Trong khi đó, số liệu của Bộ giao thông vận tải Đài Loan lớn hơn nhiều với 14,7 triệu chiếc xe máy đăng ký, chiếm 69% tổng số phương tiện đăng ký tại đây. Như vậy với 24 triệu dân thì bình quân cứ 10 người có gần 7 chiếc xe máy. Số liệu này ở Việt Nam thấp hơn nhiều khi bình quân 10 người có gần 5 chiếc xe máy.
Dẫu vậy, tình hình giao thông tại Đài Loan lại khá tốt với chất lượng không khí không quá ô nhiễm. Vậy nguyên nhân vì đâu khu vực này có thể kiểm soát tốt được hệ thống giao thông và chất lượng môi trường như vậy?
Vương quốc xe máy
Mặc dù vẫn có rất nhiều xe hơi so mức sống cao nhưng xe máy dường như đã trở thành biểu tượng văn hóa của Đài Loan khi hàng trăm nghìn chiếc xe lưu thông trên đường phố mỗi ngày. Tình hình căng thẳng đến mức Đài Loan phải cấm nhập khẩu xe máy phân khối lớn vào đây từ năm 2002.
Hầu như hộ gia đình nào tại Đài Loan, dù giàu hay nghèo cũng có ít nhất một chiếc xe máy. Hệ thống đóng phí và đăng ký dễ dàng khiến người dân nơi đây yêu thích xe máy còn hơn cả ô tô.
Tuy nhiên, việc có quá nhiều xe máy khiến chất lượng không khí của Đài Loan đi xuống nghiêm trọng. Tại những thành phố như Kaohsiung, chỉ số ô nhiễm không khí lên tới 87,44 PM và người đi đường phải đeo khẩu trang trước sự ô nhiễm nặng.
Trên thực tế chính quyền Đài Loan đã nhận thức được vấn đề này từ thập niên 1990 khi cho phát triển dòng xe điện vào năm 1992, nhưng doanh số bán loại xe này rất thấp do người dân đã quen loại xe truyền thống.
Ngoài ra, chính quyền cũng thiết lập chuẩn khí thải mới cho xe máy vào năm 1991 và tất cả các xe mới đều phải đạt chuẩn này để có thể được cấp phép lưu thông.
Năm 1993, Đài Loan áp dụng hệ thống kiểm tra khí thải I/M. Trong khoảng tháng 2-5/1993, chính phủ đã kiểm tra, rà soát 113.000 chiếc xe máy và khoảng 30% đã bị loại do không đạt tiêu chuẩn khí thải. Trong khoảng tháng 12/1993-5/1994, 142.000 chiếc xe đã được kiểm định và 27% bị loại. Chương trình I/M này hiện vẫn được áp dụng rộng rãi tại Đài Loan cho đến hiện nay.
Những chiếc xe không đạt tiêu chuẩn này sẽ phải đi thay bộ lọc khí thải mới, tốn khoảng 20 USD nhằm đạt tiêu chuẩn môi trường đề ra.
Chống ùn tắc giao thông
Khoảng 1 thập niên trước đây, tình hình giao thông của Đài Loan cũng tệ hại không kém nhiều nước hay sử dụng xe máy. Nguyên nhân chính là do tình trạng đỗ xe máy tràn lan trên vỉa hè, lòng đường, gây ùn tắc giao thông. Thêm vào đó, hệ thống biển báo và quy hoạch giao thông còn kém khiến tỷ lệ tai nạn tăng cao.
Nhận thức được vấn đề, Đài Loan quyết tâm tìm biện pháp cải thiện, Kể từ năm 2000, người đi xe máy phải trả phí đỗ xe cho hầu hết mọi nơi và bất kỳ trường hợp vi phạm nào cũng sẽ bị phạt nặng. Thông thường người dân sẽ phải trả tới 6.000 NT (197 USD) cho phí đỗ xe hàng tháng hoặc 100 NT (3,3 USD) cho mỗi giờ đỗ xe bên ngoài. Dẫu vậy, mức phí đỗ xe tại Đài Loan khá biến động tùy khu vực và đôi khi chúng khiến người dân thà chọn phương tiện công cộng hơn là dùng xe máy.
Ban đầu, chính phủ Đài Loan đã thí điểm từng khu vực và gặp phải phản đối quyết liệt từ người dân, nhưng nhận thức được những mặt tích cực từ việc thu phí xe, kế hoạch này dần dần được chấp thuận và hiện đã áp dụng trên 60% khu vực.
