Ai đó đã từng nói, lái ôtô ở Việt Nam còn hơn cả...đóng phim “Ma trận”. Không chỉ dày đặc về lượng phương tiện giao thông, các làn xe chồng chéo nhau không theo luật lệ, để “sống sót” an toàn với xe 4 bánh trên đường phố nước ta, lái xe không những phải xử lý tài tình mà còn cần tới một tinh thần thép.
1. Tắc đường ư ? Đừng than thở nữa vì đó là “Chuyện thường ngày ở huyện”:
Có lẽ không ở đâu mà người tham gia giao thông...bình thản đón nhận chuyện tắc đường như ở Việt Nam. Nhiều người nói vui rằng, không gặp tắc đường là không biết “mùi” giao thông Hà Nội. Điều đó gần như đã trở thành một phần tất yếu của đời sống giao thông đô thị. Sáng ra đi làm, đưa con đi học, tắc đường. Chiều tan tầm về đón con hoặc đi chơi đó đây, dạo phố, đi mua sắm...tắc đường. Buổi tối ra ngoài đường để thay đổi không khí, lại tắc đường. Khủng khiếp nhất có lẽ là những khi trời mưa dài ngày và mưa với lượng lớn, đường phố biến thành sông, suối, xe máy, ôtô, xe buýt...không thể di chuyển nhanh và thế là tình trạng ùn tắc xảy ra, kéo dài thành diện rộng. Hoặc những khi chuẩn bị nghỉ lễ, ngay sau khi nghỉ lễ...nếu bạn muốn được hít thở không khí an toàn thì tốt hơn hết hãy...ở nhà bởi các đoạn đường bây giờ giống như trận đồ loằng ngoằng của vô số làn đường và lượng xe cộ dày đặc.
Tắc đường ở Việt Nam có thể là nỗi kinh ngạc của du khách nước ngoài khi tới đây, nhưng đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống đối với người tham gia giao thông đô thị (Ảnh: Saigoneer)
2. Chật vật tìm chỗ đỗ xe:
Chị Nga, giáo viên một trường cao đẳng ở Cầu Giấy, Hà Nội kể: “Hai vợ chồng thu xếp mãi cũng mua được chiếc Ford Focus để đi lại hàng ngày. Thế nhưng nhiều lúc chẳng dám lái ôtô đi ăn nhà hàng hay tụ tập đó đây với bạn bè trong phố vì thể nào cũng chật vật tìm chỗ đỗ xe, hoặc nếu gửi xe phải đi bộ một đoạn rất dài lúc ra về để nhận xe”. Đây cũng là nỗi khổ chung của nhiều chủ xe. Đất chật người đông, nhiều khi đang lái xe trên đường, có nhu cầu dừng lại, nhưng chẳng thể nào tìm được chỗ để đỗ xe. Ngay đến các lái xe với trình độ “lùi chuồng” siêu đẳng cũng khó lòng “lọt” vừa những xe đã đỗ trước đó, và thế là để dừng lại ở địa điểm mong muốn, họ phải chấp nhận đi gửi xe ở một nơi khác cách đó khá xa như trường học, cơ quan hay các bãi gửi xe ở các cụm dân cư...để có thể an tâm giải quyết công việc của mình.
Vẫn biết những “chuồng” tự phát kiểu này rất mất mỹ quan và thậm chí gây nguy hiểm cho người đi đường khi chủ nhân lùi xe và chuẩn bị khởi hành trên phố, song tình cảnh khan hiếm nơi đỗ xe cũng là một nguyên nhân chính của thực trạng trên (Ảnh: Reinventingparking)
Đôi khi đi đường, chúng ta cũng chứng kiến cảnh nhiều ôtô đỗ khá “ngông nghênh”. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có lẽ cũng buộc phải thông cảm bởi bản thân lái xe cũng không thể tìm được nơi đỗ xe phù hợp.
3. Để lái xe, hãy sẵn sàng...đóng phim hành động !
Sẽ không hề nói quá khi nhận định, lái xe ở Việt Nam mang lại cho bạn cảm giác thú vị của một...bộ phim hành động. Điều khác biệt là không hề có một đạo diễn chỉ đạo diễn xuất cho các “diễn viên” và cũng chẳng có kịch bản nào để tất cả mọi người tham gia giao thông buộc phải tuân thủ. Không riêng gì những lái mới mà ngay cả các chủ xe kinh nghiệm lâu năm vẫn có thể ngán ngẩm mỗi khi nghĩ cảnh chạy xe trên các đoạn đường đông đúc, chật chội. Cho dù bạn chấp hành luật lệ giao thông đến đâu và các lực lượng chức năng, cảnh sát giao thông...có làm việc hết mình thế nào, bạn hãy cứ chuẩn bị tinh thần nếu chẳng may đang chạy xe và một chiếc xe đạp, xe máy hoặc thậm chí ôtô khác sẵn sàng tạt ngang tạt ngửa, vượt lên hoặc chen lấn mà không hề báo trước. Cảnh tượng hay bắt gặp nhất có lẽ là ở những đoạn đường ách tắc giao thông giờ cao điểm, trong khi các ôtô đang chật vật nhích từng cm thì xe đạp hay xe máy vẫn “hồn nhiên” len lỏi vào những khoảng trống không thể chật hơn, chỉ để nhanh chóng giải thoát mình khỏi đám đông ngột ngạt. Vì vậy, nhiều xe rất mới cũng đành ngậm ngùi khi bị quẹt tróc sơn hay trầy xước khi gặp phải những tình huống này.
Trong khi các cuốn sách hướng dẫn luật giao thông cung cấp kiến thức lái xe an toàn thì chính đường phố mới là nơi bạn có cơ hội thực hành những bài tập thật sự chông gai (Ảnh: Waverleysoftware)
4. “Vặt” đồ chẳng chừa một ai, từ chủ xe sang tới những xế bình dân giản dị:
Đây là nỗi ám ảnh của rất nhiều chủ xe ở Việt Nam. Bất kể bạn đang sở hữu một chiếc xe sang của Audi, BMW hay Mercedes-Benz...tới những thương hiệu bình dân hơn như Kia Morning, Hyundai Getz...chuyện “vặt” gương vẫn không chừa một ai. Xe bị lấy trộm đồ, đặc biệt là gương ngoại thất, khiến không ít chủ xe bức xúc. Anh Quang, giám đốc một công ty về dịch vụ logistics ở Mỹ Đình, Hà Nội có lẽ là người thấu hiểu nỗi khổ này hơn ai hết. Anh kể, từ lúc gia đình mới bắt đầu sắm xe Honda Civic, sau đó đổi lên Toyota Camry và nay là Mercedes-Benz GLK...dường như cứ mỗi lần đổi xe là một lần anh “được” dịp “lên đời” gương ngoại thất bởi bất luận đỗ xe hay gửi ở đâu, kẻ gian vẫn nhòm ngó tới chiếc xe của gia đình anh. Có lẽ đã đến lúc các nhà sản xuất nên sáng chế một thiết bị phát hiện kẻ gian và báo động cho chủ nhân mỗi khi tên trộm chạm tay vào...hiện vật.
“Vặt” gương đã trở thành nỗi ác mộng của không ít lái xe
Tổng hợp
Link nội dung: https://autovina.com/nhung-noi-kho-phai-cam-chiu-cua-nguoi-dung-xe-o-to-tai-viet-nam-a14297.html