Xe quá đát "át vía" người đi đường

Pô nổ như sấm, không đèn, không bửng, chẳng cần dè, bảng số, người điều khiển không cần mũ bảo hiểm, giấy phép lái xe (GPLX), nếu "xui" gây tai nạn thì coi như bỏ luôn xe. Đó là hình ảnh xe gắn máy "quá đát" mà người dân lưu thông trên đường phố TP HCM thường xuyên bắt gặp.

Với giá từ 7 trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng/chiếc, loại phương tiện này đang được chủ các cửa hàng, tiệm tạp hóa, các vựa trái cây… dành cho nhân viên, người làm đi giao hàng và không phải lo nhân viên "cuỗm" tài sản của họ.

"Lợi riêng nhưng hại chung", bất chấp luật lệ giao thông, hàng hóa trên xe cồng kềnh, các bác tài điều khiển loại phương tiện này đa số còn rất trẻ mặc nhiên kéo "kịch ga" trong dòng người lưu thông đông đúc trên đường tạo ra những mối nguy hiểm thường trực…

Đủ: "Máy, sườn, 2 bánh" là… "phi"

Chị Thanh, chủ một tiệm bột mì trên đường Bến Chương Dương (nay là đại lộ Đông Tây) cho biết: "Mỗi đại lý tạp hóa đến lấy bột chỉ 50 - 100kg nên không thể vận chuyển bằng phương tiện xe tải vì chi phí cao nên xe gắn máy là phù hợp nhất! Hai chiếc xe trong nhà mỗi ngày giao hàng cho các tiệm tạp hóa cũng được nửa tấn bột so ra lợi hơn xe tải nhiều lần!".

 

Một số hình ảnh xe quá đát lưu thông trên đường phố. Ảnh : M.Đ..

Nhìn hai chiếc xe gắn máy "già nua" chỉ còn bộ sườn, máy và hai bánh không còn tí ma sát nào với mặt đường "gồng" trên yên 4 bao bột mì (khoảng 50kg/bao) mà chúng tôi phát ớn lạnh.

Cậu nhân viên khoảng 20 tuổi, gầy gò "vận hết nội công" mới hạ được chống xe xuống và leo lên xe nổ máy. Nhìn cảnh hạ xe cực khổ là như thế nhưng khi chiếc máy xe rung lên bần bật và tiếng pô giòn tan phát ra kèm theo làn khói đen kịt chỉ trong chốc lát chúng tôi thấy chiếc xe đã mất dạng trên đường. Chị Thanh gật gù: "Coi nhỏ con vậy mà được việc lắm! Ngày chở 5 - 6 chuyến qua quận 5, quận 8… mà chẳng xi nhê gì!".

Đúng như lời giải thích của chị Thanh, những chiếc xe gắn máy quá đát này đều được những cửa hàng, tạp hóa… (có dịch vụ giao hàng cho khách) ưa chuộng. Hai chiếc xe mà chúng tôi nhìn thấy tại tiệm bột mì của chị Thanh hiệu Dream được chị mua với giá 1,5 triệu/2 chiếc của một người quen. Sau khi đưa ra tiệm sửa xe thay nhông sên, làm lại máy với khoảng chừng ấy tiền là "vô tư" lưu thông ngoài đường.

"Không đèn, không biển số, không sợ CSGT hỏi thăm à?" - tôi hỏi. "Sợ chứ! Nhưng có chở ban đêm đâu mà lo! Với lại ai rảnh đâu mà đi hỏi thăm mấy chiếc xe này!" - Chị Thanh tỉnh bơ đáp.

Tìm hiểu nguồn hàng xe quá đát để cung cấp cho những đại lý đưa cho nhân viên giao hàng tôi được Nam- một thợ sửa xe trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 10) cho biết: "Xe Trung Quốc cũ không giấy tờ, xe thanh lý, và của tụi "dắt xế".

Nhiều chủ tiệm tạp hóa đến chỗ tụi tui đặt mua xong yêu cầu làm máy lại luôn nên anh em mới làm. Khách không yêu cầu cao chỉ cần xe cũ còn chạy được, giá mềm là… ok! Nhiều lúc xe chỉ còn bộ khung, máy và hai bánh khách cũng "dớt" về!. 

Vi phạm… bỏ luôn phương tiện

Hình ảnh "ớn lạnh" chúng tôi bắt gặp là chiếc gắn máy chở 4 - 5 bình gas (loại 12kg) lưu thông trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (gần Bệnh viện Từ Dũ, quận 1) lạng lách đánh võng trong dòng người đông đúc. Một số phương tiện lưu thông cùng chiều với "hung thần" này phải nép vội vào lề bởi tiếng pô nổ như "máy cày" gầm rú.

Chúng tôi nghĩ thầm trong bụng: "Chẳng may xe này gây tai nạn, 4 bình gas như những "quả bom" phát nổ thì những người ở đây lãnh đủ". 

Trong những lần thu thập tin tức về TNGT trên địa bàn quận 7, chúng tôi được "mục sở thị" hàng trăm chiếc xe gắn máy vi phạm TNGT nằm xếp lớp bên trong bãi xe vi phạm trong Công an quận. Những chiếc xe quá đát chỉ còn trơ khung, không đèn, không biển số bị người vi phạm bỏ lại đây khá nhiều.

Một cán bộ xử lý TNGT quận 7 cho biết: "Đa số các loại xe quá đát này khi gây ra tai nạn đều không có giấy tờ, biển số. Người điều khiển không có GPLX cho nên khi nhìn thấy mức phạt cao hơn giá trị của phương tiện, các chủ phương tiện này bỏ luôn xe!". Hay ở những đêm theo chân lực lượng CSGT chống đua xe trái phép, chúng tôi nhận ra hàng loạt các phương tiện xe gắn máy quá đát chiếm đa số trong đoàn "quái xế"...

 

Theo thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt, 9 tháng đầu năm 2009, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 8.525 vụ TNGT, làm chết 8.178 người, bị thương 5.499 người. Qua phân tích phân loại thì phương tiện gây ra TNGT chủ yếu là môtô chiếm 63,69%, ôtô chiếm 28,57%, các phương tiện khác chiếm 7,75%. Nhìn vào bảng thống kê này cho thấy phương tiện xe gắn máy gây TNGT chiếm tỷ lệ cao nhất trong tất cả các loại phương tiện.



Minh Đức

autovina

Link nội dung: https://autovina.com/xe-qua-dat-quotat-viaquot-nguoi-di-duong-a1879.html