Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình sau cái chết của người da màu George Floyd vẫn tiếp tục diễn ra.
Ban tổ chức NASCAR khẳng định: “Sự hiện diện của lá cờ liên minh tại các sự kiện của NASCAR đi ngược lại với cam kết của chúng tôi về việc tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi tay đua, và chào đón mọi người hâm mộ. Việc mang mọi người lại gần nhau hơn bằng tình yêu với bộ môn đua xe và tạo ra một cộng đồng đoàn kết là những yếu tố làm nên sự đặc biệt của bộ môn này. Bởi vậy, từ nay, NASCAR quyết định cấm sử dụng cờ liên minh tại bất cứ sự kiện nào trong giải đấu.”
Sáng kiến này do Bubba Wallace, tay đua da màu duy nhất tại giải NASCAR, đề xuất. Theo Wallace, lá cờ liên minh không được xuất hiện tại các bộ môn thể thao. Đây là một tuyên ngôn mạnh mẽ về chống phân biệt chủng tộc.
Trước đó, giải đua Folds of Honor QuikTrip500 ở đường đua Atlanta với đội hình chủ yếu là các tay đua da trắng đã tập hợp nhau lại, cùng đăng những thông điệp về sự thay đổi xã hội.
Bắt đầu từ cuối tháng 5, NASCAR đã mở cửa đón người hâm mộ trở lại sau một thời gian dài nghỉ vì dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, cũng giống như F1, tại giải NASCAR, số lượng người hâm mộ được vào sân xem thi đấu đều bị giới hạn để tránh tụ tập đông người.
Về lá cờ liên minh, NASCAR bắt đầu yêu cầu người hâm mộ không mang cờ này tới các cuộc đua từ năm 2015, sau khi trên mạng lan truyền những bức ảnh về người đàn ông da trắng đã giết chết 9 người đi nhà thờ đen ở Charleston, S.C., chụp hình với lá cờ. Ban tổ chức NASCAR khuyến khích người hâm mộ chuyển sang Star-Spangled Banner, nhưng không được ủng hộ.
Tuy nhiên, giờ đây, đó đã không còn là việc thích hay không thích.
nguồn: dân trí