Bảo dưỡng ô tô trước khi đi chơi dịp lễ Tết cần lưu ý những gì?
Kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán đang cận kề. Nếu có nhu cầu đi lại nhiều trong dịp Tết, bạn nên mang xe đi bảo dưỡng. Vậy bảo dưỡng ô tô du xuân dịp Tết cần lưu ý những gì?
1. Lốp xe
Lốp xe là bộ phận đầu tiên của xe ô tô bạn cần kiểm tra bởi đây là bộ phận chịu nhiều tác động và hỏng nhất trên xe. Hãy kiểm tra độ mòn của các lốp xe, có thể bằng mắt thường hoặc dựa vào các chỉ số. Thông thường, với điều kiện đường sá và giao thông ở các thành phố lớn Việt Nam thì tuổi thọ của lốp trung bình khoảng 50.000km hoặc 2 năm sử dụng.
Hãy kiểm tra áp suất của lốp, bởi lốp quá căng hay non hơi cũng ảnh hưởng lớn tới khả năng vận hành và sự an toàn khi chạy xe.
2. Nhớt, dầu bôi trơn động cơ
Nhớt hoặc dầu bôi trơn động cơ giúp động cơ và xe vận hành êm ái và tốt nhất, phần nào giúp xe tiết kiệm nhiên liệu và chống hao mòn động cơ. Nếu dầu bôi trơn động cơ của xe hết khi chạy sẽ khiến động cơ nhanh nóng, gây hư hỏng xe, chết máy giữa đường.
Thông thường, các tiệm bảo dưỡng sẽ khuyên bạn nên thay dầu sau mỗi 5000 km để động cơ bền hơn, song trong thực tế các bác tài chia sẻ con số tối ưu mà người sử dụng xe nên cân nhắc để thay dầu là khoảng 16000 km, vừa tiết kiệm lại thân thiện với môi trường hơn.
Khi kiểm tra nhớt bằng que thăm, nếu thấy gần hết hoặc nhớt có mùi khét thì bạn cần thay nhớt động cơ để đảm bảo an toàn.
3. Động cơ
Trước chuyến đi chơi xa, bạn hãy kiểm tra lại hệ thống động cơ. Kiểm tra động cơ bằng cách kéo cần số về N (Số 0), đề máy, sau khoảng 1 phút hãy đạp ga sâu, quan sát số vòng tua máy và khói xả có gì bất thường không.
Lắng nghe tiếng máy xe và cảm nhận độ rung khi xe hoạt động có bình thường không. Nếu có, hãy mang đến gara để kiểm tra và bảo dưỡng ngay trước chuyến đi.
4. Kiểm tra bình ắc quy ô tô
Thật là thảm họa khi xe bạn đang chạy giữa cao tốc mà ắc quy xe bị hỏng khiến xe chết máy, không đề được để vận hành và cấp điện cho các bộ phận trên xe.
Bạn hãy kiểm tra các đầu điện cực của ắc-quy nếu phát hiện thấy dấu hiệu bị ăn mòn hoặc rò rỉ thì ắc-quy rất dễ bị hỏng, nhất là khi đang đi trên đường. Để bảo đảm, hãy mang xe đến gara để đo kiểm mức độ tích điện của ắc-quy xem bộ phận này có cần phải thay mới hay không.
5. Hệ thống đèn
Khi kiểm tra hệ thống đèn, trước tiên cần vệ sinh các vết bám bẩn trên đèn để đảm bảo độ sáng. Sau đó, hãy kiểm tra độ sáng của tất cả các bóng trên xe để sửa chữa, thay thế nếu có vấn đề. Cuối cùng, căn chỉnh lại độ cao của đèn sao cho phù hợp với tốc độ để không gây ảnh hưởng tới các xe khác cùng lưu thông trên đường.
6. Hệ thống phanh và hệ thống lái
Hệ thống phanh và hệ thống lái là đặc biệt quan trọng khi chạy xe, nó liên quan trực tiếp tới sự an toàn khi điều khiển xe và xử lý tình huống trên đường. Hãy kiểm tra 2 hộp dầu của hai hệ thống này trong khoang động cơ xe để đảm bảo chúng vẫn ở mức an toàn và giúp hệ thống phanh và lái hoạt động trơn tru.
7. Nước làm mát
Việc này rất quan trọng với xe khi chạy đường dài, nó ảnh hưởng trực tiếp tới sự ổn định của động cơ khi hoạt động liên tục và chạy đường xa. Khi động cơ không được làm mát và tản nhiệt sẽ rất dễ xảy ra lỗi, hư hỏng giữa đường.
Bạn hãy mở nắp ca-pô xe và kiểm tra mực nước làm mát động cơ vẫn còn mức đảm bảo thì không cần thêm. Nếu mực nước làm mát trong két nước mát quá ít, hoặc có mùi và màu lạ thì cần thay nước mát vào xe để đảm bảo động cơ hoạt động tốt nhất tránh hư hỏng giữa đường.
8. Xăng (dầu)
Trước khi khởi hành, bạn hãy đổ đầy bình và đừng quên thường xuyên để ý đến đồng hồ đo nhiên liệu. Nên ưu tiên đổ ngay khi đồng hồ nhiên liệu báo còn khoảng 1/3 dung tích.
9. Chuẩn bị đầy đủ đồ đạc dự phòng cần thiết
Sau khi đã kiểm tra các bộ phận quan trọng trên xe, bạn cần chuẩn bị thêm một số dụng cụ được khuyến cáo, gồm: dây cáp câu bình ắc quy, lốp dự phòng và thiết bị tháo lắp lốp, nước rửa kính, dây điện, đèn pin, búa cứu hộ, bơm hơi mini, bình cứu hỏa mini, các vật dụng y tế cá nhân…là những thứ cần thiết khi đi đường.