Cùng với nhiều sự kiện đình đám khác trong ngành công nghiệp ôtô thế giới, triển lãm quốc tế Geneva Motor Show 2016 hiện đang thu hút sự quan tâm của đông đảo giới chơi xe. Cùng điểm lại lịch sử triển lãm lớn nhất Thụy Sỹ, nơi quy tụ nhiều mẫu xe và hãng xe hàng đầu thế giới.
Triển lãm Swiss Motor Show đầu tiên được tổ chức tại tòa nhà Electoral Building (Geneva, Thụy Sỹ) từ 29/4 - 7/5/1905. Đứng ra tổ chức sự kiện giới thiệu những mẫu ôtô, môtô này là Paul Buchet, phụ trách đại lý chính của hãng lốp Michelin tại Thụy Sỹ. Cùng với đó là doanh nhân người Thụy Sỹ Albert Vassali và kỹ sư trẻ Jules Mégevet, đồng sở hữu công ty chuyên về phụ tùng ôtô, và chủ tịch Liên đoàn lao động Thụy Sỹ - Phòng công nghiệp ôtô được tái thiết (Chambre Syndicale Suisse de l'Automobile).
Phụ trách ủy ban tổ chức Swiss Motor Show là Charles-Louis Empeyta, chủ tịch câu lạc bộ ôtô Thụy Sỹ ACS (Automobile Club Suisse). Triển lãm đầu tiên này gặt hái thành công lớn với 59 đơn vị triển lãm và trên 17.000 khách tham quan. Tham dự lễ khánh thành có Ludwig Forrer, thành viên chính phủ liên bang Thụy Sỹ - Federal Council. Lần triển lãm thứ hai cũng được tổ chức tại Geneva từ 28/4 - 6/5/1906, song triển lãm lần 3 lại đăng cai tổ chức tại Zurich vào năm 1907.
Sau một vài thất bại, triển lãm Swiss Motor Show lần 4 bị trì hoãn và phải chờ tới năm 1923 mới được tổ chức tại tòa nhà Electoral Building (Geneva) năm xưa. Phụ trách chính lần này là Robert Marchand, chủ tịch, nhà tài trợ chính và là người góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô Thụy Sỹ những năm tiếp đó.
Mẫu xe Mercedes - Benz đầy kiêu hãnh tại Geneva Motor Show 1924 (Ảnh: Emercedesbenz)
Nối tiếp thành công của triển lãm lần 4, Ủy ban thường trực Geneva Motor Show (Comité permanent du Salon international de l'automobile à Genève) được thành lập ngày 3/11/1923 và ngay lập tức lên kế hoạch tổ chức triển lãm International Motor, Moto and Cycle Show từ 14 - 23/3/1924. Được biết số hồ sơ đăng ký nhiều tới mức người ta đã phải xây dựng một không gian triển lãm tạm thời rộng 8.000m2 tại Plaine de Plainpalais để có đủ chỗ trưng bày, và riêng Electoral Building thì trở thành nơi giới thiệu các mẫu môtô mới. Hai không gian triển lãm này được nối với nhau bởi một lối đi và cầu thang cuốn thuê lại từ một chủ sở hữu địa phương, nhằm bảo đảm an toàn cho cả khách tham quan và nhà triển lãm khi đi lại trên phố.
Plaine de Plainpalais, nơi từng diễn ra các kỳ triển lãm Geneva Motor Show (Ảnh: Ville-Geneva)
Triển lãm lần này được tổ chức bởi chủ tịch Thụy Sỹ Ernest Chuard. Lợi nhuận thu về từ 68.000 khách tham quan đã giúp tăng doanh thu ôtô tại Thụy Sỹ từ 33.000 lên 39.000 sản phẩm. Triển lãm vẫn tiếp tục mở cửa cho tới khi Ủy ban bắt đầu tìm kiếm mặt bằng phù hợp hơn. Kỳ triển lãm International Show lần hai được tổ chức vào năm 1925 tại Electoral Building cũng như một vài hội trường tạm thời có diện tích 12.500m2, được xây tại Plaine de Plainpalais.
Với sự hỗ trợ của chính quyền thành phố và liên bang, ngành công thương nghiệp Geneva, cuối thu năm 1925, việc khởi công xây dựng Palais des Expositions được bắt đầu. Triển lãm năm 1926 được hoãn tới tháng 6 năm đó và là triển lãm đầu tiên diễn ra tại tòa nhà mới xây. Đây cũng là nơi quy tụ 83 tên tuổi hãng sản xuất ôtô thuộc 8 quốc gia khác nhau và đại diện của 25 thương hiệu môtô hàng đầu thế giới.
