Lợi nhuận tìm đường về với Ford

Sau 4 quý liên tục lỗ đậm, hãng sản xuất ôtô Ford của Mỹ đã báo lãi trong quý 2 vừa qua.



Ford cũng đồng thời phát đi những tín hiệu về sự bình ổn hoạt động kinh doanh trở lại nhờ lượng khách hàng thu hút được từ các đối thủ khác trong ngành công nghiệp ôtô Mỹ.

Theo báo cáo tài chính mà Ford công bố ngày 23/7, hãng đạt lợi nhuận 2,3 tỷ USD trong quý 2/2009, so với mức lỗ 8,7 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, mặc dù khoản lãi này xuất phát phần nhiều từ những nỗ lực tái cơ cấu nợ của hãng trong quý. Nếu không tính những khoản điều chỉnh nợ này, Ford sẽ lỗ 424 triệu USD, nhưng con số này vẫn khả quan hơn rất nhiều so với những gì mà giới phân tích ở Phố Wall kỳ vọng trước đó.

Doanh thu trong quý 2 của Ford giảm 33% về 27,2 tỷ USD, từ mức 38,6 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Ford cho biết, lý do chính của sự sụt giảm này là tốc độ lao dốc mạnh của doanh số thị trường ôtô Mỹ.

Kết quả kinh doanh quý 2 của Ford cho thấy, thời kỳ trượt dốc dài và sâu trong ngành công nghiệp ôtô Mỹ có thể đã chạm đáy, và ít nhất đã có một trong số 3 “đại gia” công nghiệp ôtô của nước này đã tìm ra con đường để đưa hoạt động kinh doanh trở lại với sự ổn định ở thời điểm mà doanh số thị trường ôtô đã thấp hơn trước rất nhiều.

Kết quả đó đồng thời cũng khẳng định thêm những đánh giá cho rằng, Giám đốc điều hành (CEO) Alan Mulally của Ford là một ngôi sao đang lên trong ngành công nghiệp ôtô, mặc dù ông mới chỉ bước chân vào ngành này được 3 năm, sau một thời gian làm lãnh đạo ở hãng máy bay Boeing.

“Lợi nhuận quý 2 của Ford cho thấy CEO của hãng này đang nổi lên như một nhà lãnh đạo hàng đầu của ngành công nghiệp ôtô”, ông Mike Jackson, CEO của AutoNation Inc., chuỗi phân phối xe hơi lớn nhất của Mỹ, đồng thời là nhà phân phối xe lớn nhất của Ford, nhận định.

Ông Mulally tuyên bố, Ford đang trên đà tiến tới làm ăn có lãi, hoặc ít nhất cũng là hòa, vào năm 2011, và có đủ tiền mặt để chi cho kế hoạch cải tổ của hãng.

Từng bị xem là hãng xe ốm yếu nhất của Mỹ, Ford đã ép mình vào một thời kỳ cắt giảm chi phí khắc nghiệt. Hãng đóng cửa nhiều nhà máy, cắt bỏ nhiều thương hiệu, và sa thải hơn 40.000 công nhân viên. Thêm vào đó, Ford còn vay 23,5 tỷ USD từ khu vực tư nhân bằng cách cầm cố tất cả những gì đáng giá mà hãng có.

Năm ngoái, với một bộ máy tinh gọn hơn, Ford đã không cần tới sự giúp đỡ của Chính phủ Mỹ mà vẫn tránh được con đường phá sản, thay vì phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản như hai đối thủ General Motors (GM) và Chrysler. Từ đó, Ford đã cải biến hình ảnh của mình thành một hãng xe Mỹ có đủ sản phẩm mới và có tầm vươn toàn cầu để vượt qua sự suy giảm tồi tệ đang diễn ra trong ngành công nghiệp ôtô.

Theo số liệu của Standard & Poor’s, trong 6 tháng đầu năm 2009, GM và Chrysler đã giảm thị phần tại thị trường Mỹ. Trong đó, thị phần của GM giảm còn 19,8%, từ mức 21,5% cùng kỳ năm trước; thị phần của Chrysler giảm còn 9,8%, từ mức 11,7%. Trong khi đó, thị phần của Ford tăng lên 15,9% từ mức 15,3%.

