(Autovina) – Croatia là hiện tượng đột biến đầy thi vị của World Cup 2018. Nhưng đất nước này không chỉ có vậy, Croatia đang vươn lên mạnh mẽ trong ngành công nghiệp ô tô thế giới.
Sau thế hệ vàng của Davor Suker, bóng đá Croatia một lần nữa được nhắc tới với những Luka Modric, Ivan Perisic hay Mario Mandzukic. Thế hệ vàng tiếp theo của bóng đá Croatia đã làm nên kỳ tích khi lọt vào tới trận chung kết của một kỳ World Cup. Tuy nhiên, quê hương của những chiếc cà-vạt còn nhiều điều đáng nói hơn nữa. Tương tự lối đá đầy quả cảm tại WC2018, Croatia còn sở hữu tinh thần khởi nghiệp đầy mạnh mẽ, mà đại diện nổi bật nhất là hãng siêu xe điện Rimac.
Hãng xe Rimac của Croatia ra đời năm 2009, một ‘đứa trẻ’ trong ngành công nghiệp ô tô. Nhưng tại đây, Mate Rimac – ông chủ của Rimac Automobili còn có những tham vọng đầy điên rồ. Concept One, chiếc xe đầu tiên của Rimac chào thế giới tại triển lãm ô tô quốc tế Frankfurt năm 2011. Ngay khi ra mắt, Concept One được mệnh danh là chiếc siêu xe điện (hypercar) nhanh nhất thế giới. Tổng công suất lên tới 1.288 mã lực, tăng tốc từ 0-100km/h trong 2,8 giây trước khi đạt giới hạn 350km/h! Đó là con số mà những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp ô tô chưa thể tạo ra.
Nối tiếp Concept One chính là siêu xe Concept S với công suất lớn hơn nhưng lại nhẹ hơn. Concept S chỉ cần 2,5 giây để đạt vận tốc 100km/h từ vị trí đứng yên. Trong khi đó, nếu chạy hết tốc lực thì siêu xe này có thể chạm ngưỡng 365km/h.
Chưa dừng lại ở đó, hãng này đang tiếp tục hoàn thiện một siêu xe khác mang tên C-Two sở hữu công suất lên tới 1914 mã lực và 2300Nm mô-men xoắn. Siêu xe điên rồ này được giới thiệu tại triển lãm Geneva hồi đầu năm và ngay lập tức trở thành một hiện tượng khác trong làng xe hơi thế giới. C-Two chỉ cần 1,85 giây để tăng tốc từ 0-97km/h trước khi đạt vận tốc tối đa 415km/h.
Trong khi toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi vẫn đang loay hoay để chuyển hướng sang xe điện thì Rimac Automobili lại là kẻ thức thời. Họ đang chứng minh cho cả thế giới thấy rằng đất nước Croatia có thể làm nên những điều phi thường. Đó cũng là lý do vì sao một tên tuổi lẫy lừng như Porsche đã phải bỏ ra một số tiền đáng kể để sở hữu 10% cổ phần của Rimac Automobili. Với những gì mà hãng này đạt được, nền tảng công nghệ và kinh nghiệm chính là những thứ cực kỳ giá trị đối với bất cứ hãng xe nào khi phát triển xe điển hiệu năng cao.
Cũng phải nói thêm rằng Mate Rimac là một người có tình yêu lớn lao đối với quê hương đất nước. Ông đã khước từ những lời đề nghị hấp dẫn đề chuyển công ty sang Đức. Thay vào đó, Mate quyết định gắn bó với ngôi làng Sveta Nedelja (ngoại ô thủ đô Zagreb) thân thuộc và phát triển sự nghiệp của mình. “Nếu như Stuttgart được biết đến với Porsche thì mọi người cũng nên nhớ tới ngôi làng của tôi thông qua Rimac Automobili”, Mate Rimac cho biết.
Bên cạnh Rimac Automobili, một thương hiệu xe hơi khác cũng đang thống trị quốc gia này chính là DOK-ING Automotiv. Tuy được thành lập từ năm 1992 nhưng dường như cái tên DOK-ING không nổi tiếng như Rimac. Công ty này chuyên về xe điện, xe đa nhiệm không người lái hoặc những hệ thống rô-bốt. Hiện tại, công ty này đang sản xuất những chiếc xe dò mìn MV-4, MV-10; xe cứu hỏa MVF-5, xe đào hầm MVD hay những chiếc xe điện XD/Loox.
Ngược dòng quá khứ, chúng ta sẽ quay lại thời điểm giữa và sau khi kết thúc 2 cuộc chiến tranh thế giới. Đây là lúc mà ngành công nghiệp ô tô tại Croatia bắt đầu hình thành. Ở thời điểm đó, 2 thương hiệu nổi tiếng nhất tại Croatia là TMZ (Tvornica Motora Zagreb) và TAZ (Tvornica Autobusa Zagreb). Nếu như TMZ chuyên về lĩnh vực mô-tô xe máy thì TAZ lại hoạt động chủ yếu trong ngành xe hơi.
Vào năm 1930, TAZ được thành lập và bắt đầu sản xuất những chiếc xe tải, xe buýt. Những chiếc xe buýt của hãng này sau đó trở thành một món hàng xuất khẩu đem về nhiều lợi nhuận khi được xuất sang nhiều quốc gia như Trung Quốc, Phần Lan, Anh, Ai Cập…Sau đó, TAZ còn lấn sân sang cả mô-tô nhưng cuối cùng lại phá sản vào năm 2000.
Không chỉ sản xuất xe thương mại, những chiếc xe quân sự cũng là lĩnh vực chủ đạo của ngành công nghiệp xe hơi Croatia. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi những quốc gia thuộc Liên Xô cũ luôn rất mạnh về mảng cơ khí và các phương tiện cơ giới quân sự. Trong đó, Duro Dakovic là nổi tiếng hơn cả khi công ty này có thể sản xuất cả xe tăng cũng như xe thiết giáp. Ngoài ra, một tên tuổi khác là Torpedo lại được biết tới với những chiếc xe tải quân sự phục vụ trong cuộc chiến tranh giành đập lập vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Vào năm 2013, một thương hiệu khác của Croatia là CROBUS đã ký kết hợp đồng có trị giá 280 triệu EUR, cung cấp 2000 chiếc xe buýt cho Iraq ngay trong năm đó. Có thể thây rằng, từ xe dân dụng cho bới xe tải, xe buýt hay xe quân sự, người Croatia cho thấy họ có đủ khả năng để sản xuất bất cứ loại phương tiện nào, chứ không đơn thuần chỉ là những siêu xe điện lao vun vút trên đường phố.
Dù là một quốc gia có dân số chưa tới 5 triệu người những Croatia đang cho thấy họ không hề thua kém ở bất kỳ lĩnh vực nào, đặc biệt là trong ngành công nghiệp xe hơi. Có thể ở thời điểm hiện tại, cái tên Croatia không được xướng lên thường xuyên như Đức, Anh, Pháp hay Mỹ.
Tuy nhiên, trong thời gian tới đây, biết đâu quốc gia này sẽ trở thành tâm điểm với những sản phẩm mới hoặc một chiến tích bóng đá tiếp theo. Mọi thứ luôn không ngừng phát triển và dường như Croatia đang lựa chọn một hướng đi vô cùng đúng đắn để đón đầu xu thế./
Trung Nguyên
Link nội dung: https://autovina.com/croatia-khong-chi-co-bong-da--a18284.html