Những kiểu độ có thể biến chủ xe bán tải thành "trai hư"

Độ xe bán tải được xem như một cuộc chơi đầy kích thích, nhưng một số kiểu độ bị mặc định là chỉ có "trai hư" mới làm...

Xe bán tải là một thể loại thú vị trong thế giới ô tô, khi nó vừa có thể là xe offroad, vừa là xe đi lại hàng ngày trong phố. Và có một điều khá lý thú là chủ xe bán tải đặc biệt thích độ xe.
 
Độ xe nói chung là cơ hội để chủ xe thể hiện phong cách riêng, thay đổi tính năng vận hành của xe theo ý thích. Tuy nhiên, cũng giống như hầu hết mọi thứ trong cuộc sống, có cả mặt tốt và mặt xấu ở những chiếc xe bán tải độ. Dưới đây là những kiểu độ mà chủ xe dễ bị gán mác là "trai hư", ngoài việc có thể vi phạm pháp luật vì thay đổi kết cấu xe hoặc gây mất an toàn giao thông.
 
1. Lắp thêm thanh đèn LED, đèn nhấp nháy 
Đây là kiểu độ ngày càng phổ biến của các chủ xe bán tải. Lý do là nó có thể vừa giúp tăng tính thẩm mỹ cho xe, vừa hỗ trợ việc chiếu sáng. Tuy nhiên, đó là khi những thanh đèn LED được lắp và sử dụng đúng với mục đích như vậy.
 
Đáng tiếc là nhiều chủ xe đã lắp và sử dụng thành đèn LED này một cách vô tội vạ, thiếu ý thức, nên dần gây phản cảm, dẫn tới những định kiến. Việc sử dụng đèn trợ sáng không đúng có thể gây nguy hiểm cho người điều khiển các phương tiện khác, khi họ bị đèn rọi chói mắt, cản trở tầm nhìn.
Điểm a, khoản 3, điều 16 của Nghị định 100/2019 quy định mức xử phạt từ 800.000 đến một triệu đồng đối với hành vi: "Điều khiển xe lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe". Ngoài việc bị xử phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ một đến ba tháng.
2. Độ ống pô
 
 Ảnh: Gibson Performance
 
Việc độ ống xả thường kéo theo những âm thanh có thể gây phấn khích cho người chơi xe, nhưng lại làm phiền người khác khi góp phần vào tình trạng ô nhiễm tiếng ồn.
 
Ngoài ra, việc độ ống xả làm tăng tiếng ồn của xe có thể bị xử phạt. Điểm c, khoản 2, điều 16 của Nghị định 100/2019 quy định mức xử phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng đối với hành vi: "Điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không có tác dụng, không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn."
 
3. Lắp bộ lốp địa hình "khủng"
 Ảnh: Improb
 
Lốp là bộ phận thường được nâng cấp để tăng vẻ hầm hố cho xe bán tải và có thể khiến chủ xe bị gắn mác dữ dằn.
 
4. Bộ kit nâng gầm
Việc nâng gầm cho xe khá tốn kém, nhưng nó giúp chiếc xe trông bề thế hơn và khiến nó dễ dàng chinh phục địa hình khó. Đó cũng là việc phải làm nếu chủ xe muốn thay bộ lốp kích thước lớn hơn. Và bộ dáng hầm hố của chiếc xe dễ khiến nhiều người nghĩ chủ xe thuộc dạng "hổ báo".
 
Ngoài ra, việc nâng gầm bị coi như thay đổi kết cấu xe làm thay đổi kích thước, sẽ bị áp mức phạt lên tới 8 triệu đồng đối với cá nhân và 16 triệu đồng đối với tổ chức, theo Nghị định 46/2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
 
5. Lắp thêm bộ quây cản hầm hố
 
 
Việc lắp thêm bộ quây cản cỡ lớn, kiên cố sẽ giúp bảo vệ xe tốt hơn, nhưng lại có thể khiến người và xe khác bị thương tổn nghiêm trọng hơn trong trường hợp xảy ra va chạm.
 
Một điều không phải ai cũng biết là việc ngoại thất xe bị hư hỏng khi va chạm là một cách hấp thụ xung lực, giúp giảm chấn thương cho người ngồi trên xe. Thêm vào đó, việc lắp thêm cản trước quá cứng có thể cản trở hoặc gây ảnh hưởng đến hoạt động của cảm biến túi khí. Vì lý do này, một số nước cấm các chủ xe lắp thêm cản trước sau.
 
Tại Việt Nam, việc lắp thêm cản trước và sau cho ô tô có thể bị xử phạt lên tới 8 triệu đồng đối với cá nhân và 16 triệu đồng đối với tổ chức, do làm thay đổi kích thước xe, theo điểm a, khoản 9, điều 30 của Nghị định 46/2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
 
Ngoài ra, việc lắp thêm cản trước, sau sẽ khiến xe bị từ chối đăng kiểm.
nguồn: dân trí

Link nội dung: https://autovina.com/nhung-kieu-do-co-the-bien-chu-xe-ban-tai-thanh-trai-hu-a21585.html