Trước những ngày nghỉ Tết, các chủ xe đã cẩn thận mang ô tô đi chăm sóc, bảo dưỡng. Tuy nhiên, tần suất hoạt động thường gia tăng trong những ngày chơi tết, vì vậy chiếc ô tô của bạn có thể “dở chứng” bất cứ lúc nào không hay.
Do đó, những người sử dụng ô tô hãy nên “nằm lòng” một số kỹ năng xử lý cơ bản và cần thiết để có thể xắn tay áo giải quyết những trường hợp gặp sự cố ngoài ý muốn. Điển hình như khi đèn pha không đủ sáng, ắc-quy yếu hay lốp xe thủng, những hướng dẫn sau đây sẽ rất hữu ích.
Cứu bình ắc-quy bị hết điện
Bình ắc-quy chính là “nguồn sống” của động cơ. Nếu chủ xe không thường xuyên theo dõi, kiểm tra và có thói quen vận hành ô tô không đúng cách, trang bị này rất dễ “phát bệnh”. Đối với tình trạng bình ắc-quy yếu, nguyên nhân thường do việc bật đèn xe, điều hòa hay radio nhưng lại không để máy nổ, làm bình nhanh hết điện.
Để khắc phục sự cố này, bộ dây cáp câu bình là dụng cụ không thiếu trên xe. Trong trường hợp ô tô không thể khởi động do bình ắc-quy quá yếu, bạn hãy nhờ đến sự trợ giúp của xe đi trên đường và cố gắng đẩy xe vào lề đường. Sau đó, đỗ 2 xe đối đầu với nhau để dễ câu bình hơn.
Lần lượt tắt các thiết bị điện đang hoạt động như đèn, radio, DVD và máy lạnh… Tiếp đến, mở nắp capo và tiến hành câu điện từ bình ắc-quy của xe đối diện. Bình ắc-quy bao gồm 2 màu dây: dây màu đen nối cọc âm (-) và dây màu đỏ nối cọc dương (+). Do đó, bạn hãy nối cực (+) của ắc-quy hết điện với cực (+) của ắc-quy mồi trên xe trợ giúp và nối cực (-) từ ắc-quy mồi vào bất kỳ miếng kim loại nào trong khoang động cơ của xe hết điện. Lưu ý, không được nối trực tiếp vào cực âm (-) của ắc-quy hết điện, việc này sẽ gây ra đánh lửa và cháy nổ.
Hoàn thành các bước trên, bạn hãy khởi động xe trợ giúp, sau đó mới đề nổ xe của mình để “mồ bình”. Cuối cùng, giữ từ 3-5 phút để ắc-quy nạp điện trước khi tháo các đầu cáp.
Thay bóng đèn pha thiếu sáng
Đèn pha chính là “đôi mắt” của xế cưng. Để đảm bảo độ sáng cho thiết bị quan trọng này, bạn cần giữ vỏ đèn sạch sẽ và không phủ vật che chắn lên trong khi đèn đang hoạt động. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thông thạo những kỹ năng về kiểm tra hay các bước thay thế bóng đèn pha.
Trong trường hợp phát hiện thấy đèn xe không đảm bảo ánh sáng, hay một trong hai đèn không sáng, bạn hãy đỗ xe vào lề đường và thay thế bóng đèn. Tất nhiên, trước đó bạn nên chuẩn bị sẵn một cặp đèn trong xe. Lưu ý, cấu tạo đèn pha của mỗi xe khác nhau, vì vậy hãy đọc kỹ hướng dẫn để thực hiện chuẩn các thao tác tháo, lắp hệ thống đèn pha.
Thay bánh ô tô bị thủng
Tại Việt Nam, các garage sửa chữa ô tô không xuất hiện quá nhiều, đặc biệt là ở các tuyến đường ngoại thành. Đồng thời, trong những ngày lễ Tết, phần lớn các trạm dịch vụ này cũng thường đóng cửa. Vì vậy, đối với người sử dụng ô tô, kỹ năng thay bánh xe là cơ bản và rất cần thiết mặc dù không ít người dùng vẫn có thói quen phó mặc cho các nhân viên sửa chữa. Nắm vững kỹ năng này, bạn không chỉ có thể chủ động xử lý sự cố trên hành trình của mình mà còn tiết kiệm thời gian chờ đợi cứu hộ.
Trước mọi hành trình, bạn hãy kiểm tra kỹ lưỡng các trang bị đầy đủ như lốp dự phòng, tháo lắp lốp, dụng cụ kích bánh… Các vật dụng này thông thường vẫn được nhà sản xuất trang bị kèm theo mỗi chiếc ô tô. Đối với các dòng xe SUV hay bán tải, bánh dự phòng sẽ được treo ở dưới gầm sau của xe. Bên cạnh đó, ở các mẫu ô tô sedan, bánh xe thường để ở sàn khoang hành lý.
Hãy đọc kỹ hướng dẫn thay bánh xe, cách dừng xe trong tình huống lốp xe gặp sự cố, cách sử dụng kích nâng tháo lốp xe… Ngoài ra, bạn đừng quên trang bị sẵn thiết bị kiểm tra áp suất lốp để đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất đề ra. Thông tin về áp suất lốp hợp lý thường xuất hiện phía trong cánh cửa.
Link nội dung: https://autovina.com/ky-nang-tu-sua-o-to-khi-ap-su-co-tren-duong-a19317.html