Có những bộ phận trên xe được khuyến cáo có tuổi thọ là một khoảng thời gian cụ thể, chẳng hạn như bóng đèn halogen có thể chiếu sáng trong khoảng 1.000 giờ trong điều kiện bình thường (có thể nhẩm tính nếu trung bình mỗi ngày đèn chiếu sáng hoạt động 30 phút thì bóng đèn có thể tồn tại khoảng 5 năm). Tuy nhiên, con số này có thể sẽ chẳng còn ý nghĩa khi trong một tình huống xe đang chạy tốc độ cao mà bị xóc mạnh.
Ngoài bóng đèn ra, còn có nhiều chi tiết trên ngoại thất của một chiếc xe ôtô có thể bị hư hỏng bất chợt hoặc hay hỏng hơn các chi tiết khác.
1. Lốp và La-zăng (mâm xe)
Những tình huống bất cẩn của lái xe hoặc có thể do vô tình không chỉ gây hư hại cho lốp, mà còn cả la-zăng – điều mà nhiều người có thể không hề hay biết.
Những cú xóc mạnh khi đi qua các ổ gà ở tốc độ cao, hay leo chéo lên vỉa hè một cách cẩu thả, hoặc lốp bị cà vỉa,… đều có thể làm lốp bị rách hoặc nổ do chịu áp lực lớn. Những cú va chạm mạnh ở bánh xe còn có thể làm méo la-zăng (ở một mức độ nào đó mà mắt thường khó quan sát rõ ràng), gây nên hiện tượng xe bị rung ở một dải tốc độ nào đó.
Lời khuyên:
Cứ sau khoảng 10.000km thì lốp xe cần được đảo một lần, đồng thời tiến hành kiểm tra và cân bằng động. Tùy điều kiện sử dụng và bảo quản mà lốp xe bị mòn trước hoặc sau khi chất cao su bị thoái hóa.
Nếu xe sử dụng khoảng 20.000 - 25.000km/năm (khoảng 40 – 50km/ngày), hoa lốp thường sẽ bị mòn trước khi lớp cao su bị thoái hóa và ngược lại nếu xe rất ít sử dụng (dưới 10.000km/năm) thì hoa lốp có thể vẫn còn cao nhưng chất cao su đã bị thoái hóa. Trường hợp hoa lốp vẫn còn tốt, nhưng lốp vẫn cần được thay thế nếu vượt quá 6 năm sử dụng, bởi khi đó lớp cao su lão hóa có thể làm tăng nguy cơ nổ lốp khi phanh gấp hay ôm cua ở tốc độ cao.
2. Bóng đèn
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đèn chiếu sáng trên ôtô hiện nay khá đa dạng, từ đèn halogen, xenon, HID (đèn chiếu sáng cường độ cao) rồi LED (đèn đi-ốt phát sáng). Mỗi loại đều có những ưu và nhược điểm riêng, tuổi thọ cũng khác nhau.
Tuổi thọ của đèn halogen khoảng 450 - 1.000 giờ chiếu sáng ở điều kiện di chuyển bình thường (như vậy nếu mỗi ngày di chuyển 30 phút tối sau giờ làm việc để về nhà, bóng đèn của bạn có thể sống được trong khoảng 5 năm). Các đèn khác như xenon, HID có tuổi thọ có thể gấp đôi so với đèn halogen và đèn LED thì còn có tuổi thọ cao hơn nữa.
Tuy nhiên, nếu bị xóc mạnh hay có sự cố va chạm thì bóng có thể hỏng nhanh hơn, thậm chí có thể hỏng bất ngờ. Nguyên nhân khác có thể khiến tuổi thọ của bóng đèn chiếu sáng bị giảm là nguồn điện không ổn định, có thể là do hiệu điện thế của ắc quy thường xuyên vượt quá giới hạn hiệu điện thế của bóng.
Lời khuyên:
Cháy bóng bên lái sẽ nguy hiểm hơn bên phụ do xe đối diện khó quan sát thấy bạn hơn, nên nếu bóng bên lái bị cháy thì tốt nhất là hãy chuyển bóng còn lại sang nếu không có bóng dự phòng hoặc chưa thể thay thế.
