Ngủ trong xe ô tô và những mối nguy hiểm đang 'rình rập'

Nhiều tài xế, lái xe nhất là đối với những lái xe đường dài thường có thói quen tấp xe vào lề ngủ để tiết kiệm thời gian mà không biết được mối nguy hiểm đang rình rập họ trong xe hơi.

Lái xe thì không thể để giấc ngủ làm ảnh hưởng, đó là một sự nguy hiểm. Nhưng khi đang phải đi xa hoặc chạy xe trong một thời gian dài, nhiều người bất đắc dĩ nằm nghỉ trong chính chiếc xe của mình. Điều này tưởng chừng là việc đơn giản nhưng có rất nhiều hệ lụy.

Mối nguy hiểm khi ngủ trong ô tô

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, tử vong khi ngủ trong ô tô có hai trường hợp là bật hoặc tắt điều hòa, nhưng đều đóng kín cửa.

Nếu không bật điều hòa, cửa lại khóa, tài xế ngủ lâu, trong xe không còn dưỡng khí. Ở trường hợp ngược lại là có bật điều hòa. Hầu hết những xe hiện nay tài xế đều chọn chế độ gió trong. Sau một thời gian khi cảm biến phát hiện thiếu dưỡng khí, điều hòa tự lấy gió ngoài để tăng khí tươi. Tuy nhiên, có một điều không phải ai cũng biết đó là không khí ngay ngoài xe lại bị bao phủ bởi khí từ ống xả, chứa nhiều CO. Khi con người hít vào, CO kết hợp với Hemoglobin trong hồng cầu làm biến đổi cấu trúc Hemoglobin, khiến hồng cầu không thể vận chuyển oxy tới các tế bào cơ thể.

Do đó, tế bào thiếu hụt oxy, rơi vào trạng thái hôn mê, bất tỉnh thậm chí tử vong. Nếu sống thì di chứng về não là rất lớn bởi não không có oxy trong thời gian dài.

Ngoài ra, ngủ trên xe tất nhiên sẽ không được thoải mái bởi tư thế nằm không tốt, không gian chật hẹp khiến bạn không thể duỗi thẳng tay chân và cảm thấy bí bách. Việc nằm ngủ sẽ bị gián đoạn bởi luôn phải cảnh giác với môi trường xung quanh nên bạn khó có một giấc ngủ trọn vẹn, ảnh hưởng đến sức khỏe của mình.

Đồng thời, Những vật liệu làm bằng nhựa trong xe hơi như bảng táp lô, ốp cửa, ống dẫn khí lạnh hay dầu mỡ đều có thể tiết ra chất benzen, một chất gây ung thư. Bên cạnh đó, các chất hóa học này có thể ảnh hưởng tới xương hay gây ra các bệnh thiếu máu, bạch cầu…

Ngủ trong ô tô thế nào để an toàn

Các chuyên gia khuyên rằng, để hạn chế việc ngủ trên xe khi di chuyển hành trình xa, bạn nên lên kế hoạch cụ thể và tuân thủ nguyên tắc “Ngày chạy đêm ngủ” để đảm bảo sức khỏe. Trong trường hợp buồn ngủ không theo quy luật, bạn hãy tìm một khách sạn, nhà nghỉ hay ít nhất là một quán cà phê để chợp mắt.

Tuy nhiên, trong trường hợp bất đắc dĩ phải ngủ trên xe, bạn hãy tuân theo nguyên tắc:

Nếu vào mùa đông ở Việt Nam, không lạnh đến âm độ như các nước ôn và hàn đới, tốt nhất khi muốn ngủ, tài xế nên tắt máy, tắt điều hòa và mở hé cửa kính. Đặt đồng hồ khoảng 15 phút thức dậy một lần, ra ngoài hít thở không khí. Cách làm này vừa khiến tài xế không bị thiếu dưỡng khí, đồng thời vẫn giữ nhiệt độ trong xe ở mức vừa phải.

Ngược lại, trong mùa hè, nhiệt độ cao làm xe nóng lên rất nhanh nếu không bật điều hòa. Bởi vậy khi ngủ hầu như mọi tài xế đều chọn bật điều hòa. Lúc này hãy đỗ xe ở nơi thông thoáng, nếu có gió nhẹ thì càng tốt để không khí từ ống xả thải ra được lưu thông đi nơi khác. Cũng mở hé chút cửa kính để lấy khí tươi và đặt đồng hồ 15 phút thức dậy.

Dù ngủ bằng cách nào, tài xế ghi nhớ hai nguyên tắc là hé cửa kính và chỉ ngủ khoảng 15 phút rồi thức dậy một lần. Bên cạnh đó, các cánh cửa luôn phải chốt để tránh kẻ gian đột nhập.

Link nội dung: https://autovina.com/ngu-trong-xe-o-to-va-nhung-moi-nguy-hiem-dang-rinh-rap-a20813.html