Từ 1/7: Những điểm mới người tham gia giao thông cần chú ý

Kể từ ngày 1/7/2009, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực. Luật này sẽ thay thế cho Luật Giao thông đường bộ năm 2001, theo đó một số điểm mà người tham gia giao thông cần chú ý như sau:


Không bia rượu khi lái ô tô

 

Hành vi uống rượu bia ngay trước khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân gây tai nạn chết người. Đặc biệt là đối với người lái xe khách, xe tải… Vì vậy, Luật GTĐB sửa đổi đã quy định: Cấm người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

 

Còn đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy thì nồng độ cồn “không được vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền, tước bằng lái xe và chỉ trả phương tiện khi đã hết mùi rượu.

 

Trẻ em trên 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm

 

Theo quy định trước đây, trẻ em dưới 14 tuổi không bị bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, trong thời gian qua, rất nhiều ý kiến cho rằng, quy định này là không hợp lý bởi tai nạn giao thông sẽ không trừ một ai. Thêm nữa, cũng không có nghiên cứu khoa học nào chứng tỏ đội mũ bảo hiểm đúng quy cách sẽ gây hại cho cổ trẻ. Vì vậy, theo Luật GTĐB sửa đổi, bổ sung, tất cả trẻ em trên 6 tuổi khi tham gia giao thông sẽ phải đội mũ bảo hiểm. Luật cũng bổ sung thêm người ngồi trên xe gắn máy 2 bánh, xe đạp máy cũng bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

 

Theo đó, sẽ phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng với người ngồi trên xe máy, xe gắn máy 2 bánh, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm hoặc không cài quai đúng quy cách (trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi).

 

Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người. Trường hợp đặc biệt sẽ được chở tối đa 2 người là: Chở người bệnh đi cấp cứu; Áp giải người phạm tội hoặc chở trẻ em dưới 14 tuổi.

 

Luật cũng quy định, đối với người điều khiển xe đạp khi tham gia giao thông chỉ được chở tối đa hai người, trong đó ít nhất có một trẻ em dưới 7 tuổi.

 

Không điện thoại, không nhạc, không ma tuý

 

Trước đây, người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy chỉ bị cấm không được sử dụng ô, điện thoại di động thì nay, luật bổ sung thêm: Cấm sử dụng thiết bị âm thanh. Như vậy, hành vi vừa điều khiển xe máy, vừa nghe nhạc cũng sẽ bị phạt.

 

Luật cũng cấm các hành vi như: Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng chủng loại cho phép đối với từng loại xe cơ giới, sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng

 

Trong Luật sửa đổi, mức xử phạt vi phạm hành chính từ 80.000 - 100.000đồng và từ 40.000- 60.000 đồng đối với ôtô, môtô, xe gắn máy chuyển hướng không nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật.


Những người điều khiển xe gắn máy, mà trong cơ thể có chất ma tuý sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng. Nếu người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dụng và ôtô mà trong cơ thể có chất ma tuý sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng.

 

 

 Ảnh minh họa

Không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách
sẽ bị phạt từ 100-200 nghàn đồng - ảnh: Tuệ Khanh

 

Bằng lái, tuổi của người lái ô tô phải phù hợp với loại xe

 

Trước đây, độ tuổi tối thiểu của người lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ là 21 tuổi, nay Luật nâng lên là 24 tuổi. Đối với xe trên 30 chỗ ngồi, quy định tuổi tối thiểu của người lái là 27 tuổi (quy định cũ là 25 tuổi). Cũng theo quy định này, tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

 

Người lái xe tải kéo sơmi rơmoóc phải có giấy phép lái xe hạng FC (Luật cũ là C) và độ tuổi tối thiểu từ 24 tuổi trở lên (luật cũ là 21).

 

Khi tham gia giao thông, có 4 loại giấy tờ mà người tham gia giao thông cần mang theo là: giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới và giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

 

Chủ phương tiện không “vô can”

 

Theo Luật GTĐB sửa đổi, bổ sung, phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ. Theo đó, người kinh doanh vận tải sẽ phải “chịu trách nhiệm về hậu quả mà người làm công, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu của người kinh doanh vận tải...”.

 

Khi tham gia giao thông, xe cơ giới phải có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển; Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường.

 

Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.


Cảnh sát giao thông được mặc thường phục trong khi làm nhiệm vụ

 

Đó là một trong những quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ do Bộ Công an ban hành. Theo đó, CSGT trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát công khai được quyền bố trí cán bộ chiến sĩ trong tổ tuần tra mặc thường phục để giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên phạm vi, tuyến, địa bàn được phân công. CSGT mặc thường phục làm nhiệm vụ phải được trưởng phòng CSGT hoặc trưởng công an cấp huyện trở lên phê duyệt.



autovina

Link nội dung: https://autovina.com/tu-1x002f7-nhung-diem-moi-nguoi-tham-gia-giao-thong-can-chu-y-a1491.html