Tuy vậy, bằng chứng rõ nét nhất về sự thành công tương đối của Ford so với các đối thủ khác là việc hãng ngày càng có khả năng kiểm soát tốc độ chi tiền mặt - vấn đề đã đẩy GM suýt lâm vào cảnh vỡ nợ.

Trong quý 2 vừa qua, Ford chỉ chi 1 tỷ USD tiền mặt, thấp hơn rất nhiều so với mức 3,7 tỷ USD trong quý 1. Nhờ đó, tổng số tiền mặt mà bộ phận ôtô của hãng xe này đang nắm giữ còn tới 21 tỷ USD. Tốc độ tiêu tiền mặt của Ford giảm là nhờ hãng hạn chế chi vào các biện pháp khuyến khích khách mua hàng, trong khi sản lượng tại các nhà máy của hãng tại Bắc Mỹ tăng.

Tuy nhiên, Ford vẫn đang gánh vác những khoản nợ lớn và đương đầu với sự sụt giảm doanh số tồi tệ trong ngành công nghiệp ôtô nói chung. Thêm vào đó, hãng cũng không thể kỳ vọng vào sự lặp lại của những khoản lợi nhuận nhờ hoạt động giảm nợ của các chủ nợ.

“Ford đem tới đúng những gì mà người ta muốn, đó là tốc độ tiêu tiền mặt chậm lại. Nhưng còn quá sớm để biết chắc liệu Ford đã thực sự đi đúng hướng hay chưa, khi mà sự cải thiện ít nhiều còn nhờ sự gia tăng thị phần mà Ford có được nhờ GM và Chrysler phá sản”, ông Shelly Lombard, một nhà phân tích của hãng nghiên cứu trái phiếu doanh nghiệp Gimme Credit, phát biểu.

Cuối quý 2 vừa qua, tổng số nợ mà Ford gánh là 26,1 tỷ USD. Nhiều khả năng, chính quyết định của Ford không cầu viện Chính phủ và cũng không xin bảo hộ phá sản là lý do khiến Ford dành thêm nhiều thiện cảm của khách hàng. Tuy nhiên, nhờ nộp đơn xin bảo hộ phá sản mà đối thủ GM của Ford đã rũ bỏ được số nợ lên tới 40 tỷ USD. Tương tự, Chrysler cũng đã kết thúc quá trình phá sản với những nghĩa vụ nợ được giảm bớt rất nhiều.

Mặc dù vậy, CEO Mulally cho rằng, không có chuyện việc tái cơ cấu và điều chỉnh nợ bằng con đường phá sản tại GM và Chrysler đặt Ford vào thế bất lợi. Trong quý 2 vừa qua, Ford đã giảm nợ được 10,1 tỷ USD và tăng vốn được 1,6 tỷ USD thông qua việc phát hành cổ phiếu mới. Đồng thời, hãng cũng cắt giảm chi phí được 1,8 tỷ USD.

Ông Mulally nói: “Tôi cho rằng, chính những chiếc xe tuyệt vời và hoạt động kinh doanh vững mạnh đã kéo thêm nhiều khách hàng tới với Ford”.

Các nhà lãnh đạo của Ford vẫn đưa ra những dự báo lạc quan cho 6 tháng cuối năm và cho biết, họ hy vọng, trong năm nay, Ford sẽ lần đầu tiên tăng thị phần tại cả Mỹ và châu Âu.

Đáng chú ý, lần đầu tiên trong vòng gần 3 năm trở lại đây, những dữ liệu nội bộ của Ford cho thấy, quan điểm của người tiêu dùng về thương hiệu của hãng đã được cải thiện đáng kể.

Trước đây, nhiều người tiêu dùng Mỹ đã không tính tới chuyện sẽ tậu xe Ford vì cho rằng, xe Ford kém xe Nhật. Nhưng trong thời gian tháng 2-6/2009, số người tiêu dùng ủng hộ Ford đã tăng 17%, số người cho biết họ sẽ cân nhắc mua xe Ford cũng tăng tới 13%.

autovina

Link nội dung: https://autovina.com/loi-nhuan-tim-duong-ve-voi-ford-a1542.html