Thưa ông, có ý kiến cho rằng, thị trường xăng
dầu hiện nay chưa có tính cạnh tranh nên giá bán lẻ vẫn cao. Ông nghĩ
sao về điều này?
Tôi cho rằng, tất cả 11 doanh nghiệp đầu mối xăng
dầu hiện nay vẫn đang cạnh tranh với nhau. Điển hình nhất là hoa hồng
trích cho các đại lý bán lẻ của mỗi một doanh nghiệp là hoàn toàn khác
nhau. Có doanh nghiệp chiết khấu cao, có doanh nghiệp chiết khấu thấp
mặc dù giá bán lẻ là giống nhau.
Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa.
Để tăng tính cạnh tranh đồng nghĩa với việc giá bán lẻ xăng dầu sẽ giảm xuống, Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác tham gia thị trường này. Nhưng thời gian qua, vẫn chưa có thêm doanh nghiệp nào được cấp phép kinh doanh mặt hàng xăng dầu?
Theo quy định của Nghị định 55, tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần, trừ doanh nghiệp nước ngoài, nếu đáp ứng đủ điều kiện theo nghị định này thì sẽ đều được kinh doanh cả. Đó là những điều kiện như doanh nghiệp phải có kho dự trữ, có hệ thống đại lý bán lẻ… Đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, trên thực tế là chưa có doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nào khác được cấp phép. Lý do đơn giản là cũng chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện của Nghị định 55.
Như vậy, có thể hiểu rằng điều kiện của Nghị định 55 đưa ra quá chặt chẽ nên hạn chế việc thành lập các doanh nghiệp xăng dầu mới?
Đúng là chưa có một doanh nghiệp tư nhân nào đủ các điều kiện này. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đó là các điều kiện cần thiết. Ví dụ như, muốn nhập khẩu xăng dầu thì đương nhiên doanh nghiệp phải có kho dự trữ, nếu không thì làm sao kinh doanh được.
Chưa kể, xăng dầu là liên quan đến an ninh năng lượng, phòng chống cháy nổ. Do đó, không phải ai thích mua, thích bán là được. Dù chặt chẽ, khắt khe nhưng muốn kinh doanh mặt hàng này, không còn cách nào khác là doanh nghiệp buộc phải chấp nhận các điều kiện đó. Như vậy thì Nhà nước mới quản lý được.
Vậy ông lý giải ra sao khi các doanh nghiệp lúc nào cũng kêu lỗ nhưng họ vẫn trụ được và vẫn mở rộng phạm vi kinh doanh?
Chúng ta phải khách quan nhìn nhận vấn đề này. Nhiều năm qua, cơ chế kinh doanh mặt hàng này là cơ chế bù lỗ. Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp bán xăng dầu theo giá Nhà nước qui định, chấp nhận mức giá lỗ và Nhà nước sẽ bù cho doanh nghiệp phần lỗ này.
Tức là, tuy lỗ nhưng doanh nghiệp không phải chịu lỗ đó mà là Nhà nước chịu. Còn sau này, từ 16/9/2008, tất cả các mặt hàng đều thống nhất chuyển sang cơ chế thị trường. Từ đó đến nay, có lúc họ cũng dư lợi nhuận, có lúc họ lỗ. Tuy nhiên, phần lố ấy là tính trên cơ sở giá không được điều chỉnh. Hơn nữa, doanh nghiệp kinh doanh sẽ phải tính dài hơi.
Có ý kiến cho rằng, với một thị phần rất lớn như xăng dầu, các doanh nghiệp chỉ cần lãi ròng 200 đồng/lít đã có lợi nhuận rất lớn. Ông nhận định thế nào về ý kiến này?
Tôi không tin là có chuyện chỉ lãi 200 đồng/lít mà đã gọi là hấp dẫn. Điều đó không có cơ sở. Đã là doanh nghiệp thì lợi nhuận phải 300% mới là hấp dẫn.
Nhiều người cho rằng, giá xăng dầu trong nước hiện nay cao hơn giá xăng dầu bán lẻ các nước khác?
- Nói vậy là không chính xác. Tôi khẳng định chắc chắn một điều là giá xăng dầu của ta đang thấp hơn so với các nước láng giếng. Giá bán lẻ xăng dầu nước ta vẫn thấp hơn từ 2.000-3.000đồng/lít so với các nước như Trung Quốc, Campuchia, Singapore, Lào.
Nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa thực sự tiết giảm chi phí, giảm giá bán. (Ảnh: VNN) |
Như ông nói, khả năng tăng giá xăng dầu trong nước sắp tới là hoàn toàn phụ thuộc xu hướng giá thế giới, tại sao Bộ Tài chính không giảm thuế để giảm lỗ cho doanh nghiệp?
- Về phía điều hành của Nhà nước, thuế nhập khẩu xăng dầu cũng đã giảm tới 3-4 lần, hiện chỉ bằng một nửa so với mức mà Quốc hội cho phép. Ở thời điểm này, ngân sách Nhà nước đã phải giảm thu rất nhiều, sức chịu đựng này cũng có giới hạn. Nếu giảm thuế nữa thì chúng ta lấy gì mà đầu tư xây dựng. Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ buộc phải chia sẻ khó khăn cùng nhau.
Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã tính toán đến cách thức nào khác trong điều hành giá xăng dầu để mỗi lần tăng giá bán lẻ người dân không còn thấy "sốc", thưa ông?
Đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp tư nhân nào đáp ứng đủ điều kiện theo Nghị định 55/2007 của Chính phủ để được cấp phép nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng xăng dầu. Bộ Công Thương đánh giá, do việc kinh doanh xăng dầu luôn luôn lỗ trong thời gian qua nên cũng không hấp dẫn các doanh nghiệp tư nhân tham gia. Hiện nay, bộ này đang hoàn chỉnh, lấy ý kiến dự thảo văn bản sửa đổi Nghị định 55 theo chủ trương, nhất quán để xăng dầu theo cơ chế thị trường. |
- Để giải quyết bất cập đó, Nghị định 55 về kinh doanh xăng dầu sẽ phải sửa đổi sớm. Chúng ta tưởng, cơ chế của Nghị định 55 là mềm hơn ngày trước nhưng bản chất, giá xăng dầu vẫn là do Nhà nước quyết định. Đáng lẽ, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký điều chỉnh giá và sau 3 ngày gửi văn bản thông báo cho liên Bộ, doanh nghiệp cứ bán theo mức giá đó. Sau này, phát hiện mức giá đó là bất hợp lý, liên Bộ mới cần can thiệp. Còn thực chất hiện nay, các doanh nghiệp đăng ký giá và vẫn phải chờ xét duyệt giá.
Chính vì cơ chế này nên giá xăng dầu “dễ” bị nén. Mà càng nén lâu, đến lúc lỗ không chịu nổi, giá “bật” lên tới 1.000-2.000đồng/lít thì sẽ lại gây sốc cho thị trường.
Tôi cho rằng, nên để cho doanh nghiệp được bán xăng dầu sát với giá thị trường thế giới. Nếu làm được thế thì các mức tăng giá xăng dầu cũng sẽ không đột biến. Nó sẽ giống như các mặt hàng quan trọng khác như gạo, gas, giá “bò” lên cao dần mà người dân vẫn cảm thấy bình thường.
Chưa kể, một yếu tố quan trọng khác là hiện nay, giá dầu thế giới không hề đột biến. Nó nhích lên nhưng là ở nhịp độ dần dần, vận hành như thế là bình thường. Khi thị trường đã không có gì đột biến thì Nhà nước không phải tham gia bình ổn, can thiệp sâu.
Rất nhiều ý kiến bức xúc trước việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa chú ý đến việc tiết giảm các chi phí đầu vào, giảm giá bán lẻ, chẳng hạn lương, thưởng của lao động ngành xăng dầu khá cao. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
- Tôi cho rằng các doanh nghiệp cũng đều nỗ lực giảm giá thành xăng dầu để cạnh tranh. Trong cơ chế hiện nay, chi phí kinh doanh xăng dầu tối đa chỉ là 600đồng/lít. Họ buộc phải tính toán linh hoạt để giảm chi phí này.
Ví dụ, lúc giá thế giới xuống thấp, cần khuyến khích tiêu thụ, họ cạnh tranh với nhau bằng việc đưa ra mức chiết khấu hấp dẫn cho đại lý bán lẻ, có lúc lên tới 800-1.000đồng/lít. Còn lúc giá thế giới căng thẳng, các doanh nghiệp cũng phải thoả thuận để giảm giá thành hợp lý, tôi được biết, họ chỉ chiết khấu cho đại lý 200-300đồng/lít mà thôi.
autovina
Link nội dung: https://autovina.com/vi-sao-doanh-nghiep-xang-dau-cu-keu-lo-xin-tang-gia-a1499.html