GM nỗ lực nối lại đàm phán với Magna ở Nga

Sau vụ chuyển nhượng thương hiệu Opel thất bại khiến Phó chủ tịch kiêm giám đốc CEO của hãng Opel ông Carl-Peter Forster phải từ chức, GM đang cố gắng kéo Magna trở lại bàn đàm phán để thiết lập thỏa thuận sản xuất 3 bên trên thị trường Nga.

GM nỗ lực nối lại đàm phán với Magna ở Nga

Hãng General Motors hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề then chốt của kế hoạch chuyển nhượng thương hiệu Opel bất thành bằng một thỏa thuận sản xuất 3 bên ở Nga.

GM gây ra rạn nứt lớn khi quyết định không bán quyền kiểm soát Opel cho nhà cung cấp phụ tùng Magna International Inc. của Canada và đối tác là ngân hàng Sberbank của Nga như dự định. Tuy nhiên, các quan chức của GM cho biết họ vẫn hy vọng sẽ đàm phán để đạt được thỏa thuận với Magna và nhà sản xuất xe Nga GAZ.


(Phó chủ tịch kiêm giám đốc CEO của Opel từ chức)

Một nguồn tin thân cận tiết lộ GM đã liên lạc với Sberbank- ngân hàng lớn nhất và có gắn kết chặt chẽ với chính phủ Nga. Sberbank đã đồng ý mua lại 27,7% cổ phần của Opel và chuyển lại cổ phần cho một nhà sản xuất xe Nga mà gần như chắc chắn là hãng GAZ.

GAZ, nhà sản xuất xe lớn thứ 2 của Nga, cùng với Magna và GM bắt đầu đàm phán thỏa thuận sản xuất từ 3 năm trước nhưng các cuộc thương lượng thất bại sau khi chủ sở hữu của GAZ- tỷ phú Oleg Deripaska gặp vấn đề về tài chính. Không lâu sau đó thì GM cũng chật vật đối phó với những khó khăn tài chính của riêng mình.

“Vua nhôm” Deripaska và Chủ tịch của Magna, Frank Stronach có mối quan hệ thân thiết và đã có thời gian Deripaska là một nhà đầu tư lớn của Magna.

“Chúng tôi nhận thấy vẫn có thể tiếp tục cố gắng thỏa thuận với Magna và GAZ nhưng tất nhiên với cương vị Opel vẫn là một phần của GM chứ không thuộc kiểm soát của Magna-Sberbank consortium”, Phó Chủ tịch GM- John Smith, đồng thời là đại diện thương lượng chính trong thương vụ Opel nói.

Bất bình ở châu Âu Quyết định đột ngột của GM về việc giữ Opel gây ra một làn sóng giận dữ ở Đức và phản ứng tương tự ở Nga.

Vladimir Putin,thủ tướng Nga đã phát biểu “GM không hề bàn bạc với bất kỳ ai. Việc đó không làm tổn hại đến lợi ích của chúng tôi nhưng đã nói lên văn hóa truyền thông khác người của  doanh nghiệp Mỹ đối với các đối tác kinh doanh. Thái độ ngạo mạn này nhắm thẳng và trước tiên tới các nước châu Âu chứ không phải riêng chúng tôi”.  

Warren Brown, cựu lãnh đạo của GM Nga tin rằng GM có thể dàn xếp với người Nga. “Kết thúc của thương vụ Opel không loại trừ khả năng GM vẫn tiếp tục giúp GAZ với sự hỗ trợ của Magna”, ông Browne nói.

Nhà sản xuất xe Mỹ còn gặp phải sự chống đối dữ dội hơn ở Đức, quê nhà của Opel nhưng GM không bất ngờ trước phản ứng này. Hầu hết quan chức chính phủ Đức và đại diện lao động của Opel đều ủng hộ thương vụ với Magna-Sberbank. Tuy nhiên, GM cũng sẽ không cắt giảm nhân công nhiều hơn Magna sẽ làm. Hiện giờ, GM dự kiến sẽ giảm 20% nhân lực, tương đương với 10.000 công nhân để giảm chi phí kết cấu.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Phó Chủ tịch Nick Reilly phụ trách hoạt động quốc tế của GM cho biết Opel có vấn đề về chi phí. “Sản phẩm thì tốt. Vấn đề lớn nhất là tài chính. Opel đặt trọng tâm ở những nước có chi phí khá cao với đồng euro mạnh và công ty phải giảm đáng kể chi phí đó”.

Trái ngược với những chỉ trích GM hứng chịu ở châu Âu, thái độ của Magna với GM lại rất mềm mỏng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ Opel và GM”, tổng giám đốc của Magna, ông Don Walker nói trong khi thông báo lợi nhuận quý của hãng.

Về phần mình, Phó Chủ tịch GM, John Smith cũng lưu ý rằng Magna là một trong những nhà sản xuất tốt nhất của GM và muốn tiếp tục là khách hàng lớn nhất của Magna.

autovina

Link nội dung: https://autovina.com/gm-no-luc-noi-lai-dam-phan-voi-magna-o-nga-a1822.html