Giao thông tại Việt Nam thường xuyên là nỗi ám ảnh kinh hoàng không chỉ của du khách nước ngoài tới tham quan, du lịch mà còn trở thành nỗi ngao ngán của chính người dân nơi đây. Lái xe không đúng làn đường, dùng còi vô tội vạ, phóng nhanh vượt ẩu, coi thường luật lệ...dường như là những câu chuyện không hồi kết về các tài xế Việt Nam.
1. “Nghiện” còi – Căn bệnh phổ biến:
Nhiều tài xế có thói quen “nghiện” bấm còi mọi lúc, mọi nơi, gây khó chịu cho những người khác (Ảnh: Vietbao)
Có lẽ không ở nơi đâu mà còi xe trở thành âm thanh...quen thuộc như ở Việt Nam. Mỗi ngày, người tham gia giao thông phải tiếp xúc với đủ thứ âm thanh do các phương tiện xe cộ mang lại như tiếng ồn động cơ, tiếng gầm rú của nhiều “tổ lái” và đặc biệt tiếng còi xe vô tội vạ. Thay vì bấm còi những khi cần thiết, nhiều lái xe xem đây là “vũ khí lợi hại” để nhanh chóng giải phóng bớt các xe chặn phía trước nhằm lao đi thật nhanh. Có một thực tế bắt gặp hàng ngày, đó là tại các ngã ba, ngã tư giao thông, khi dừng xe theo tín hiệu đèn giao thông, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh các lái xe ôtô bóp còi inh ỏi để “đuổi nhanh” những xe máy đằng trước.
Điều này gây khó chịu cho rất nhiều người bởi họ đang dừng xe theo đúng luật nhưng vẫn phải cố di chuyển lên phía trên, thậm chỉ vượt lên một khoảng cách rất lớn phía trước chỉ để thoát khỏi tiếng còi dai dẳng của ôtô đằng sau. Không chỉ có vậy, thử tưởng tượng nếu bạn đang tập trung làm chủ môtô hoặc xe đạp trên đường thì bỗng tiếng còi ôtô đột ngột vang lên bên tai, điều đó không chỉ gây bức xúc cho người tham gia giao thông mà nhiều trường hợp còn dẫn tới tai nạn đáng tiếc.
2. Lái xe không đúng làn đường:
Không chỉ những người mới lái xe mà rất nhiều tài xế kinh nghiệm lâu năm vẫn hay có “thói quen” đi sai làn (Ảnh: Laixedongdo)
Khi thi sát hạch lái xe, tất cả chúng ta đều bắt buộc phải vượt qua bài thi lý thuyết trước khi thi thực hành. Các quyển sách hướng dẫn điều luật giao thông đều quy định rất rõ làn đường dành cho từng loại phương tiện và thậm chí khi lái xe trên đường, chúng ta cũng bắt gặp các chỉ báo quy định làn đường riêng rẽ cho từng loại xe. Thế nhưng, không chỉ riêng những người mới lái xe lần đầu còn bỡ ngỡ khi tiếp xúc các cảnh báo và hướng dẫn giao thông, ngay cả nhiều người đã lái xe lâu năm vẫn vô tình...quên làn, đặc biệt ở các đoạn đường vắng, đường cao tốc rộng thênh thang. Hoặc khi xảy ra ùn tắc giao thông, bất chấp sự điều khiển của cảnh sát giao thông, nhiều lái xe vẫn cố tình chạy xe lấn sang làn khác nhằm sớm thoát khỏi tình trạng tắc đường. Ngoài ra, khi chuyển làn, nhiều tài xế Việt cũng “lười” bật đèn xi nhan để ra dấu hiệu xin chuyển làn đối với các phương tiện phía sau, dẫn tới va chạm ngoài ý muốn.
3. Phóng nhanh, vượt ẩu:
Nhiều vụ tai nạn thương tâm hiện nay đều bắt nguồn từ một lý do giống nhau: sự “hăng máu”, thích làm “anh hùng xa lộ” của nhiều tài xế Việt (Ảnh: Dongnai)
Các cuốn sách hướng dẫn luật lệ giao thông quy định rất rõ tốc độ tối đa của từng loại xe trên những loại đường khác nhau. Nhưng vẫn có nhiều lái xe bất chấp luật pháp, cố tình phóng nhanh vượt ẩu để thể hiện “bản lĩnh tốc độ” trên đường, dẫn tới tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, nhiều lái xe còn rất khó chịu khi xe phía sau có tín hiệu xin vượt. Những lái xe này kiên quyết “cố thủ” dù điều kiện giao thông cho phép, và xe phía sau chỉ còn cách buộc phải tăng tốc để vượt lên, do đó cũng dẫn đến va chạm giao thông.