Hãy thật cẩn thận khi di chuyển trong đêm, ngay cả khi xe của bạn có hệ thống chiếu sáng cực tốt, đặc biệt là tại những nơi khuất tầm nhìn. Cảnh giác những đốm đen trên mặt trường phía trước, bởi đó rất có thể là một cái hố mà từ xa đèn không thể quét xuống được. Tùy từng loại mà bóng đèn chiếu sáng có chi phí khác nhau, nhưng cũng chỉ lên đến vài trăm nghìn – khoảng chi phí khiến bạn không quá lăn tăn để mua một chiếc bóng dự phòng khi cần.
3. Cần gạt mưa
Nếu xe thường xuyên bị phơi dưới trời nắng gắt, lưỡi gạt mưa có thể bị hỏng và giảm/mất chức năng chỉ sau khoảng 2 năm sử dụng. Dấu hiệu dễ thấy khi gạt mưa hỏng là nước không được gạt sạch, gạt bị vấp, phát tiếng kêu trong quá trình di chuyển trên kính lái.
Không những thế, vòng bạc nhựa lót bên trong cơ cấu khớp quay của hệ thống gạt mưa thường phải làm việc trong tình trạng bị nén về một hướng (để ép cần gạt xuống kính với sự hỗ trợ của lò xo) nên bị mòn không đều. Sau một thời gian sử dụng, bạc mòn quá sẽ làm trục cần gạt bị rơ, lực ép không đủ, khiến điểm giữa của lưỡi gạt mưa không thể tiếp xúc hoàn toàn với kính.
Lời khuyên:
Không nên cố gắng bật gạt mưa khi kính bị khô. Trong điều kiện đó, giữa lưỡi gạt mưa và kính lái sẽ có ma sát lớn, không chỉ làm khó cho mô-tơ và cơ cấu cần gạt, mà còn gia tăng nguy cơ làm trầy xước kính lái.
Gioăng kính cửa sổ
Thông thường, nếu được bảo quản tốt (chẳng hạn như xe thường xuyên để ở gara có mái che, sử dụng trong điều kiện thời tiết thuận lợi, mát mẻ) thì các gioăng kính lái và kính cửa sổ bằng cao su cũng có thể rất bền, sau 7 – 10 năm vẫn rất tốt. Nhưng không phải lúc nào điều kiện sử dụng hay bảo quản xe cũng lý tưởng theo ý muốn.
Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như miền Bắc nước ta cũng là kẻ thù số một khiến các chi tiết cao su ngoại thất xe bị thoái hóa rất nhanh, bị chai cứng, nứt gẫy, gây ra tiếng kêu do kính cửa không còn được khít chặt, đồng thời zoăng hỏng cũng giảm khả năng chống ồn, làm cho ca-bin xe càng trở nên ồn hơn.
Lời khuyên:
Khi kính cửa sổ đã bị bụi bẩn bám nhiều, cần hết sức hạn chế lên/xuống kính. Ngay cả khi zoăng cửa sổ vẫn còn mới, bụi hay bùn bẩn bám nhiều sẽ không thể được gạt hết sẽ chui vào bên trong, làm kính cửa sổ bị trầy xước, kẹt, hoặc chất bẩn làm cho zoăng cao su nhanh bị thoái hóa.
Sơn vỏ xe
Sự xuống cấp của lớp sơn bóng vỏ xe hoàn toàn là do tác động chủ quan của con người, ngay cả khi không bị va quệt. Khi chiếc xe mới xuất xưởng, nước sơn bóng loáng như gương, nhưng chỉ sau khoảng một năm sử dụng, lớp sơn bóng của nhiều chiếc xe đã có thể bị hàng triệu vết xước li ti làm hỏng. Nguyên nhân của việc này là do quá trình rửa xe không đúng kỹ thuật hoặc dùng khăn lau xe khi vỏ xe nhiều bụi bẩn. Khi đó, cát bẩn sẽ bám vào chiếc khăn và chà xát vào vỏ xe, làm xước sơn bóng.
Lời khuyên:
Không nên dùng khăn lau xe khi vỏ xe bám bụi bẩn, mà chỉ lau sau khi rửa sạch với mục đích là lau khô nước. Khi rửa xe, phải dùng súng phụt nước áp suất cao phụt kỹ chất bẩn bám trên vỏ xe trước khi rửa lại bằng hóa chất chuyên dùng. Các khu vực vỏ xe bẩn hơn (như nẹp hông, các chắn bùn, cản trước và sau…) cần được rửa riêng.
Theo Autodaily
Link nội dung: https://autovina.com/chu-y-5-bo-phan-hay-hong-nhat-tren-oto-a19626.html