Bộ Tư pháp "tuýt còi" việc phạt vượt khung

Bộ Tư pháp không đồng tình đề xuất của Bộ GTVT cho phép TP Hà Nội và TP HCM được tăng mức xử phạt gấp hai lần so với các địa phương khác.


Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên vừa ký văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phúc đáp một số đề xuất của dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, Bộ Tư pháp không đồng tình đề xuất của Bộ GTVT cho phép TP Hà Nội và TP.HCM được tăng mức xử phạt gấp hai lần so với các địa phương khác. Hai TP trên vẫn còn nhiều người nghèo, thu nhập thấp, nếu tăng mức xử phạt sẽ gây ra sự bất bình đẳng và không khả thi - Bộ Tư pháp nhận định.

Bất bình đẳng

Trước đó, Chính phủ đã có văn bản cho phép Bộ GTVT đưa vào dự thảo nghị định xử phạt cho phép hai địa phương trên được tăng mức xử phạt như đã nêu trên. Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), cho rằng khi đưa ra khung hình phạt riêng, các địa phương phải tuân thủ đúng trình tự. Trong đó, UBND TP sẽ xây dựng dự thảo, mức phạt, rồi phải được HĐND quyết định mới được áp dụng.

Tuy nhiên, tại văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ Tư pháp cho rằng: “Điều 52, Hiến pháp năm 1992 quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Những người vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng đều bình đẳng trước các cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét, quyết định áp dụng chế tài. Nguyên tắc bình đẳng này đòi hỏi cơ chế áp dụng luật thống nhất trên toàn quốc, tránh việc cùng một hành vi vi phạm nhưng mỗi nơi lại bị áp dụng quy định xử phạt khác nhau”. Ngoài ra, hai TP trên hiện vẫn còn có số lượng lớn người dân có thu nhập thấp hoặc thuộc diện nghèo, việc áp dụng mức xử phạt cao hơn là không phù hợp.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trần Đình Triển (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nói thêm: “Đề xuất của Bộ GTVT là không đúng với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính”. “Nếu cho phép áp dụng thì phải sửa đổi pháp lệnh này” - ông Triển nói.

Không "gí" trách nhiệm vào chủ phương tiện

Dự thảo của Bộ GTVT chỉ quy định xử phạt người điều khiển môtô, xe gắn máy, xe đạp máy chở trẻ em từ sáu tuổi trở lên không đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, việc không quy định cụ thể hình thức xác định độ tuổi khiến cho việc xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ-đường sắt, từng cho rằng: “CSGT căn cứ vào thực tiễn thể hình của trẻ như chiều cao, cân nặng, cách nói để biết trẻ đã trên sáu tuổi chưa để xử lý. Trường hợp nghi vấn, trẻ không có giấy tờ tùy thân thì CSGT tiến hành tiếp xúc, dùng kinh nghiệm của mình để biết có vi phạm hay không, đồng thời lập biên bản và yêu cầu người điều khiển phương tiện chứng minh độ tuổi của em bé”.

Sau khi thẩm định quy định trên, Bộ Tư pháp cho rằng việc xử phạt các vi phạm không đội mũ bảo hiểm là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao chứng minh được trẻ em đó dưới hoặc trên sáu tuổi. Do đó, Bộ Tư pháp kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung cách thức, trình tự xác định độ tuổi của trẻ nhằm quy định thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng chức năng thi hành quy định này.

Cùng với đó, Bộ Tư pháp nói không với đề xuất khi ghi hình, quay camera vi phạm giao thông, nếu công an không xác định được người điều khiển phương tiện thì chủ sở hữu phương tiện sẽ bị xử phạt. Lý do của Bộ Tư pháp là việc xử phạt vi phạm hành chính chỉ được áp dụng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm. Đồng thời, việc xác định trách nhiệm hành chính phải dựa trên cơ sở hành vi vi phạm của một chủ thể nhất định, không thể căn cứ vào phương tiện được sử dụng. Trong khi đó, chủ sở hữu phương tiện chưa hẳn đã phải là người thực hiện hành vi phạm đó. Ngoài ra, trên thực tế quy định trên cũng không khả thi, nhất là đối với những phương tiện đã được chuyển nhượng qua nhiều chủ sở hữu mà không làm thủ tục sang tên...

Tiếp thu nhưng... khó quá!

Chiều ngày 17-8, bà Trịnh Minh Hiền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), cho biết: “Bộ GTVT đã nhận được văn bản của Bộ Tư pháp. Hiện Bộ đang xem xét điều chỉnh lại dự thảo cho phù hợp với các quy định và kiến nghị của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ. Tuy nhiên, nếu sửa đổi, bãi bỏ các quy định trên, nhất là đề xuất cho phép TP Hà Nội và TP.HCM tăng mức xử phạt thì Bộ GTVT sẽ phải có văn bản giải trình cụ thể những ý kiến khác nhau”. “Đây là một vấn đề khó, bởi tăng mức xử phạt chính là một trong những giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông ở TP Hà Nội và TP.HCM vốn đang diễn ra khá phức tạp” - bà Hiền nói.

 

Theo PL TPHCM

 



autovina

Link nội dung: https://autovina.com/bo-tu-phap-quottuyt-coiquot-viec-phat-vuot-khung-a1595.html