Xe máy côn tay là loại xe đặc biệt, giúp cải thiện hiệu suất và phù hợp với các dòng xe thể thao. Để nắm vững cách làm chủ một chiếc xe máy côn tay, có một số điểm quan trọng các biker cần lưu ý trong quá trình điều khiển loại xe này.
Xe máy côn tay là loại xe máy có hệ thống đóng ngắt ly hợp bằng tay. Tay lái bên trái có cần côn, bóp vào để ngắt và thả ra để đóng ly hợp. Côn tay giúp cải thiện hiệu suất và tốc độ, do vậy phần lớn các dòng xe thể thao đều là xe côn tay. Ở các giải đua xe môtô trên thế giới, các xe tham dự đều là xe côn tay.
Tại thị trường Việt Nam có thể kể tới một số dòng xe máy côn tay thông dụng và phổ biến như Yamaha Exciter, Yamaha YZF 150i, Yamaha R3, Suzuki Raider, Suzuki Axelo, Honda CBR150, Honda CBR250...
Hai quy tắc cơ bản khi lái một chiếc xe côn tay:
Quy tắc thứ nhất: bóp côn phanh và nhả từ từ.
Không giống các dòng xe sử dụng côn tự động, điểm đặc biệt của xe côn tay nằm ở ly hợp. Hệ thống ly hợp này hoạt động thông qua tay côn do người điều khiển xe thao tác bóp và nhả. Tay côn được thiết kế phía bên trái của tay lái và cùng vị trí của phanh sau ở những dòng xe tay ga. Muốn cho xe chuyển động, bạn phải tập thao tác nhả côn chậm rãi, chờ cho tới khi má côn bám vào thành ly hợp, sinh ra lực ma sát để hộp số chuyển động và chiếc xe mới bắt đầu lăn bánh.
Như đã nói ở trên, quy tắc thứ nhất bất kỳ người điều khiển xe côn tay nào cũng phải nhớ, đó là bạn phải bóp tay côn mạnh mẽ và dứt khoát, nhưng ngược lại, khi nhả côn lại phải thực hiện đều đặn và từ từ. Nhả đột ngột sẽ khiến xe bị chồm lên phía trước, gây nguy hiểm. Song nhả quá chậm lại làm xe yếu đà và gặp tình trạng chết máy. Có một điểm lưu ý đó là bạn phải tập thói quen giữ garanti hơi cao trong lúc nhả tay côn. Đồng thời, khi bắt đầu nhả tay côn, khẽ nhích đều tay ga cho tới khi cảm nhận xe đang chuyển động về phía trước. Hãy luyện tập thường xuyên cho tới khi thành thục thao tác này để tránh tình trạng xe bị chết máy.
Bóp côn phanh dứt khoát nhưng phải nhả từ từ, đó là quy tắc thứ nhất khi học cách điều khiển một chiếc xe côn tay (Ảnh: Youtube)
Khi xe bắt đầu chuyển động với vận tốc ổn định dần, bạn bắt đầu chuyển số và lúc này, không cần phải bóp tay côn. Tuy nhiên, bạn phải thực hành nhuần nhuyễn thao tác chuyển số - ngắt tay ga để tránh tình trạng hộp số bị vỡ.
Quy tắc thứ hai: cài số phù hợp với tốc độ di chuyển của xe.
Hãy nhớ chuyển số theo đúng tốc độ chạy của xe để tiết kiệm xăng và cải thiện hiệu suất động cơ (Ảnh: Youtube)
Chuyển số phù hợp với tốc độ xe chạy. Trình tự chuyển số nằm trong khoảng sau: Số 1 với vận tốc từ 0 – 5 km/h, số 2 ở vận tốc 5 – 20 km/h, số 3 từ 20 – 40 km/h, số 4 khi chạy từ 40 km/h trở lên...Việc thực hiện chuyển số tuần tự như thế này sẽ đảm bảo xe không bị chết máy và cải thiện hiệu suất tối ưu cho động cơ, tiết kiệm lượng nhiên liệu tiêu hao. Và hãy nhớ chuyển về số 0 mỗi lần dừng đèn đỏ.
Luyện tập chuyển số sao cho đạt chuẩn:
Nếu như các dòng xe máy thông thường có cấu tạo hộp số tròn thì xe côn tay lại được thiết kế hộp số vuông. Với những ai mới lái xe lần đầu, cần luyện tập hàng ngày để chuyển số nhanh và chuẩn.
Lấy ví dụ xe côn tay Suzuki Raider. Dòng xe này được thiết kế hộp số 6 cấp độ:1-N-2-3-4-5. Khi bắt đầu khởi động, bạn trả về số 0 bằng cách gạt nhẹ về phía sau. Khi bắt đầu chạy xe, bạn đạp mạnh về phía trước để vào số 1, sau đó gạt nhẹ về sau để lên số 2 và cứ thế cho tới khi lên được số cao nhất (số 5). Khi muốn về số thấp hơn, bạn đạp về trước để chuyển tuần tự từ số 5 về số 4-3-2-1. Trong trường hợp đang chạy xe ở bất kỳ số nào đó, chỉ cần gạt nhẹ một nửa hành trình cần số về phía sau là bạn đã có thể về mo (số 0).
Một số lưu ý thêm khi điều khiển một chiếc xe côn tay:
- Như đã nói ở trên, bạn nên về số 0 mỗi lần dừng đèn đỏ. Nếu không về số 0, bạn sẽ không thể nhả được tay côn vì xe rất dễ bị chết máy.
- Bạn cần bóp tay côn để tách ly hợp của máy và vào số, nếu chỉ vào số mà không bóp tay côn, sẽ làm mòn các chi tiết của hộp số.
- Nếu chẳng may bị đứt dây ga, hãy bình tĩnh vặn ốc chỉnh garanti ở bình xăng con để ga cao thêm và bạn vẫn có thể chạy xe với tốc độ từ 30 – 40 km/h.
Do đặc thù tương đối phức tạp nên xe phân khối lớn khá nguy hiểm cho những biker mới. Hãy nhớ rằng bạn chỉ nên chạy xe trên đường sau khi đã sử dụng và thao tác với côn tay thành thạo. Nếu là “lính mới”, hãy chọn các dòng xe có dung tích dưới 150cc và sau này nếu muốn, bạn vẫn có thể nâng cấp lên thành các dòng xe công suất cao hơn.
Tổng hợp
Link nội dung: https://autovina.com/huong-dan-di-xe-con-tay-co-the-ban-chua-biet-a14286.html