Tìm dòng xe chiến lược

Lựa chọn dòng xe nào làm xe chiến lược thì lại là một câu hỏi khó. Nếu lựa chọn dòng xe mới hoàn toàn với mục tiêu kích thích sản xuất phụ tùng là điều khó hiểu và khó khả thi.

Số liệu mới nhất mà Bộ Công thương cho thấy, năm 2007, Việt Nam có 1,089 triệu ô tô và 21 triệu xe máy lưu thông. Không chỉ vậy, so với lượng xe tiêu thụ ở các nước trong khu vực thì Việt Namđang ở xuất phát điểm thấp. Năm 2008, Thái Lan bán 615.000 xe, Indonesia bán 603.800 xe, Malaysia tiêu thụ 548.000 xe, còn Philippines là 124.50 xe và Việt Nam là 110.200 xe.


Ngành công nghiệp ô tô Việt Namcũng được xem là phát triển chậm khoảng 40 năm so với khu vực. Chính bởi vậy, thời kỳ phổ cập ô tô tại Việt Namcũng sẽ đến chậm hơn. Với thực tế, dân số Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới và sẽ đạt 100 triệu dân vào năm 2020, có tỷ lệ dân số trẻ thì việc phát triển ô tô du lịch là tất yếu.

 “Xe du lịch sẽ phổ cập ở Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2025, khi cứ 1.000 người dân thì  sở hữu trên 50 ô tô”, ông Ngô Văn Trụ, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương nhận xét.

Dẫu tiêu thụ ô tô vẫn ở mức thấp và đang tiến lên giai đoạn ô tô hóa với kế hoạch bắt đầu vào năm 2020 nhưng việc sản xuất dòng xe chiến lược đã được các cơ quan chức năng tính tới.


“Thâm hụt cán cân thương mại sẽ ngày càng lớn nếu không phát triển xe du lịch dưới 9 chỗ. Nếu nhập khẩu xe du lịch thì giá trị nhập siêu riêng với ô tô có thể lên tới 12 tỷ USD vào năm 2020”, ông Trụ nói.


Chia sẻ vấn đề này, ông Tachibana, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã tiêu tốn nhiều tỷ đô la cho nhập khẩu ô tô, đặc biệt  là trong tương lai. Nguyên do, lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô theo các cam kết WTO và khu vực ASEAN sẽ làm giảm đi những lợi thế về giá của xe lắp ráp trong nước.


“Để cạnh tranh, các nhà sản xuất ô tô Việt Namphải dựa vào những sản phẩm chiến lược giá thành thấp, hiệu quả cao và tiết kiệm nhiên liệu”, ông Tachibana nói.


Tuy nhiên, lựa chọn dòng xe nào làm xe chiến lược thì lại là một câu hỏi khó. Có vẻ như để tiết kiệm nhiên liệu, Bộ Công thương đã đề xuất tới Chính phủ dòng xe chiến lược theo hướng có từ 6-9 chỗ với động cơ từ 1.5L trở xuống với nhiều cơ chế ưu đãi kèm theo.


“Việc Bộ Công thương chọn dòng xe này bởi tính toán tới lợi ích quốc gia, cân đối để không thâm hụt thương mại và để phát triển sản xuất phụ tùng”, ông Trụ nói.


Tuy nhiên, đây cũng là dòng xe mới hoàn toàn, chưa có một nhà sản xuất nào ở Việt Namđang sản xuất dòng xe này. Còn thực tế, các dòng xe đang được lắp ráp ở Việt Nam đa phần mới đạt tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng rất thấp bình quân ở 20%, dù các nhà sản xuất đã có mặt ở Việt Nam hơn cả chục năm.


Chính vì vậy, việc lựa chọn dòng xe mới hoàn toàn để làm xe chiến lược với mục tiêu kích thích sản xuất phụ tùng là điều khó hiểu và bỏ ngỏ câu hỏi khả thi. Nhất là khi quãng thời gian còn lại tới năm 2018, thời điểm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN là 0% ít hơn so với quãng thời gian các hãng ô tô đã có mặt tại Việt Namtừ trước tới nay.


Đáng nói là ngay ít ngày sau khi Bộ Công thương đề xuất dòng xe chiến lược với mẫu nói trên, Công ty Toyota Việt Nam đã giới thiệu ra thị trường dòng xe Avanza 7 chỗ mang động cơ 1.5L nhập khẩu từ khu vực ASEAN.


Ông Tachibana cho hay, xe chiến lược cần đáp ứng các tiêu chí là phải nhỏ, phù hợp với túi tiền người dân, tiết kiệm nhiên liệu và phải đa dụng, dùng trong nhiều trường hợp để khi bỏ xe máy người dân sẽ dùng được tốt.


Tuy nhiên, với thực tế các hỗ trợ, ưu đãi về thuế cho dòng xe chiến lược khó có thể tìm được sự đột phá so với các mức thuế hiện nay, nhất là khi Việt Namphải đối xử công bằng theo cam kết WTO. Ông Tachibana cho rằng, nếu nhà đầu tư tập trung đầu tư và có chính sách hỗ trợ của Chính phủ thì doanh nghiệp sẽ yên tâm, nhưng nếu Chính phủ không hỗ trợ nữa thì là khó cho doanh nghiệp.


“Cá nhân tôi thích xe đa dụng và là nhà đầu tư, tôi sẽ đầu tư bằng mọi giá. Toyota đang hướng sản xuất như vậy tại Việt Nam. Tôi không biết, nếu Chính phủ không hỗ trợ thì có ai làm không? Để dòng xe này mạnh lên, thì không chỉ sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn phải xuất khẩu”, ông Tachibana nói.


Dĩ nhiên, Toyota Việt Namcó thể nhanh chóng triển khai sản xuất dòng xe này tại Việt Nam, nhưng xem ra các nhà sản  xuất khác hiện có không hề mặt mà. Bằng chứng người đứng đầu các công ty Ford Việt Nam, Mercedes Việt Nam hay Công ty TNHH Ngôi Sao (nhãn hiệu) Mitsubishi, GM Daewwo và thậm chí là cả Liên doanh ô tô Hòa Bình (VMC) không có mặt tại hội thảo này.


Có lẽ, bởi vậy mà ông Trụ cũng cho rằng, đây chỉ là đề xuất của Bộ Công thương, còn quyết định cuối cùng thuộc về Chính phủ và hiện Chính phủ vừa gửi đề xuất của Bộ tới các doanh nghiệp ô tô để lấy ý kiến.

 

Thanh Hương

Link nội dung: https://autovina.com/tim-dong-xe-chien-luoc-a1884.html