Để thực hiện được điều này, chính quyền Đài Loan đã quy hoạch rõ ràng khu đỗ xe máy với ô tô, làm giảm lượng xe máy đỗ bừa bãi xuống lòng đường hay vỉa hè. Mặt khác, ý thức của người dân cũng góp phần lớn cho thành công này khi mọi người có thể đỗ xe mà không cần khóa và thậm chí để cả tuần, miễn là trả phí đầy đủ mà không sợ mất.
Bên cạnh đó, Đài Loan còn thực hiện phân làn xe máy, ô tô rõ ràng nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông.
Thủ tục nhanh gọn, xử phạt nhanh chóng, đóng phạt thuận tiện
Có một điều khá thú vị là dù xe máy khiến nhiều thành phố trở nên ùn tắc nhưng Đài Loan, nơi có mật độ xe máy đông nhất thế giới lại không giới hạn việc mua bán, đăng ký xe máy của người dân. Mặc dù khuyến khích những phương tiện công cộng như xe buýt hay tàu điện ngầm nhưng chính quyền nơi đây lại tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua bán đăng ký xe máy.
Thủ tục hành chính đăng ký xe tại Đài Loan khá đơn giản, người nước ngoài chỉ cần bằng lái xe và thị thực (visa) còn công dân thì chỉ cần chứng minh thư là mua được xe. Nếu muốn mua bán xe cũ, 2 bên chỉ cần ra cơ quan đăng ký và tiến hành thủ tục trong 10 phút để sang tên.
Nguyên nhân chính là dù có thu nhập khá cao, khoảng 30.000 USD/năm nhưng xe máy vẫn là phương tiện thuận tiện nhất với người dân trong việc di chuyển. Do diện tích có hạn nên việc sử dụng ô tô đi lại không mấy thuận tiện với người dân.
Bởi vậy, thay vì cấm xe máy hay thắt chặt việc mua xe, Đài Loan lại tăng cường chính sách giáo dục cũng như cấp bằng lái xe cho người tham gia giao thông. Các kỳ thi sát hạch bằng lái xe ở Đài Loan không hề dễ dàng trong khi rất nhiều khóa học nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông được tổ chức. Những biển báo chỉ dẫn cũng được Đài Loan nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tạo sự dễ dàng, thuận tiện khi di chuyển.
Bằng những chính sách này, ý thức của người dân được nâng cao khi tham gia giao thông. Tại các ngã tư, người Đài Loan thường tấp qua lề trái phải tùy vào hướng muốn rẽ để nhường đường cho phương tiện đi thẳng. Hệ thống biển báo tín hiệu cũng được chấp hành nghiêm chỉnh, qua đó giảm tình trạng chen lấn, tắc đường hàng giờ đồng hồ. Bởi vậy không có gì lạ khi mật độ xe máy Đài Loan đông và đôi khi người dân phải di chuyển chậm trong giờ cao điểm nhưng tuyệt nhiên không phải chờ hàng tiếng đồng hồ do nhưng vụ chen lấn vượt đèn đỏ ở các ngã tư hay đi lấn làn.
Mặt khác, hệ thống xử phạt của Đài Loan cũng rất tinh gọn. Các camera giao thông sẽ ghi hình biển số xe vi phạm và gửi giấy phạt về địa chỉ chủ xe trong vòng 3 ngày, qua đó răn đe những người cố tình vi phạm luật giao thông. Sau 10 ngày, số tiền phạt sẽ tăng dần lên nếu chủ xe không nộp và họ sẽ bị tịch thu xe sau 1 năm kể từ ngày thông báo. Tất nhiên là hầu hết người dân Đài Loan đều chấp hành nghiêm quy định bởi ngoài tính tự giác và ý thức cao, quy trình nộp phạt ở đây cũng vô cùng đơn giản.
Nếu như tại nhiều nước phát triển, người dân có thể thanh toán tiền phạt qua chuyển khoản ngân hàng hoặc đến kho bạc nộp thì người dân Đài Loan có thể đóng tiền phạt tại những cửa hàng tiện lợi như 7 & Eleven có mặt trên khắp cả nước. Nói cách khác, họ có thể đóng phạt như việc mua thẻ điện thoại trả trước vậy.
Với hình thức này, hệ thống giao thông của Đài Loan được đảm bảo khi hạn chế được tình trạng tham nhũng, gia tăng ngân sách cũng như khiến người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
Rõ ràng, một hệ thống biển báo giao thông rõ ràng, thuận tiện cùng ý thức của người dân đã góp phần rất lớn cho thành công của Đài Loan, nơi đông xe máy nhất thế giới nhưng lại có hệ thống giao thông an toàn, văn minh và hiệu quả.
Theo TĐ
Link nội dung: https://autovina.com/vi-sao-dai-loan-dong-xe-may-nhat-the-gioi-nhung-van-khong-tac-duong-a16425.html