.
Akio Toyoda, Tổng giám đốc Toyota Motor cúi đầu xin lỗi khách hàng Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Tại Nhật, tờ New York Times đã kiểm tra tất cả báo cáo về những sự cố trên xe Toyota được gửi tới Bộ giao thông vận tải kể từ năm 2001 với tổng số 3.700. Trong khi báo cáo về trục trặc trên xe Honda là khoảng 2.400.

Kết quả, New York Times tìm thấy 99 trường hợp tăng tốc đột ngột hoặc động cơ bắt lửa trên xe Toyota, so với 18 lỗi tương tự trên xe Honda.

Với 150.000 Toyota bán ra, Bộ giao thông vận tải Mỹ lại nhận được một báo cáo về hiện tượng tăng tốc đột ngột. Ở xe Honda tỷ lệ này là 1/300.000.

Với 1,35 triệu xe Toyota bán ra tại Nhật Bản trong năm 2009, số báo cáo gửi về "không hề nhỏ", theo Tetsuo Taniguchi, Giám đốc nghiên cứu tại Cơ quan an toàn giao thông quốc gia và phòng thí nghiệm môi trường. "Nếu chân ga hoặc tấm lót sàn không phải là lỗi chính tại Nhật Bản thì đã đến lúc Toyota phải điều tra xem đó là do cái gì".

Các quan chức của Bộ giao thông vận tải Nhật Bản nhấn mạnh rằng chỉ có một lượng nhỏ các vụ tai nạn tìm được tới họ, bởi phần lớn các lái xe đều báo lại các sự cố trên xe cho đại lý của mình. Mà tại Nhật, các đại lý ôtô và các hãng sản xuất không bắt buộc phải cung cấp những thông tin dạng này cho chính phủ, trừ khi họ tin rằng mình cần làm thế để tuân theo các tiêu chuẩn an toàn quốc gia.

Ngược lại, để ra lệnh triệu hồi xe, chính phủ Nhật Bản phải có bằng chứng về sai sót có thể gây nguy hiểm, thứ thường khó mà tìm ra nếu không có sự hợp tác từ các hãng.

Ngày 1/3, Tổng giám đốc Toyota tiếp tục chiến dịch cứu vớt danh tiếng của hãng này khi xuất hiện và nói lời xin lỗi tại một cuộc họp báo ở Trung Quốc trước khách hàng vì những rắc rối liên quan tới chất lượng.

Mỹ Anh

autovina

Link nội dung: https://autovina.com/so-luong-camry-bi-loi-mat-kiem-soat-toc-do-co-the-nhieu-hon-a2185.html