Iso Isetta và BMW 600
Hãng Iso của Ý từng được biết đến với vai trò nhà sản xuất xe máy, tủ lạnh hay những chiếc xe tải ba bánh thô sơ. Vào đầu thập kỷ 50, chủ sở hữu công ty quyết định cho ra đời một dòng xe hơi cỡ nhỏ mới.
Đó cũng chính là cơ duyên dẫn đến sự ra đời của Isetta. Mẫu xe với hình dáng hết sức ngộ nghĩnh được trang bị động cơ dung tích 200cc “vay mượn” từ Iso Moto 200.
Thay vì cách thiết kế cửa hai bên như các mẫu xe hơi hiện nay, hành khách phải ra vào chiếc xe từ phía trước. Tay nắm cửa mô phỏng bộ phận trên những chiếc tủ lạnh nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất. Phiên bản đầu tiên đạt vận tốc tối đa 76km/h, một con số khá ấn tượng đối với khối động cơ xy-lanh đơn hai thì công suất chưa đầy 10 mã lực.
Sau đó, Iso bán lại Isetta cho các nhà sản xuất khác, bao gồm BMW. Hãng ôtô của Đức vẫn giữ lại phần thân Isetta nhưng “thay máu” cho mẫu xe bằng một động cơ môtô của riêng mình. Phương tiện không ngừng được nâng cấp cho đến khi trở thành BMW 600 - chiếc xe “bong bóng” bốn cửa, bốn chỗ ngồi, cao cấp hơn hẳn “tổ tiên”.
Ngay từ khi ra đời, BMW 600 đã giúp BMW “ăn nên làm ra” nhờ xuất hiện vào đúng thời điểm. Mẫu xe và sau đó là “người anh em” BMW 700 góp phần không nhỏ trong việc cứu hãng xe Đức thoát khỏi nguy cơ phá sản.
Honda N600
Honda được biết đến nhờ những mẫu xe phổ biến như Civic, Accord hay CR-V và đặc biệt là trong lĩnh vực xe máy. Tuy nhiên, ít ai biết được hãng xe Nhật lại từng có một sản phẩm có thể xem như sự giao thoa giữa hai lĩnh vực trên với tên gọi N600.
Honda N600 là mẫu xe “tiến hóa” từ dòng xe kei đặc trưng của Nhật Bản. Điểm khác biệt nằm ở việc N600 được trang bị động cơ 2 xy-lanh dung tích 600cc thừa hưởng từ mẫu môtô Honda CB450. N600 ghi dấu ấn khi trở thành dòng ôtô đầu tiên của Honda chính thức được nhập khẩu vào thị trường Mỹ vào năm 1969. Nhờ khối động cơ 31 mã lực, xe đạt vận tốc tối đa 130km/h.
Năm 1927, ba năm sau khi N600 chính thức đặt chân đến nước Mỹ, Honda đã thay thế bằng thế hệ đầu tiên của Civic. Honda Civic là kết quả của N600 đã được cải thiện về cả chiều dài, rộng cao cũng như trục cơ sở. Dung tích động cơ cũng tăng gần gấp đôi lên 1.170cc và được bổ sung hai xy-lanh. Xe đạt công suất 50 mã lực.
Cooper 500
Được sản xuất năm1946 bởi Cooper đến từ Surrey (Anh Quốc) với “tiền thân” là phế liệu của hai chiếc Fiat Topolino, Cooper 500 mang trên mình khối động cơ JAP xy-lanh đơn 500cc thường sử dụng cho xe môtô.
Cooper 500 không phải một chiếc xe thông thường chạy trên đường phố mà là xe đua Formula 3. Xe nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều tay đua, dẫn đến việc công ty quyết định sản xuất với số lượng lớn và bán cho khách hàng cá nhân. Trong giai đoạn 1951-1954, xe đua F3 của Cooper đã giành chiến thắng tới 64/78 cuộc đua. Cách đặt động cơ ở chính giữa, sau phía sau người lái giúp việc sản xuất vừa đơn giản, vừa đảm bảo sự cân bằng khi xe vận hành.
Năm 1950 đánh dấu thời điểm Cooper tham gia giải đua Grand Prix cùng một chiếc Cooper 500 nâng cấp. Mẫu xe cũng có màn ra mắt tại Monaco GP nhưng phải “bỏ cuộc” ngay sau vòng đầu tiên. Tuy nhiên, nó giành chiến thắng vào năm 1958 trước khi vô địch Formula One World Championship trong các năm 1959 và 1960.
Trong số những tay đua nổi tiếng từng ngồi sau vô-lăng “đứa con cưng” của Cooper gồm có Stirling Moss, Ken Tyrrell, Bernie Ecclestone và Jack Brabham.
BMW i3 REx
BMW đem đến cho người hâm mộ mẫu i3 với hai “biến thể”: bản EV và bản REx (phạm vi mở rộng). Nếu như EV là mẫu xe sử dụng hoàn toàn năng lượng điện thì REx đi kèm động cơ xăng, tương tự một mẫu xe hybrid. Có điều, động cơ xăng 650cc này được lấy từ xe tay ga BMW C650 GT và chỉ đóng vai trò như chiếc máy phát điện.
Thay vì giữ nguyên, khối động cơ đã được điều chỉnh cho phù hợp với “môi trường” mới. Công suất giảm từ 65 xuống 34 mã lực, nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều bởi nó không có nhiệm vụ trực tiếp truyền động.
Điều đó có nghĩa là trung tâm của BMW i3 Rex vẫn là động cơ điện. Khi dung lượng pin giảm xuống một mức nhất định, động cơ 2 xy-lanh bé nhỏ sẽ phát huy tác dụng giúp gia tăng phạm vi hoạt động. Mặc dù vậy, hệ thống có thể sẽ không lý tưởng cho những chuyến đi quá dài bởi thể tích hạn chế của bình xăng (9,08L).
Morgan 3 Wheeler
Hãng ôtô Morgan từng tuyên bố sẽ ra mắt 3 Wheeler tại Triển lãm Ôtô Geneva 2011 với động cơ Screaming Eagle V-twin của Harlay-Davidson cùng hộp số sàn 5 cấp của Mazda, công suất ước tính 115 mã lực.
Sau đó, mẫu xe cũng được vén màn tại Triển lãm Geneva như đã hẹn, nhưng không phải động cơ của Harley-Davidson mà động cơ của nhà sản xuất phụ tùng và động cơ xe máy S&S Cycle, trọng lượng tăng từ 500kg lên 550kg.
Những chiếc đầu tiên đến tay khách hàng châu Âu vào tháng 2/2012 và sau đó đến Mỹ (tháng 6/2012) khi chiếc xe hơi 3 bánh đầu tiên được trưng bày tại New York và lễ hội xe Greenwich Concours d'Elegance.
Morgan 3 Wheeler từng xuất hiện trong Tập 18 của chương trình truyền hình về xe hơi có tên gọi Top Gear. Thậm chí, nó còn được xướng tên giải thưởng “Xe của năm” do tạp chí cùng tên bình chọn.
Theo OTXM
Link nội dung: https://autovina.com/nguoc-doi-oto-chay-bang-dong-co-xe-may-a19341.html