Năm 1934, triển lãm quốc tế Geneva International Motor Show bắt đầu được thế giới biết đến và 5 năm sau, số đơn vị triển lãm đã xấp xỉ 200 doanh nghiệp, Palais des Expositions không còn đủ sức chứa và người ta buộc phải sử dụng các hội trường tạm thời một lần nữa. Triển lãm motor show đầu tiên sau Thế chiến II mở cửa vào năm 1947 và thành công ngay sau đó, với 305 đơn vị triển lãm giới thiệu sản phẩm trên một không gian rộng 9.608m2. Kể từ đó, triển lãm Swiss motor show không ngừng lớn mạnh, số khách tham quan vượt 200.000 người vào năm 1948, 300.000 người năm 1960 và lên tới hơn 500.000 người vào năm 1967.
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp giao thông và xây dựng, một triển lãm quốc tế dành riêng cho các phương tiện thương mại đã được tổ chức vài tuần trước khi khai mạc định kỳ triển lãm các mẫu xe tư nhân hai năm một lần kể từ năm 1970 đến nay. Điều này được xem như giải pháp tạm thời để giải quyết vấn đề về mặt bằng triển lãm. Song vào đầu năm 1972, người ta bắt đầu nghiên cứu xây dựng trung tâm triển lãm bên ngoài thành phố. Thoạt đầu, dự án này vấp phải làn sóng phản đối từ dư luận, nhưng cuối cùng cộng đồng cư dân Geneva đã ủng hộ giải pháp vĩ mô này và Trung tâm triển lãm và hội nghị Palexpo đã mở cửa gần sân bay vào ngày 18/12/1981. Sự kiện đầu tiên tổ chức tại đây là triển lãm International Commercial Vehicles Show diễn ra vào tháng 1/1982, kế tiếp là triển lãm International Motor Show vào tháng 3 năm đó.
Trung tâm triển lãm và hội nghị Palexpo (Geneva) được xem là một trong những công trình hiện đại nhất Châu Âu (Ảnh: Acutemedicine)
Palexpo được xem là một trong những cơ sở hạ tầng hiện đại nhất của Châu Âu và đã thu hút 745.919 khách tham quan hai kỳ triển lãm. Tuy nhiên, không phải sự kiện nào cũng thành công vang dội, chẳng hạn như triển lãm môtô, xe đạp độc lập năm 1984 đã nhanh chóng bị át đi bởi một sự kiện tương tự diễn ra tại Zurich. Ủy ban triển lãm bắt đầu tìm kiếm các giải pháp mới để trưng bày các mẫu xe thương mại. Triển lãm các phương tiện giao thông và dịch vụ cộng đồng quốc tế đã được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1987. Sự kiện này giới thiệu tới người xem mô hình các đường ray và giao thông cáp cũng như hạ tầng sân bay, chủ yếu thu hút những chuyên gia hàng đầu trong hai kỳ 1987 và 1989. Tuy nhiên, do nền kinh tế gặp khó khăn, triển lãm vận tải quốc tế đã bị mai một và biến mất trong quá trình phát triển của Geneva trade show.
Palexpo cuối cùng đã được khai mở; hội trường triển lãm số 5 mới chính thức mở cửa vào tháng 1/1987, mở rộng mặt bằng thêm 30%. Song điều đó vẫn chưa đáp ứng đủ diện tích tổ chức các hội chợ hoành tráng nhất tại Geneva, do vậy người ta đã xây thêm 16.000m2 hội trường số 7 đối diện đường cao tốc vào năm 1995, cùng thời gian diễn ra triển lãm Motor Show lần thứ 65. Hội trường số 7 được nối tới tòa nhà chính thông qua lối đi có mái che, dài gần 100m và sát nhập hoàn toàn với hạ tầng sân bay khi đó, cũng như nhà ga xe lửa Cointrin được xây năm 1987. Điều này cho phép khách tham quan có thể đi tàu hỏa tới Palexpo, đồng thời, người ta cũng cho xây thêm 1.000 bãi đỗ xe. Từ đây, bảo tàng International Automobile Museum (một trong những công trình đẹp và lâu đời nhất tại Châu Âu) được mở cửa vào tháng 3/1995 và duy trì hoạt động 12 năm trước khi xuất hiện những khó khăn về tài chính.
Năm 2000, lần đầu tiên con số khách tham quan một sự kiện độc lập đã vượt qua 700.000 người. Kỷ lục hiện nay (747.700 người) đã được lập tại kỳ triển lãm lần thứ 75 vào năm 2005, đánh dấu 100 năm diễn ra triển lãm ô tô quốc tế tại Thụy Sỹ.
Hết phần 1.
Link nội dung: https://autovina.com/nhin-lai-lich-su-trien-lam-geneva-motor-show-2016-p1-a13785.html