Đã 96 năm trôi qua kể từ khi thương hiệu Mazda chính thức đặt chân vào ngành công nghiệp ôtô. Trải qua 9 thập kỷ, hãng xe hàng đầu Nhật Bản đã trải qua 5 nền tảng thiết kế và KODO là ngôn ngữ thiết kế mới nhất được áp dụng từ 2010 đến nay. Cùng nhìn lại chặng đường dài Mazda đã cất cánh và khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường.
Điểm lại những cột mốc trưởng thành và phát triển:
Tiền thân của Mazda là Tokyo Cork Kogyo Co., được thành lập năm 1920, một nhà máy chuyên sản xuất dụng cụ máy móc song đã nhanh chóng chuyển hướng sang chế tạo ôtô. Chiếc xe đầu tiên mang thương hiệu Mazda là Mazda-Go, một mẫu xe 3 bánh ra đời năm 1931 và một năm sau bắt đầu "chu du" sang thị trường Trung Hoa. Đây là chiếc xe duy nhất được sản xuất cho tới khi Thế chiến II nổ ra và chuỗi nhà máy Mazda bắt đầu bước vào sản xuất súng trường.
Mazda-Go 3 bánh là chiếc xe đầu tiên "xuất xưởng" tại Mazda vào năm 1931 (Ảnh: Pinterest)
Thế chiến II kết thúc, một phần của nhà máy Mazda được sử dụng làm quận Hiroshima trong một thời gian ngắn. Năm 1949, sản xuất và xuất khẩu được tiến hành trở lại và một mẫu xe 3 bánh khác ra đời. Tiếp đó là chiếc xe 4 bánh đầu tiên xuất hiện trên thị trường vào năm 1958 với tên gọi Mazda Romper.
Mazda Romper là chiếc xe tải 4 bánh đầu tiên lăn bánh tại nhà máy Mazda năm 1958 (Ảnh: Thenextgear)
Năm 1960, Mazda R360 Coupe, chiếc xe du lịch (passenger car) đầu tiên mang thương hiệu Mazda ra đời. Một năm sau, Mazda lần đầu hợp tác với một doanh nghiệp nước ngoài, NSU/Wankel - liên doanh nhà máy sản xuất động cơ và ôtô - xe máy Đức - để sản xuất và phát triển động cơ pít tông quay. Sự hợp tác này giúp Mazda dễ dàng vượt lên nhiều doanh nghiệp khác tại Nhật Bản lúc bấy giờ. Và ngày nay, Mazda vẫn là nhà sản xuất động cơ pít tông quay Wankel gần như là duy nhất khi các hãng khác như NSU và Citroen đã dừng các hoạt động thiết kế vào thập niên 70.
Mazda R360 Coupe là mẫu passenger car đầu tiên của Mazda, ra mắt năm 1960 (Ảnh: Jsae)
Với việc giới thiệu các mẫu xe nhỏ nhưng có công suất mạnh mẽ, Mazda đang dần chiếm thiện cảm từ khách hàng. Các sản phẩm ghi dấu ấn mạnh mẽ của Mazda phải kể đến R100 và thế hệ RX, những viên gạch dẫn bước tới thành công của hãng xe Nhật.
Kể từ năm 1970, Mazda bắt đầu tìm kiếm thị trường lớn nhất để tiêu thụ sản phẩm và Mỹ trở thành đối tác mục tiêu. Hãng đã cho xây dựng chi nhánh Bắc Mỹ với tên gọi Mazda North American Operations và đã ít nhiều gặt hái thành công. Nối tiếp những thắng lợi này, Mazda thậm chí xây dựng một mẫu pick up truck (xe bán tải) sử dụng động cơ pít tông quay.
Năm 1973 với cuộc khủng hoảng dầu mỏ, Mazda bắt đầu đối mặt với sụt giảm doanh số khi không có đủ dầu để chế tạo động cơ quay song hãng xe Nhật không từ bỏ mà quyết định đưa động cơ 4 xylanh vào các thiết kế. Và các thế hệ Familia và Capella ra đời.
Mazda Familia Presto, một mẫu xe trong thế hệ Familia giai đoạn 1973-1977 của Mazda (Ảnh: En.wikipedia)
Cùng với đó, Mazda vẫn tập trung sản xuất các mẫu xe thể thao và quyết định xây dựng một nhà máy song song để phục vụ mục tiêu này, bên cạnh dòng sản phẩm chính của hãng. Năm 1978, chiến binh thể thao RX7 và sau đó là RX8 ra đời. Động cơ pít tông trên hai mẫu xe này cũng chính là động cơ bắt gặp ở phiên bản MX-5 và Miata.
Năm 1979, Ford Motor Company trở thành nhà đầu tư của Mazda với 27% cổ phần sau khi suy giảm tài chính. Sau đó, vào những năm 80, Ford đã giành thêm 20% cổ phần sau một vài dự án liên doanh như sử dụng nền tảng thế hệ Familia cho các phiên bản Ford Laser và Ford Escort, cũng như sáng tạo mẫu Probe mới và xây dựng nhà máy Mazda tại Flat Rock, Michigan (Mỹ).
Những năm 90 đánh dấu dự án liên kết khác giữa Ford và Mazda khi mẫu Explorer 1991 ra đời và không may trở thành dự án đầu tư kém hiệu quả đối với hãng xe Nhật, trong khi phía Mỹ thu về nhiều thành công. Tiếp bước xu hướng hợp tác này, cùng với các thiết kế động cơ thay thế, Mazda bắt đầu phát triển động cơ chu kỳ Miller vào năm 1995.
Ford Explorer 1991 là mẫu xe đánh dấu sự hợp tác giữa Ford và Mazda (Ảnh: Curbsideclassic)
Khoảng nửa sau của thập niên 90 có thể xem là giai đoạn lận đận của Mazda khi khủng hoảng tài chính "đánh gục" thị trường vào năm 1997, trong khi Ford vẫn giành được 39,9 % cổ phần từ công ty. Trước tình cảnh đó, hai bên đẩy mạnh hợp tác và bắt đầu chia sẻ thiết kế động cơ và thậm chí một số nền tảng quan trọng (chẳng hạn như Ford Escape - Mazda Tribute hay Ford Focus thế hệ mới - Mazda Axela).
Trong tương lai, Mazda dự kiến sẽ duy trì tư duy "không ngừng chuyển động" và công nghệ thử nghiệm bằng cách phát triển một thế hệ động cơ hydro. Cho đến nay, sản phẩm mẫu của hãng đã đạt quãng đường chạy 200 km, một thành tích tương đối ấn tượng của Mazda.
Hết phần 1
Tham khảo: Autoevolution
Link nội dung: https://autovina.com/chang-duong-96-nam-cua-canh-chim-khong-moi-mazda-p1-a13833.html