Theo UBND TP HCM, áp lực giao thông đang ngày tăng cao, cộng thêm số vụ ùn tắc năm sau luôn cao hơn năm trước, thành phố không còn cách nào khác là phải tính tới việc thu phí giao thông, tăng phí trước bạ… dù đề xuất này trước đó đã không được Bộ Tài chính chấp nhận.
Hồi tháng 10/2008, Bộ Tài chính cho rằng việc thực thi thu phí lưu hành không khả thi, ví dụ, thu như thế nào đối với xe các tỉnh khác, kiểm tra việc nộp phí sau đó cũng là vấn đề nan giải.
Nếu không có biện pháp hạn chế xe cá nhân hữu hiệu, trong vài năm tới tắc nghẽn giao thông tại TP HCM sẽ không thể kiểm soát được. Ảnh: Kiên Cường |
Cụ thể, trong báo cáo gửi Chính phủ về các biện pháp từng bước khắc phục ùn tắc giao thông mới đây, UBND TP HCM kiến nghị được nghiên cứu quy hoạch hệ thống các trạm thu phí giao thông trên địa bàn. Đồng thời xem xét tính khả thi và khả năng bố trí thí điểm hệ thống thu phí giao thông điện tử (ERP - áp dụng cho ôtô). Phí được xây dựng theo cách tính số tiền phải trả để sử dụng một tuyến đường phụ thuộc vào mức độ ùn tắc trên tuyến, tức đường thường bị kẹt xe thì phí lưu hành xe máy càng cao.
TP HCM cũng nêu quan điểm rằng, Bộ Tài chính cần nghiên cứu tăng mức phí trước bạ và lệ phí đăng ký phương tiện giao thông cá nhân tại các thành phố lớn. Riêng tại TP HCM và Hà Nội, quy định mức thu phí cao hơn các nơi khác; đồng thời thu phí sử dụng hạ tầng giao thông đô thị thông qua giá dịch vụ giữ xe.
Ngoài ra, với dân số hiện hơn 8 triệu dân, trong khi đó diện tích mặt đường chỉ khoảng hơn 25,6 nghìn m2. Mật độ đường giao thông so với diện tích thành phố chỉ đạt 1,8 km trên một m2, Sài Gòn buộc phải tính đến biện pháp hạn chế số dân nếu không muốn việc ùn tắc ngày càng nghiêm trọng.
UBND TP HCM cũng kiến nghị Bộ Công an khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ về Đề án quy định điều kiện và tiêu chí đăng ký thường trú vào thành phố. Theo đó, để có thể ở lâu dài tại Sài Gòn, người dân phải có chỗ ở, việc làm ổn định lâu dài, trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ nhất định… Thậm chí, đối với TP HCM và Hà Nội, các doanh nghiệp - ngành nghề có nhu cầu để xe phải bắt buộc có vị trí và chỗ đậu tương ứng mới có thể được cấp giấy đăng ký kinh doanh.
Thu phí giao thông, tăng tiền đăng ký mới là những biện pháp không hề mới và được đề ra nhiều năm nay, nhưng cho đến nay vẫn nằm im trên bàn giấy vì vấp phải sự ‘đắn đo” từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông, đây là thời điểm TP HCM cần phải kiên quyết và làm ngay nếu muốn hạn chế xe cá nhân.
“Chủ trương hạn chế xe cá nhân bằng các biện pháp thu phí là đúng và cần phải triển khai thành lộ trình nếu không muốn thành phố tắc nghẽn hoàn toàn vào năm 2010. Vấn đề cách làm như thế nào thì phải nghiên cứu kỹ”, ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội cầu đường cảng TP HCM khẳng định.
Chuyên gia Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa kỹ thuật giao thông đại học Bách khoa cho rằng, việc thu phí giao thông là vấn đề nên làm, để hạn chế xe cá nhân. “Điều cần quan tâm là mức thu như thế nào, thu theo phân khối, đối tượng cụ thể ra sao... phải có một ban được thành lập để nghiên cứu. Nếu đề xuất mà không thấy nghiên cứu cách làm là không ổn”, ông Mai phân tích.
Viện nghiên cứu phát triển thành phố đầu năm nay đã được UBND TP HCM giao tiến hành nghiên cứu đề án thu phí lưu hành xe cá nhân và yêu cầu báo cáo trước quý 1. Tuy nhiên do thời hạn quá gấp nên Viện đã có văn bản đề nghị được kéo dài thời gian.
Cuối tháng 10/2008, TP HCM kiến nghị với Bộ Tài chinh được thu phí lưu hành xe với mức đề xuất hằng năm 500.000 đồng đối với xe máy và 10 triệu đồng với ôtô. Một tháng sau đó, Bộ Tài chính có văn bản bác bỏ đề xuất này vì cho rằng chưa phù hợp và cần các giải pháp tổng thể khác. Đến nay, TP HCM lại tiếp tục kiến nghị Chính phủ được thu phí giao thông |
Kiên Cường
autovina
Link nội dung: https://autovina.com/tp-hcm-lai-de-nghi-thu-phi-luu-hanh-xe-a1549.html