Thời điểm này, mới chỉ có duy nhất tập đoàn Trường Hải tăng giá một số mẫu xe lắp ráp trong nước thuộc quyền quản lí của mình như Mazda CX-5/BT50 (10 - 30 triệu đồng), các mẫu xe du lịch KIA (Morning/Cerato/Optima với mức tăng 4 - 20 triệu đồng; còn lại, hầu như toàn bộ các thương hiệu kinh doanh xe du lịch tại Việt Nam đều giữ nguyên giá bán, đợi chờ những thay đổi của phân khúc xe nhập khẩu.
Riêng GM Việt Nam vẫn tiếp tục chương trình hỗ trợ giá bán cho các dòng xe như Cruze (cả hai phiên bản LT và LTZ) giảm 40 triệu đồng, Orlando LT giảm 15 triệu đồng, Captiva giảm 20 triệu đồng... so với giá bán công bố.
Trong tháng 3/2018 này, với việc Honda Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên đưa xe từ Thái Lan về Việt Nam sau khi đáp ứng các yêu cầu về kinh doanh nhập khẩu ôtô theo Nghị định 116/2017, thị trường Việt Nam được đánh giá là sắp có một “cuộc chiến” giảm giá đầy cạnh tranh. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được, khi mà với việc được giảm thuế nhập khẩu về 0%, các mẫu Honda CR-V được đánh giá là sẽ rẻ hơn tới 200 triệu đồng so với thời điểm cuối năm 2017.
Điều này không chỉ khiến các hãng xe tại Việt Nam tạm thời “nghe ngóng” các đối thủ, chưa thay đổi giá bán xe, mà chỉ tập trung vào việc hoàn thiện các thủ tục giấy tờ để nhanh chóng đưa xe về Việt Nam.
Nếu như ở phân khúc xe sang, việc nhập khẩu xe từ các thị trường châu Âu và Nhật Bản, giá bán không bị ảnh hưởng nhiều với thuế suất nhập khẩu (từ ASEAN) giảm về 0% thì ở phân khúc xe bình dân, được đánh giá là sẽ cực kì sôi động.
Hiện vào thời điểm này, sau khi các lô xe đầu tiên từ Thái Lan nhập cảng, dự báo phân khúc xe bán tải sẽ có biến động đầu tiên khi mà toàn bộ các mẫu xe bán tải có mặt tại Việt Nam đều có nguồn gốc từ nước láng giềng này. Tiếp theo đó, với việc Bộ trưởng Thương mại của Indonesia đã sang Việt Nam để gặp gỡ bộ Giao thông Vận tải, tìm hiểu và tìm lối thoát cho hơn 9.000 chiếc xe sản xuất cho thị trường Việt Nam hứa hẹn sẽ mở đường cho hàng loạt các mẫu xe đang được ưa chuộng có mặt tại Việt Nam, đặc biệt là mẫu Toyota Fortuner.
Việc các hãng đã tìm được phương thức hoàn thiện các quy định mới về kinh doanh nhập khẩu ôtô sẽ là tín hiệu mừng để ổn định tình hình kinh doanh của thị trường ôtô, tuy vậy theo đánh giá, việc hoàn thiện hồ sơ và đặc biệt là việc đáp ứng các bước kiểm định xe theo yêu cầu của Cục Đăng kiểm thì sớm nhất cũng phải mất khoảng 2 tháng nữa, các mẫu xe nhập khẩu mới này mới có thể đến tay người tiêu dùng. Chính vì vậy khoảng thời gian tới đây thị trường ôtô Việt Nam sẽ có đạt được những con số kinh doanh khả quan như cùng kì năm ngoái.
Tại thị trường Việt Nam hiện nay, các thương hiệu ôtô đang kinh doanh tại Việt Nam được chia ra như sau: Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), với 19 thành viên, bao gồm cả doanh nghiệp kinh doanh xe du lịch và cả xe thương mại, phần còn lại là các nhà nhập khẩu ôtô nguyên chiếc dưới hình thức phân phối chính hãng, bao gồm Audi, BMW, Porsche…
Tuy nhiên, để phù hợp với sự quan tâm của độc giả, chúng tôi chỉ đăng tải giá bán của những mẫu xe du lịch, xe đa dụng, xe SUV và một vài mẫu xe bán tải (pick-up) hiện đang được quan tâm trên thị trường như Ford Ranger, Chevrolet Colorado, Nissan Navara…
Một số thương hiệu “đặc biệt” mà giá bán phụ thuộc vào người mua đặt hàng như Rolls-Royce, Bentley, Lamborghini, Mekong (với một vài mẫu Fiat và PMC)… nên chúng tôi không đưa vào bảng tổng hợp này.
Theo Dantri
Link nội dung: https://autovina.com/o-to-huong-thue-nhap-khau-0-bat-dau-ve-viet-nam-thi-truong-co-bien-dong-manh-a17410.html