Những bộ phận của ô tô cần 'chăm sóc đặc biệt' trong ngày nóng
Bình ắc quy có thể "chết" đột ngột vì nhiệt độ quá cao. Đây là một trong những bộ phận cần lưu ý cho chiếc xe của bạn khi hoạt động trong thời tiết nắng nóng đỉnh điểm.
Dưới đây là một số bộ phận của xe ô tô rất dễ xuống cấp, hỏng hóc trong mùa nắng nóng mà bạn cần chú ý, chăm sóc.
1. Bình ắc quy có thể “chết” đột ngột vì nhiệt độ quá cao
Nhiều người thường lầm tưởng một điều rằng, ắc quy sẽ chỉ bị hư hỏng hay gặp vấn đề vào mùa đông. Tuy nhiên, điều này là sai, bởi nếu vào mùa hè, nhiệt độ tăng cao lên tới 40 độ C thì sẽ tác động và cũng làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của ắc quy.
Ắc quy là bộ phận dễ xuống cấp, hỏng hóc vào mùa hè
Chính nhiệt độ cao đã làm chất lỏng bay hơi nhanh hơn khiến cho áp suất và lượng dung dịch trong ác quy không đảm bảo tiêu chuẩn và tổn hại các cấu trúc sinh điện phía bên trong. Điều này đã gây ra tình trạng “chết” ắc quy xe.
Thực tế vào mùa đông, chiếc xe của bạn có thể khó nổ, đề dai. Tuy nhiên, vào mùa hè, ắc quy có thể “chết” đột ngột vì nhiệt độ quá cao. Vì vậy, bạn đừng quên theo dõi và bảo dưỡng thường xuyên thiết bị này, đặc biệt trong mùa nóng.
Các chuyên gia cho rằng, thông thường, nếu ắc quy ô tô được bảo dưỡng thường xuyên, hệ thống sạc cho ắc quy hoạt động bình thường thì tuổi thọ có thể kéo dài tới 100.000 km, tương đương thời gian sử dụng là 4 năm. Thực tế tuổi đời của ắc quy ô tô chỉ rơi vào khoảng 2 - 3 năm. Khi kết thúc vòng đời sử dụng bình, ắc quy cần được thay thế ngay.
2. Lốp xe: Không bơm quá căng vào mùa hè
Đây là bộ phận chịu tác động lớn nhất bởi nó tiếp xúc trực tiếp với mặt đường có nhiệt độ cao vào mùa hè, đồng thời còn phải chịu chịu nhiệt ma sát cực cao mỗi lần phanh xe, đánh lái,...
Vì thế, để có thể đảm bảo an toàn và hạn chế được những sự cố đối với lốp xe chúng ta cũng phải thường xuyên kiểm tra và đảo lốp xe theo đúng quy định của nhà sản xuất để có thể đưa ra biện pháp xử lý kịp thời nếu lốp xe có vấn đề.
Cần bơm lốp ô tô định kỳ đúng áp suất tiêu chuẩn mà nhà sản xuất đưa ra (thông số về áp suất tiêu chuẩn được ghi trên lốp và trên xe). Không bơm quá căng vào mùa hè, vì lốp xe có thể phải chịu thêm áp lực từ giãn nở nhiệt, gây ra nguy cơ nổ lốp, rất nguy hiểm.
Thông thường sau khi di chuyển khoảng 40.000 - 50.000km hoặc sử dụng được 5 - 6 năm thì chủ xe nên thay lốp xe ô tô mới. Tuy nhiên, nếu xe thường xuyên phải di chuyển trong điều kiện môi trường địa hình, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng thì chủ xe có thể dựa vào tình trạng thực tế của lốp xe để chủ động thay mới sớm hơn.
3. Lớp sơn xe: Muốn bền, đừng rửa xe ngay khi vừa chạy đường dài
Sơn xe là lớp tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng mùa hè. Nhiệt cao khiến cấu trúc lớp sơn dễ bị phá hủy hơn vì các phân tử cấu thành sơn luôn ở trong tình trạng giãn nở. Điều này khiến lớp sơn không đều màu, bạc màu, thậm chí còn nhăn nhúm, không sáng bóng.
Nếu có thể, hãy đỗ xe ở nơi râm mát và có biện pháp bảo vệ chiếc xe khỏi ánh nắng trực tiếp. Ảnh: Hoàng Hiệp
Các chuyên gia khuyên rằng, để hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp vào xe, hãy cố gắng tìm được một bóng râm để đỗ nếu có thể. Trong trường hợp đỗ xe lâu ngày mà không thể tìm được một chỗ râm mát (ở bãi đỗ xe ngoài trời chẳng hạn), hãy sử dụng bạt che nắng phù hợp cho xe.
Nhiều người cũng có thói quen rửa xe ngay khi mới di chuyển đường dài. Tuy nhiên, điều này là không nên bởi lẽ khi đó máy vẫn còn nóng, hơi nóng khiến xà phòng nhanh khô hơn. Chúng bám chặt vào lớp sơn và có thể để lại những vết bẩn xấu xí khó làm sạch cho xe.
4. Chất liệu da, nhựa trong khoang nội thất
Khi một chiếc xe để ngoài trời nắng, do bức xạ nhiệt và hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt độ trong khoang xe có thể lên tới 70 độ C. Đây là điều kiện rất không tốt cho các thiết bị nội thất như ghế da, bảng táp lô, nhựa vô lăng, cần số…, đặc biệt khi bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào.
Vì thế, nếu có thể, hãy đậu xe của mình ở nơi râm mát hoặc có biện pháp che chắn để chiếc xe không bị “đốt” bởi ánh nắng hè. Ngoài ra, cần thường xuyên chăm sóc nội thất; dưỡng da ghế, nhựa bằng các chất dung môi chuyên dụng.
5. Hệ thống điều hoà, hệ thống làm mát
Đây là bộ phận cực được sử dụng thường xuyên và không thể thiếu trong những ngày hè. Khi di chuyển ngoài trời nóng, chúng ta thường sử dụng điều hòa với công suất gần như tối đa.
Việc nhiệt độ chiếc xe cao, cộng với sử dụng điều hoà công suất lớn đã làm gia tăng áp lực lên hệ thống làm mát, có thể khiến các bộ phận trong hệ thống này nhanh chóng hỏng hóc hơn.
Bảo dưỡng hệ thống điều hoà, bổ sung nước làm mát thường xuyên hơn
Theo kỹ sư ô tô Dương Trung Kiên, để bảo vệ hệ thống điều hoà và làm mát của chiếc xe, người dùng nên chú ý các điểm sau:
- Bảo dưỡng bộ phận làm mát định kỳ, vệ sinh sạch sẽ lọc gió, quạt gió và hai dàn nóng, lạnh. Nếu trong quá trình bảo dưỡng phát hiện các thiết bị đã bị mòn rỉ hoặc giảm hiệu năng hoạt động, nên nhanh chóng thay mới, hoặc có phương án sửa chữa kịp thời để tránh làm ảnh hưởng tới các thiết bị khác.
- Hãy thường xuyên kiểm tra nước làm mát và bổ sung thêm ga (môi chất làm lạnh) nếu cần thiết. Dùng nước làm mát đúng chủng loại, phù hợp với các dòng xe, tránh tối đa dùng nước máy để làm mát.
- Sử dụng điều hòa đúng cách, không nên bật máy lạnh hết công suất khi mới lên xe, nên tắt điều hòa vài phút trước khi tắt máy xe.