21/09/2009 15:34
21/09/2009 15:34
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn bị “trói”
Mặc dù, kinh doanh xăng dầu đã được vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng các doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa thực sự được tự chủ.
Nhận
định trên nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu tại hội thảo “Thị
trường kinh doanh xăng dầu: Những vấn đề quản lý Nhà nước và kinh doanh
hiện nay”do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 21/9 tại Hà Nội.
Nhà nước đang can thiệp quá sâu
TS.
Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)
nhắc lại chủ trương của Liên bộ Tài chính- Công Thương từ 1/7/2007 giá
xăng và từ 16/9/2008 giá các loại dầu chuyển sang thực hiện theo cơ chế
thị trường.
Tuy
nhiên sau thời điểm này, doanh nghiệp vẫn không có thực quyền về xác
định giá bán như các văn bản quy định. Điều này không chỉ tạo nên sự
“mấp mô” về giá bán, doanh nghiệp không bình đẳng trong cạnh tranh, các
văn bản mới tiếp tục ra đời những không đi vào thực tế (barem thuế nhập
khẩu, quỹ Bình ổn giá), cơ chế đăng ký giá vẫn nặng tính xin cho… Hệ
quả là theo tính toán, trong sáu tháng đầu năm 2009, mỗi doanh nghiệp
kinh doanh xăng dầu đầu mối lỗ trên dưới 100 tỷ đồng.
Không
những vậy, việc tiếp tục can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh xăng
dầu của các doanh nghiệp trong điều kiện giá mặt hàng này liên tục biến
động trên thị trường thế giới thời gian qua đã khiến xảy ra nghịch lý:
trong thời kỳ giá xăng dầu trên thế giới giảm sâu, Nhà nước vẫn phải bỏ
một số tiền bù lỗ tương đương, thậm chí cao hơn so với giai đoạn giá
thế giới tăng đỉnh điểm (có giai đoạn trong năm 2008 số tiền bù lỗ lên
tới gần 12 ngàn tỷ đồng).
Tự quyết doanh nghiệp có làm tốt hơn?
“Thực
chất số tiền trên là bù giá chứ không phải là bù lỗ cho doanh nghiệp.
Điều này không chỉ làm giảm tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp mà
còn khiến cho hoạt động buôn lậu xăng dầu gia tăng”, đại diện Tổng công
ty Xăng dầu Quân đội, ông Vương Đình Dung, Tổng giám đốc cho hay.
Cũng
theo ông Dung, hiện nay, mặc dù doanh nghiệp được đăng ký giá bán nhưng
về cơ bản giá bán lẻ đối với mặt hàng xăng dầu vẫn do Nhà nước quy
định. Trong khi đó, cơ chế điều hành giá xăng dầu không thể cùng một
lúc thoả mãn lợi ích của cả ba bên là: Nhà nước, doanh nghiệp và người
tiêu dùng. Do vậy phải căn cứ vào tình hình cụ thể để chọn ra đối tượng
ưu tiên.
Thêm
vào đó, chính sách thuế đối với việc nhập khẩu xăng dầu liên tục thay
đổi cũng khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Ông Dung đơn cử, mỗi
tàu dầu của doanh nghiệp trị giá khoảng 20 triệu USD, cập cảng chỉ sau
một ngày, phải chịu mức thuế cao hơn 5% thì chênh lệch về giá đầu vào
giữa các doanh nghiệp đã rất lớn.
"Nếu
Bộ Tài chính chỉ ấn định mức thuế nhập khẩu cố định và để doanh nghiệp
được hoàn toàn tự quyết, thì tại nhiều thời điểm mức tăng giá bán lẻ
của mặt hàng xăng dầu sẽ không mạnh như cơ chế điều hành hiện nay”, ông
Dung khẳng định.
Một
số ý kiến cho rằng, chế độ chiết khấu trên mỗi lít xăng dầu cũng nên để
doanh nghiệp tự định đoạt, tuỳ theo điều kiện để tạo sự cạnh tranh giữa
các đơn vị này.
Ông
Cao Dư Sơn, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Hoá dầu Quân đội cũng tán đồng
với ý kiến, việc tăng giảm giá theo thị trường khu vực và thế giới nên
giao cho các doanh nghiệp đầu mối chủ động (nhưng nên có biên độ để
tránh ảnh hưởng xấu tới toàn bộ nền kinh tế).
Thực
tế, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối có điều kiện và năng
lực khác nhau, giá đầu vào cũng khác nhau. Do vậy, nên để các doanh
nghiệp này tự xây dựng giá bán để các nhà phân phối (tổng đại lý, đại
lý) có sự lựa chọn và cung cấp tới người tiêu dùng với mức giá hợp lý
nhất.
autovina
Link nội dung:
https://autovina.com/doanh-nghiep-kinh-doanh-xang-dau-van-bi-troi-a1665.html