Ô tô bị tàn phá như thế nào dưới trời nắng nóng

Việc đậu xe ô tô dưới trời nắng nóng có thể khiến lớp sơn xe nhanh chóng phai màu, giảm tuổi thọ của các chi tiết nhựa trong xe, dễ gây cháy, nổ...

Dưới nắng nóng như lửa đốt, nhiệt độ bên trong xe ô tô có thể lên tới 60 độ C khi dừng đỗ, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cho biết, việc đỗ xe thường xuyên dưới trời nắng nóng 38-40 độ C sẽ ảnh hưởng đến ngoại thất của xe mà cụ thể chính là màu sơn. Lớp sơn của xe sẽ nhanh chóng bị phai màu, làm xe mau cũ, ảnh hưởng đến giá trị bán lại.
 
Nắng nóng còn làm giảm tuổi thọ của các chi tiết bằng nhựa trong xe. Ở nhiệt độ cao, nhựa dễ bị thay đổi tính chất sinh ra những mùi khó chịu về lâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người ngồi trên xe.
 
Không chỉ sơn, lốp xe ô tô cũng bị ảnh hưởng nhiều khi đỗ xe dưới trời nắng trong thời gian dài. Do lốp xe là bộ phận trực tiếp tiếp xúc với mặt đường khi trời nắng, mặt đường sẽ có nhiệt độ rất cao, việc không đảm bảo đúng áp suất lốp dẫn đến việc nổ lốp, khả năng gây ra tai nạn khi nổ lốp là hoàn toàn có thể xảy ra.
 
Ngoài ra, đỗ ô tô dưới trời nắng nóng quá lâu cũng dẫn đến hệ thống làm mát hao hụt nhanh. Do hệ thống làm mát là một trong những bộ phận quan trọng giúp giải phóng nhiệt độ động cơ cho nên nước làm mát hao hụt nhanh hơn. Chính vì vậy, người dùng cần phải thường xuyên kiểm tra nước làm mát, kiểm tra đường ống dẫn, két nước, các chi tiết làm bằng cao su, nếu phát hiện tình trạng rạn, nứt thì cần khắc phục hoặc thay thế.
 
Nhiệt độ trong ca-bin xe có thể tăng cao lên tới 60 độ dưới trời nắng nóng. Do đó nhu cầu sử dụng hệ thống điều hòa cũng tăng theo. Hệ thống điều hòa là những bộ phận trên xe dễ bị ảnh hưởng nhất vào mùa hè.
 
Đậu xe quá lâu dưới trời nắng nóng còn khiến không khí bên trong xe trở nên ngột ngạt, khó chịu. Đặc biệt, nếu như xe thường xuyên đóng cửa, luồng không khí trong xe không được thoát ra ngoài sẽ dẫn đến việc bốc mùi hôi khó chịu, đặc biệt là mùi nhựa, da…gây nên ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nghiêm trọng hơn có thể gây ung thư nếu tình trạng trên diễn ra thường xuyên và liên tục.
 
Nhiệt độ tăng cao làm tăng tốc độ phản ứng hóa học bên trong ắc-quy. Ngoài ra, nhiệt độ nắng nóng còn làm bay hơi chất lỏng bên trong ắc-quy. Nhiệt độ khiến chất lỏng bay hơi, thay đổi nồng độ dung dịch, phản ứng diễn ra nhanh và gây tổn hại cho cấu trúc phía trong ắc quy là nguyên nhân khiến ắc quy chết sớm.
 
Theo các chuyên gia, nhiệt độ trong ca-bin xe luôn cao hơn so với với nhiệt độ không khí bên ngoài (chênh lệch từ 5 – 10 độ C). Đây được xem là mối nguy hiểm tiềm tàng đối với những chiếc xe có trang bị bình chữa cháy, quẹt lửa, nước ngọt có ga…bên trong khoang ca-bin.
 
Các chuyên gia khuyến cáo, khi bước vào mùa nắng nóng, để hạn chế tối đa những tác hại của ánh nắng tới nội, ngoại thất xe, chủ xe nên tìm các vị trí đậu xe có mái che, bóng mát. Trong trường hợp phải để xe giữa trời nắng thì tài xế cần sử dụng các biện pháp che chắn cho xe như bạt phủ, tấm chắn nắng…
 
Bên cạnh đó, chủ xe cần kiểm tra chính là hệ thống làm mát động cơ, dán phim cách nhiệt cho toàn bộ xe, hạ kính để tạo độ thông gió hoặc sử dụng quạt tản nhiệt cho xe. Nên thường xuyên kiểm tra lốp xe, kiểm tra các loại dầu máy, hộp số, tay lái, phanh, nước làm mát, ắc quy để đảm bảo an toàn trong mùa nắng nóng.
 
Luôn giữ xe thật sạch sẽ vì bụi bẩn bám trên bề mặt có thể khiến xe ô tô hấp thụ nhiều nhiệt hơn. Tuy nhiên, nên nhớ không rửa xe dưới ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Kim loại nóng sẽ làm khô xà phòng và hỗn hợp nước bám trên sơn, để lại vết trên bề mặt xe.
 
Đồng thời, chủ xe nên tránh để các vật dụng gây cháy nổ như nước ngọt có gas, bật lửa, đồ điện tử, bình cứu hỏa mini .... vì các vật dụng này sẽ gây cháy khi để trên xe. 

Link nội dung: https://autovina.com/o-to-bi-tan-pha-nhu-the-nao-duoi-troi-nang-nong-a21382.html