Tháng 4 đã đến cũng là thời điểm một số chính sách về ô tô bắt đầu có hiệu lực như: tăng phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe; tăng mức bồi thường tai nạn; thi bằng lái xe ôtô khó hơn...
Học và thi lấy bằng lái xe sẽ khó hơn
Theo Thông tư 58/2015/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4 đã bổ sung thêm ba quy định mới, trong đó việc học và thi bằng lái xe được cho là sẽ khó hơn quy định hiện hành nhiều. Thí sinh thi lấy bằng lái xe phải nắm vững sơ đồ lộ trình đi xe trong sa hình để học và thi sát hạch.
Theo đó, điểm mới trong bài thi lái xe là người lấy các bằng B1, B2 và D, E phải thực hiện thêm bài thi mới là ghép xe ngang. Hình ghép ngang (tiến, lùi xe tấp vào lề đường để đậu trong khi khoảng giữa còn trống và “bị khóa” ở đầu và đuôi bởi hai xe đã đậu trước đó) có chiều dài chỉ 6,45 m và rộng 2,2 m. Thời gian thực hiện bài thi này chỉ được hai phút, quá hai phút người thi sẽ bị… rớt.
Ngoài ra, trong tất cả bài thi, mọi thao tác hoặc lỗi “cắn chỉ” sẽ được thiết bị cảm ứng và camera quan sát, chấm điểm báo về trung tâm giám sát từ xa. Điểm số đậu hay trượt sẽ hiển thị ngay trên màn hình và báo ngay kết quả tới xe đang vừa thực hiện bài thi.
Người lấy bằng B1 và B2 còn có thêm phần học và thi sát hạch trên loại xe số tự động.
Về thời hạn GPLX, GPLX hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.
GPLX hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì GPLX được cấp có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.
GPLX hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp và GPLX hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn năm năm kể từ ngày cấp.
Được mua chỗ để ôtô trong chung cư
Được mua bán chỗ để ôtô trong chung cư là quy định nổi bật mới tại Thông tư 02/2016/TT-BXD, có hiệu lực từ ngày 2/4.
Trường hợp nhà chung cư có đủ chỗ để ôtô dành cho mỗi căn hộ và người mua căn hộ có nhu cầu mua hoặc thuê thì chủ đầu tư phải giải quyết bán hoặc cho thuê nhưng phải đảm bảo nguyên tắc mỗi chủ sở hữu căn hộ không được mua, thuê vượt quá số lượng chỗ để xe được thiết kế, xây dựng theo dự án được duyệt dành cho một căn hộ.
Chủ sở hữu chỉ được chuyển nhượng, cho thuê chỗ để ôtô cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư đó hoặc chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư.
Trường hợp nhà chung cư không có đủ chỗ để ôtô dành cho mỗi căn hộ thì chủ đầu tư giải quyết bán, cho thuê chỗ để xe này trên cơ sở thỏa thuận của những người mua căn hộ với nhau; nếu những người mua căn hộ không thỏa thuận được thì chủ đầu tư giải quyết theo phương thức bốc thăm để được mua, thuê chỗ để xe.
Tăng phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
Phí bảo hiểm dành cho 13 dòng xe cơ giới, mức phí bảo hiểm trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới sẽ tăng 10%-20% đối với 13 dòng xe có tỷ lệ tai nạn, rủi ro cao.
13 dòng xe nằm trong danh mục điều chỉnh phí bảo hiểm gồm: Xe dưới sáu chỗ ngồi, xe 16 chỗ ngồi, 24 chỗ ngồi và trên 25 chỗ ngồi; xe tải 8-15 tấn, trên 15 tấn; một số loại xe khác (taxi, xe chuyên dùng, đầu kéo rơmoóc, xe máy chuyên dùng).
Theo đó, từ ngày 1/4, tăng mức phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ôtô dưới sáu chỗ ngồi không kinh doanh vận tải lên mức 437.000 đồng/năm (tăng 40.000 đồng); ôtô 16 chỗ ngồi kinh doanh vận tải lên 3.054.000 đồng/năm (tăng 509.000 đồng) và ôtô 24 chỗ ngồi kinh doanh vận tải lên 4.632.000 đồng/năm (tăng 772.000 đồng). Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có hiệu lực từ 1/4 quy định.
Tăng mức bồi thường bảo hiểm
Cũng theo Thông tư 22/2016/TT-BTC, từ ngày 1/4 cũng tăng mức bồi thường bảo hiểm cho xe cơ giới bị tai nạn với số tiền tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả trong trường hợp có thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn (trước đây là 70 triệu đồng/người/vụ).
Nguồn: VTC
Link nội dung: https://autovina.com/nhung-chinh-sach-moi-ve-o-to-co-hieu-luc-tu-thang-42016-a13988.html