Phân luồng lại giao thông, chỗ thông chỗ tắc

Một tuần nay, Hà Nội đã lập hàng loạt barie, rào chắn tại các giao cắt nhằm phân luồng lại giao thông. Trong khi, một số tuyến bước đầu thông thoáng thì nhiều tuyến vẫn ùn tắc và gây khó khăn cho người đi bộ.

Từ 1/6, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức lại giao thông trên 7 tuyến phố là điểm nóng về ùn tắc như Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, Láng Hạ - Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi... Đây là những trục đường có chiều rộng lớn và có nhiều giao cắt.

Phương án được Sở Giao thông Vận tải đưa ra là dùng dải phân cách cứng bịt các giao cắt tại ngã 3, ngã 4, sau đó mở ngã rẽ mới, cách nút giao cắt cũ chừng 100-200 mét. Việc phân luồng sẽ tập trung vào tổ chức cho các phương tiện được rẽ phải và quay đầu.

Ngã tư Kim Mã - Ngọc Khánh sau khi được phân luồng. Ảnh chụp ngày 10/6: Xuân Tùng.

Trên tuyến Nguyễn Chí Thanh, nơi có dải phân cách rất rộng trồng hoa, việc phân luồng tỏ ra khá hiệu quả. Trước đây, vào giờ cao điểm, tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng - Láng luôn có 4-5 cảnh sát giao thông túc trực phân luồng nhưng vẫn xảy ra ùn tắc do nhiều luồng phương tiện gây xung đột. Nay, dải phân cách đã chắn ngang giữa đường Láng, các xe muốn đi thẳng qua ngã tư phải quay vòng sang đường Nguyễn Chí Thanh hoặc Trần Duy Hưng sau đó vòng lại. Bù lại, những xe có hướng rẽ phải sẽ không bị dồn ứ tại ngã tư như trước.

Một thiếu úy cảnh sát giao thông đội 3 đứng trực trên tuyến đường cho biết, hai ngày đầu mới phân làn nhiều người còn bỡ ngỡ nhưng sau đó giao thông đã được thuận tiện hơn, giảm ùn tắc. Mỗi ngày đội đã tiết giảm được 3-4 cảnh sát trực ở đây.

Chị Thu Thủy, nhà phố Chùa Láng (Hà Nội) cũng cho biết: "Việc phân luồng này giúp giảm ùn tắc ở các điểm ngã tư, giao cắt và nhất là không phải chờ đèn đỏ. Dải phân cách giữa đường Nguyễn Chí Thanh rộng nên các xe khi quay đầu không gây cản trở các phương tiện đang lưu thông tuyển thẳng".

Tại ngã tư Bạch Mai - Trần Khát Chân - Đại Cổ Việt - Huế, một dải phân cách cứng dài gần 100 mét được lắp đặt tại tim đường ngã tư Bạch Mai - Trần Khát Chân. Với cách đặt dải phân cách này, người điều khiển phương tiện thay vì đi thẳng từ đường Bạch Mai qua ngã tư để ra phố Huế, nay phải chuyển hướng, rẽ phải khoảng 100 mét, sau đó quay đầu xe.

Theo ghi nhận của VnExpress.net, ban đầu, nhiều người tham gia giao thông chưa đồng tình khi phải đi đường vòng xa hơn và giao thông đầu tuyến đường Trần Khát Chân bị ùn ứ. Sau đó, bằng việc xén bớt vỉa hè đầu phố Huế, cho phép các phương tiện rẽ phải và điều chỉnh nhịp đèn tín hiệu, tình trạng ùn ứ giao thông tại ngã tư này đã được giải tỏa.

Tuy nhiên, phương án tổ chức giao thông mới cũng lộ rõ bất cập tại nhiều tuyến đường. Trên tuyến Kim Mã, sau khi dùng barie chắn ngang giao cắt ngã tư Kim Mã - Ngọc Khánh - Vạn Bảo, các phương tiện muốn rẽ sang phố Ngọc Khánh, Vạn Bảo sẽ phải đi qua ngã tư 100 mét sau đó quay đầu xe.

Người tham gia giao thông không biết phải đi hay dừng trước hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Xuân Tùng.

Tuy nhiên, khác với tuyến Nguyễn Chí Thanh, dải phân cách giữa đường Kim Mã khá hẹp nên khi phương tiện quay đầu tại điểm rẽ mới đã gây cản trở cho các xe đi tuyến thẳng. Tình trạng ùn tắc được chuyển từ ngã tư sang điểm quay đầu xe cách đó 100 mét.

Thường xuyên lưu thông trên tuyến Kim Mã và Nguyễn Chí Thanh, chị Thu Hà (cán bộ một công ty viễn thông) cho rằng, phương án phân luồng chỉ hiệu quả với những tuyến có dải phân cách lớn và lượng phương tiện từ các tuyến giao cắt vào đường chính không nhiều. "Ngành giao thông nên xem xét đặc thù của từng tuyến đường, không nên áp dụng tràn làn gây lãng phí và giảm hiệu quả của việc phân luồng", chị Hà nói.

Một bất cập nữa là hệ thống đèn giao thông vẫn hoạt động ở những nơi đã không còn là điểm giao cắt. Tại tuyến đường Nguyễn Trãi, nhiều người đi đường dừng lại khi đèn đỏ, sau đó phát hiện thấy sự vô lý lại rồ ga phóng đi. Tại những điểm sang đường mới, cơ quan chức năng đã lắp đặt hệ thống biển báo, nhưng vẫn thiếu gờ sơn giảm tốc để đảm bảo an toàn.

Các ngã rẽ mới mở (cách giao cắt cũ 100 -200 mét) do không có vạch kẻ dành cho người đi bộ, không có đèn tín hiệu nên người dân không dám băng qua đường. Tại điểm giao cắt cũ, nhiều người qua đường đã trèo qua dải phân cách.

Vừa leo qua dải phân cách ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến cũ, chị Nguyễn Thu Hương cho biết: "Với kiểu phân luồng mới, không biết người đi bộ sẽ sang đường ở đâu. Mỗi lần sang đường là tôi thót cả tim".

Người sang đường trèo qua dải phân cách cứng trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Hoàng Hà.

Trao đổi với PV, ông Thạch Như Sỹ, Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, sau khi thanh tra sở thí điểm tổ chức lại giao thông tại 11 nút thường xuyên xảy ra ùn tắc tình hình đã được cải thiện.

"Một sáng kiến mới ban đầu đưa vào thí điểm bao giờ cũng bộc lộ hai mặt ưu, khuyết và chắc chắn sẽ có ý kiến không đồng tình. Hằng ngày, chúng tôi cử cán bộ tới các điểm để khảo sát, nghiên cứu. Với những khuyết điểm đang tồn tại, Sở sẽ tiếp thu và chỉnh sửa", ông Sỹ nói.

autovina

Link nội dung: https://autovina.com/phan-luong-lai-giao-thong-cho-thong-cho-tac-a1465.html