Đối với một số người, chuyện bảo dưỡng xe thường xuyên vẫn chưa được coi trọng. Hậu quả của việc này là xe rất nhanh xuống cấp, chạy hao xăng. Bảo dưỡng xe không hẳn chỉ là thay dầu máy theo định kỳ, còn rất nhiều chi tiết khác cần kiểm tra, vệ sinh nhưng khoảng cách dài hơn so với thay dầu.
Nếu phát hiện xe hao xăng một cách bất thường, hãy kiểm tra tuần tự theo các bước sau:
Kiểm tra áp suất lốp
Kiểm tra lốp là việc đầu tiên cần làm khi xe hao xăng. Áp suất lốp thấp (lốp non) khiến cho tiếp xúc giữa bánh xe và mặt đường không tốt. Cần nhiều lực đẩy hơn để xe di chuyển dẫn đến tốn xăng. Theo tính toán, lốp non có thể khiến xe ăn xăng hơn từ 10-15% so với bình thường.
Đối với các mẫu xe hơi hiện đại được trang bị sẵn cảm biến áp suất lốp, việc này sẽ không xảy ra. Còn với dòng xe cũ hoặc bình dân, chủ xe có thể mua thiết bị kiểm tra thủ công chỉ với giá từ 100 nghìn đồng.
Thiết bị kiểm tra áp suất lốp chỉ có giá khoảng 100 nghìn đồng.
Người sử dụng xe máy nên có thói quen kiểm tra lốp bằng tay trước khi khởi động. Các chị em chân yếu tay mềm nếu không tự kiểm tra được thì cần phải chú ý, mỗi khi xe bị ì hoặc quay tay lái thấy nặng thì có nghĩa là lốp xe đang rất non rồi.
Kiểm tra bộ lọc gió
Bộ lọc gió bẩn là nguyên nhân phổ biến thứ 2 dẫn đến hao xăng. Các khe lọc gió tắc nghẽn khiến không khí vào bình xăng bị hạn chế, giảm khả năng sinh công của động cơ.
Trung bình xe máy đi từ 10 nghìn đến 12 nghìn km thì chúng ta nên thay lọc gió mới, đối với ô tô là 50 nghìn km.
Xe máy nên thay lọc gió mới định kỳ 10 nghìn km một lần.
Với các xe có lọc gió bẩn, ngoài bị hao xăng còn có hiện tượng công suất giảm, máy đột ngột tắt, có khói đen.
Bugi bẩn hoặc kém chất lượng
Bugi có nhiệm vụ đánh lửa đốt cháy hỗn hợp không khí, xăng từ chế hòa khí đã được nạp vào buồng đốt. Nếu bugi hoạt động kém, hỗn hợp xăng khí này sẽ không cháy hết, giảm hiệu suất của động cơ
Bugi đánh lửa kém khiến xăng không cháy hết.
Ngoài ra, nếu bugi có màu sắc đen, bám muội than thì nhiều khả năng chế hòa khí đang bị dư xăng, cần điều chỉnh lại. Nếu xe hoạt động tốt, bugi sẽ có màu vàng đồng.
Bộ chế hòa khí bị hỏng
Bộ chế hòa khí (bình xăng con) là nơi trộn hỗn hợp khí – xăng trước khi đưa vào buồng đốt. Nếu chế hòa khí bị hỏng sẽ cho ra tỉ lệ khí – xăng không đúng chuẩn, thừa xăng, dẫn đến việc nhiên liệu cháy không hết.
Đối với những xe đã qua sử dụng thời gian dài, việc phục hồi chế hòa khí không còn hiệu quả thì thay mới là giải pháp cần thiết.
Ngày nay, các ô tô và xe máy đời mới sử dụng hệ thống phun xăng điện tử nên người sử dụng không cần quan tâm đến bộ phận này.
Áp suất nén thấp
Hiệu suất động cơ phụ thuộc nhiều vào quá trình nén nhiên liệu tại buồng đốt. Các chi tiết như xéc măng, xu páp luôn phải hoạt động, di chuyển nên sẽ bị mòn sau thời gian dài sử dụng dẫn đến buồng đốt bị hở, tỷ số nén không đảm bảo.
Nếu như xe của bạn đã quá cũ, rất có khả năng phải sửa chữa thay thế hai chi tiết này. Ngoài hao xăng, xe hở buồng đốt còn có các dấu hiệu như ống xả nhiều khói màu xám trắng, hao dầu nhanh, tăng tốc kém.
Cần thay vòng bạc pít tông (xéc măng) sau thời gian dài sử dụng.
Thói quen gây hao xăng
Cuối cùng, thói quen lái xe cũng ảnh hưởng rất nhiều đến độ tiêu hao nhiên liệu. Việc phóng nhanh, phanh gấp khiến động cơ luôn phải hoạt động ở cường độ lớn, vừa tốn xăng vừa hại máy.
Thói quen bật điều hòa ô tô “hết cỡ” của nhiều người chắc chắn sẽ ăn xăng hơn. Khi phải dừng xe ở trong thời gian dài, tốt nhất bạn nên tắt máy và ra ngoài hít thở không khí, thay vì ngồi trong xe bật điều hòa.
Việc chọn đúng loại dầu máy cho xe theo khuyến cáo của nhà sản xuất cũng làm tăng khả năng tiết kiệm xăng lên 5-10%.
Link nội dung: https://autovina.com/o-to-hao-xang-bat-thuong-cac-buoc-tu-kiem-tra-bat-benh-a19103.html