Những lưu ý để bảo vệ xe máy không xảy ra cháy nổ

Xe máy đang đi bỗng nhiên khét lẹt, bén lửa và bốc cháy ngùn ngụt là chuyện không hiếm hiện nay. Nhưng bất cứ đám cháy nào cũng có nguyên nhân và cách phòng tránh.

Thông thường, các vụ cháy xe máy xảy ra đối với những chiếc xe cũ và đang lưu thông trên đường. Việc cháy xe máy cũng hay xảy ra hơn vào mùa nóng.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chiếc xe đang đi thì bốc cháy như va chạm giao thông, chập cháy dây điện, bén lửa từ bên ngoài,...

Cháy xe máy là sự việc hết sức hy hữu, nhưng cũng có thể xảy đến bất cứ lúc nào


Tuy vậy, mọi đám cháy nói chung và cháy xe máy nói riêng phải hội tụ đủ hai yếu tố cơ bản là chất dẫn cháy và nguồn cháy. Hai thành phần này phải xuất hiện cùng lúc và tiếp xúc trực tiếp với nhau tạo thành đám cháy, sau đó lan đến các chất dễ cháy trên thân xe.

Chất dẫn cháy trên xe máy chính là xăng (đồng thời xăng cũng là chất cháy cùng với vỏ nhựa, cao su, dây điện, mút…). Còn nguồn cháy đa số là từ lửa, tia lửa điện và có thể xuất phát từ nhiệt, phát sinh rất đa dạng từ các nguyên nhân khác nhau.

Các chuyên gia cho rằng, nếu hai yếu tố trên không xảy ra đồng thời thì chiếc xe không thể tự cháy. Để phòng tránh cháy nổ xe máy, có thể chú ý đến một số nguyên nhân như sau:

1. Chập điện:

Với những chiếc xe máy mới hiện nay, việc đang đi bỗng nhiên bốc cháy thì khó có khả năng phát sinh từ nguồn điện, bởi toàn bộ nguồn điện trên xe đều đi qua một bộ điều khiển cũng như cầu chì an toàn. Mọi hiện tượng đoản mạch phát ra tia lửa điện đều được cầu chì “ngắt” ngay lập tức.


Chập điện là nguyên nhân phổ biến nhất khiến chiếc xe bị cháy


Tuy nhiên, đó là những chiếc xe nguyên bản, nhiều người có sở thích độ thêm những chi tiết như đèn, còi và đấu điện một cách vô tội vạ có thể khiến chiếc xe bị chập.

Do đó, các chuyên gia khuyên rằng, chủ xe nên tuân thủ sự nguyên bản, không lắp thêm các thiết bị điện ngoài khuyến cáo của nhà sản xuất. Tuyệt đối không thay đổi hệ thống cầu chì và thay đổi công suất cầu chì nguyên bản của xe.

Trong trường hợp buộc phải nâng cấp các chi tiết liên quan đến điện, cần tính toán kỹ đến công suất của dây điện và làm hệ thống bảo vệ riêng theo tư vấn của nhà sản xuất hoặc đại lý bảo hành có uy tín.

2. Rò rỉ xăng:

Thông thường, xăng có thể bị chảy ra ngoài từ hệ thống ống dẫn và bộ chế hòa khí lắp không khít. Cũng có thể các đường ống dẫn xăng sau nhiều năm sử dụng bị chai cứng, nứt vỡ gây rò rỉ xăng khi chiếc xe đang chạy.


Ống dẫn xăng, đầu cắm sau một thời gian sử dụng dễ bị chai cứng, nứt vỡ gây rò rỉ xăng


Ống dẫn xăng trên các chiếc xe số được bố trí bên ngoài, do đó chi tiết này có thể bị chuột cắn hay mắc vào đâu đó khiến đầu cắm bị lỏng ra gây rò rỉ xăng.

Xăng là nhiên liệu bay hơi khá nhanh khi ở ngoài không khí nên nguyên nhân xảy ra rò rỉ xăng khó có thể xác định bằng mắt thường. Tuy nhiên, yếu tố này lại dễ được phát hiện nhất từ đặc trưng của mùi xăng sống, có thể phát hiện bằng cách “ngửi xe” trước và trong khi di chuyển.

Để giải quyết tận gốc rò rỉ xăng, cần mang xe đi kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, thường xuyên; thay thế những đường ống dẫn đã kém chất lượng, chai cứng; siết chặt các đầu cắm, mối nối,…

3. Xe bị quá nhiệt

Nhiều chiếc xe bị nóng máy một cách bất thường mà người dùng không mấy khi để ý. Đa phần, nguyên nhân đến từ dầu bôi trơn của xe. Với mọi chiếc xe, thay dầu máy đúng định kỳ là việc hết sức cần thiết.

Nếu quá hạn thay dầu máy, dầu sẽ không còn tác dụng bôi trơn và làm mát cho động cơ xe. Khi đó, trong quá trình vận hành máy xe sẽ nóng máy thậm chí quá nhiệt gây ra những rủi ro khó lường.


Nên thay dầu xe định kỳ và lựa chọn dầu máy chính hãng


Hiện tượng quá nhiệt không chỉ làm cho động cơ bị hỏng nhanh hơn mà đôi khi còn làm cháy xe nếu tiếp xúc với chất dẫn cháy như xăng hoặc các vật liệu dễ cháy khác.

Để hạn chế tình trạng trên, bạn nên bảo dưỡng xe định kỳ, thay dầu máy đúng chủng loại và thường xuyên tự kiểm tra mức dầu của xe mình. Nếu dầu máy ít hơn mức tối thiểu, hãy bổ sung ngay.


Sửa chữa, bảo dưỡng chính hãng hoặc tại các trung tâm có uy tín


Các chuyên gia cũng lưu ý thêm, những chiếc xe máy bị bẩn, dính nhiều bùn đất, lá cây,… cũng có thể khiến nhiệt độ tăng cao hơn. Do vậy, bạn nên thường xuyên rửa xe, nhất là sau khi đi xa và sau khi trời mưa.

Rửa xe không chỉ làm trôi đi những bụi bẩn, cặn bám trên các bộ phận của xe máy mà còn giúp chiếc xe sạch sẽ, qua đó dễ dàng phát hiện những lỗi liên quan đến rò rỉ xăng.

theo vietnamnet

Link nội dung: https://autovina.com/nhung-luu-y-de-bao-ve-xe-may-khong-xay-ra-chay-no-a21849.html