4. Chiếu đèn pha mọi lúc:
Chiếu đèn pha tùy tiện cũng là một thói quen xấu khó bỏ của nhiều tài xế Việt (Ảnh: Plo)
Nếu như còi ôtô gây ám ảnh về âm thanh thì đèn pha bật tùy tiện mọi lúc mọi nơi lại trở thành mối đe dọa tầm nhìn của nhiều người tham gia giao thông khác. Đèn pha bật ban ngày, đèn pha bật khi xe chạy trên đường cao tốc...đang trở thành thói quen xấu khó bỏ của rất nhiều tài xế Việt. Nhiều lái xe khi điều khiển xe trên đường cao tốc hay “ngẫu hứng” bật đèn pha, gây chói mắt cho các phương tiện khác đang hoạt động trên cùng cung đường. Theo quy định, để đảm bảo an toàn giao thông, việc sử dụng đèn pha phải được thực hiện đúng lúc, đúng nơi, đặc biệt vào ban đêm. Khi có xe khác trong tầm chiếu của xe mình, lái xe phải cụp đèn lại để tránh gây ảnh hưởng tới tầm nhìn của chủ xe khác.
5. Vô tư...xả rác:
Xả rác nơi công cộng từ lâu đã trở thành...thú vui của nhiều người Việt. Điều đó cũng không là ngoại lệ ngay cả khi họ đã ngồi trên xe (Ảnh: Kenh14)
Có lẽ đã đến lúc cần bổ sung thêm những điều khoản quy định các mức phạt khi xả rác nơi công cộng, đặc biệt khi ngồi trên ôtô và hồn nhiên xả rác ra ngoài cửa xe. Không gì phản cảm hơn hình ảnh những chiếc xe sang, đẹp lao vun vút trên đường và rồi cửa xe...đột ngột mở để một cánh tay thò ra và vứt rác xuống lòng đường. Không chỉ gây mất vệ sinh và mỹ quan đường phố, bạn có biết nếu vứt vỏ chuối hoặc đồ ăn thức uống trơn trượt xuống đường và một xe khác chẳng may lao tới đè lên, hậu quả sẽ vô cùng khôn lường. Điều nguy hiểm còn xảy ra khi xe lao nhanh trên đường cao tốc và rác bạn vừa vô tư vứt qua cửa sổ sẽ theo đà “bay” rất nhanh về phía sau, nếu đập phải kính chắn gió của xe đang chạy với tốc độ nhanh ngay phía sau bạn , sẽ khiến lái xe mất lái và tai nạn hoàn toàn có thể xảy ra.
6. Quá chén khi lên xe:
Không uống rượu khi lái xe, ai cũng biết điều đó, nhưng vẫn có nhiều lái xe Việt “liều mình” khi làm chủ vô lăng trong tình trạng “ngất ngây”
Mỗi ngày chúng ta đều đọc thấy vô số thông tin về các vụ tai nạn liên quan tới rượu bia khi lái xe. Bất chấp quy định của điều luật giao thông và pháp luật, bất chấp việc có thể bị cảnh sát giao thông xử lý rất nặng, nhiều tài xế Việt vẫn không thể cưỡng nổi sức hấp dẫn của “ma men”. Bạn phải biết sự tỉnh táo của cơ thể và sự minh mẫn của đầu óc tỷ lệ nghịch với lượng cồn đưa vào cơ thể. Rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra đều bắt nguồn từ việc lái xe quá say, mất kiểm soát, mất lái, đạp nhầm chân phanh – chân ga...Do đó, nếu không muốn kết thúc cuộc đời và tước đoạt mạng sống của người khác, hãy luôn luôn ghi nhớ một “chân lý”: Đã uống rượu bia thì không lái xe !
Còn rất nhiều thói quen xấu khác của lái xe Việt như không bật đèn xi nhan khi chuẩn bị rẽ, điều khiển xe “bỏ qua” gương chiếu hậu ngoài, hoặc với các tài xế taxi, nhiều người cố tình lái xe lòng vòng để buộc khách phải trả thêm tiền...Để mang tới ngành giao thông an toàn, văn minh, hiện đại tại Việt Nam, rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh hơn nữa và bản thân mỗi lái xe Việt cần tự nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông. Quan trọng mỗi tài xế khi cầm vô lăng hãy nhớ: "Khi bạn lái ôtô, bạn đang quyết định sự sống của mình và rất nhiều người xung quanh".
Link nội dung: https://autovina.com/nhung-thoi-quen-xau-xi-cua-nhieu-tai-xe-viet-a14153.html