Cạnh tranh trên thị trường ôtô nhập khẩu

Những nhà phân phối của BMW, Hyundai, Kia hay Porsche đang sử dụng những thế mạnh vượt trội để lấy khách của các công ty thương mại.

Trước khi những công ty phân phối xuất hiện, thị trường xe nhập khẩu
Việt Nam nằm hoàn toàn trong tay đầu nậu. Các showroom xe nhập 2 năm
trước làm ăn tự do thoải mái vì khách hàng chẳng còn lựa chọn nào khác.
Tuy nhiên, thời kỳ "êm đềm" đã qua. Giờ đây họ đang phải đối mặt với
một thế lực mới - các nhà phân phối, vốn có tiềm lực về tài chính và sự
hậu thuẫn từ chính hãng.


Nissan là thương hiệu đầu tiên có mặt tại Việt Nam vào tháng 3/2006. Chỉ một năm sau những cái tên như Hyundai, Kia, BMW và Porsche lần lượt xuất hiện, nâng tổng số hãng có đại diện chính thức lên con số 7.  

Phương thức triệt hạ đối thủ đầu tiên mà các nhà phân phối sử dụng là cung cấp giá tham vấn cho hải quan. Nhờ sự bảo trợ từ chính hãng và nắm thông tin gốc mà giá khai báo thường cao hơn nhiều so với các đầu nậu. Chẳng hạn một chiếc BMW X5 bản 3.0 trước kia hải quan chỉ áp giá ở tầm 30.000 USD thì Euro Auto, nhà phân phối BMW, đưa ra giá gốc từ Mỹ cao hơn rất nhiều, khoảng 50.000 USD.

Lý giải điều này, ông Huỳnh Dư An, Tổng Giám đốc Euro Auto ví von, nếu giá 30.0000 USD là đúng thì các công ty nhập khẩu chỉ cần xuất ngược lại Mỹ là đã có lời 20.000 USD.

Hàng rào thuế là "đòn nặng" mà nhà phân phối sử dụng với các đối thủ của mình. Vì thế mà không chỉ có BMW mà cả Porsche cũng chủ động hợp tác với hải quan về việc cung cấp giá và hỗ trợ kỹ thuật. Khi nghi ngờ một chiếc xe nào đó khai giá không đúng, hải quan chỉ cần gửi số VIN đến hãng xác minh. Mọi thông tin sẽ được cung cấp.

Kiểu cạnh tranh này bắt đầu khiến thị trường có những điều chỉnh. Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xe nhập tại Hải Phòng tiết lộ từ ngày có sự xuất hiện của Euro Auto, lượng xe X5 về ít hẳn do mức chênh lệch tới gần 60% khiến các doanh nghiệp thương mại gặp khó khăn hơn khi hải quan tham vấn giá.  

Dịch vụ sau bán hàng là con bài thứ hai mà các nhà phân phối tập trung để kéo khách về phía mình, bởi đây là điểm yếu nhất của các công ty thương mại. Mỗi hãng có hình thức kiểm soát khác nhau nhưng mục đích cuối cùng không ngoài việc hạn chế xe không do mình bán ra.

Dù vẫn áp dụng chính sách bảo dưỡng toàn cầu nhưng Porsche thu phí với những sản phẩm không được phân phối chính thức tại Việt Nam. Đại diện của công ty Thể thao uy tín PSC cho biết những xe không mua chính hãng sẽ phải trả phí kiểm tra ban đầu. Khi xác minh đầy đủ các yếu tố như nguồn gốc, thiết bị đúng tiêu chuẩn, nhà phân phối này mới tiến hành bảo dưỡng theo tiêu chuẩn toàn cầu của Porsche.

Một số hãng bảo hành cho tất cả các loại xe nhưng lại áp dụng chính sách hai giá cho các phụ tùng. Với những xe mua không chính hãng sẽ phải trả theo giá bán lẻ, cao hơn nhiều so với phụ tùng thay thế dành cho khách hàng của hãng.

Không chỉ chịu sức ép về giá và dịch vụ hậu mãi, xe nhập không chính hãng còn phải đối mặt với rắc rối về kỹ thuật bởi đa số không được nội địa hóa. Euro Auto cho biết những chiếc BMW nhập về từ Mỹ không có thiết bị chạy ở chế độ chỉ số octan của xăng thấp hơn 91 và không được thiết kế chạy dưới thời tiết nóng.

Vì vậy, chúng thường hỏng vặt và khó khăn cho người sử dụng là những thiết bị này chỉ kèm theo xe mà không phải phụ tùng bán lẻ. Bên cạnh BMW, Porsche cũng có những chính sách tương tự với sản phẩm của mình. Khi đặt hàng nhà nhập khẩu nói rõ xe được sử dụng tại nước nào và từ đó, nhà máy tại Đức sẽ sản xuất theo điều kiện thời tiết của vùng đó. Ví như bộ tản nhiệt động cơ và điều hòa của xe Porsche ở Việt Nam sẽ to hơn so với Porsche nhập khẩu từ Mỹ.

Các nhà phân phối còn có "chiêu" cạnh tranh khác là kiểm soát nguồn hàng. Nhiều công ty nhập khẩu ôtô thời gian gần đây khổ sở vì khó tìm Kia Morning tại Hàn Quốc. Chủ một doanh nghiệp nổi tiếng tại Hải Phòng tiết lộ có những đối tác Hàn Quốc vừa thanh lý hợp đồng với nhau tháng trước, tháng sau liên hệ lại thẳng thừng từ chối.

Nguyên nhân là do Trường Hải, đơn vị phân phối độc quyền, đã bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách cung cấp thông tin những đại lý có giao dịch với các công ty Việt Nam cho phía Kia Hàn Quốc. Từ những danh sách này, Kia sẽ cảnh báo các đại lý của mình không được ký hợp đồng với các đối tác đến từ Việt Nam.

Với Hyundai, Porsche hay BMW, tình hình dễ thở hơn vì dù sao các hãng này không có dự định lắp ráp xe tại Việt Nam như Trường Hải đang làm với Morning. Thế nhưng, không loại trừ trường hợp khi đã đủ lớn mạnh, họ sẽ áp dụng phương pháp này.

Khó khăn liên tiếp khó khăn, các doanh nghiệp thương mại có thể sẽ gặp sóng gió hơn nữa khi những liên doanh ôtô trong nước được quyền phân phối xe nguyên chiếc. Lúc đó, Toyota sẽ thâu tóm nguồn hàng Lexus, một trong những thương hiệu được ưa chuộng tại Việt Nam, Honda nắm Acura, Mercedes phân phối xe của chính mình.

Dù vậy, giới kinh doanh cho rằng các đầu nậu sẽ không "mất hẳn" mà tồn tại song song, bởi nhà phân phối cũng có điểm yếu của mình. Họ chỉ được bán những mẫu xe hãng cho phép và số lượng hạn chế. Trong khi đó doanh nghiệp thương mại có thể nhập bất cứ sản phẩm nào, miễn là có khách đặt mua.

Trọng Nghiệp

autovina

Link nội dung: https://autovina.com/canh-tranh-tren-thi-truong-oto-nhap-khau-a208.html