Nhằm kết nối các phương thức vận tải, sàn giao dịch vận tải dự kiến sẽ được triển khai thí điểm bắt đầu từ tháng 10/2015. Phương thức giao dịch mới này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực vận tải.
Với sự ra đời của sàn giao dịch vận tải, hoạt động vận tải được kì vọng sẽ minh bạch hơn (ảnh minh họa)
Sàn giao dịch vận tải là sàn thương mại điện tử có tên là ViTransPortal (ViTP) viết tắt từ cụm từ Vietnam Transport Portal gồm 3 bên: nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị vận tải và khách hàng. Để tham gia, các bên phải đăng ký thông tin và đóng phí thành viên với nhà cung cấp dịch vụ thông qua các trang thông tin điện tử.
Mục đích của việc xây dựng Sàn giao dịch vận tải là nhằm giảm chi phí cho nhân lực điều hành vận tải; nâng cao hiệu suất vận tải; minh bạch hóa hoạt động vận tải, đơn giản hóa giấy tờ; tạo nền tảng cho các cơ quan chức năng quản lý và giúp đỡ tốt hoạt động kinh doanh vận tải; góp phần nâng cao an toàn giao thông… Đặc biệt, sàn giao dịch này tạo điều kiện kết nối, tăng doanh thu cho các doanh nghiệp tham gia sử dụng. Sàn vận tải sẽ tư vấn cho doanh nghiệp biết nếu cần chở hàng này thì đi theo hướng nào, doanh nghiệp chủ hàng nên đi phương tiện gì, doanh nghiệp nào có thể kết nối nhanh nhất.
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng việc đưa sàn giao dịch vận tải vào hoạt động là rất cần thiết, tuy muộn so với sự phát triển của ngành vận tải hiện nay nhưng nó tạo ra tiền đề đưa đến sự phát triển ngày càng quy mô, hiện đại của ngành vận tải.
“Có thể ban đầu sàn giao dịch này sẽ tạo được sự kết nối với các DN có thương hiệu, có số lượng đầu xe lớn, có sự quản lý tốt. Khi sàn này tạo ra khối lượng công việc lớn, tạo ra nhiều công ăn việc làm thì các DN nhỏ khác sẽ tham gia. Sàn này sẽ là cơ sở để phát triển ngành logistics, gia tăng kết nối giữa các DV vận tải hàng hóa cũng như DN chủ hàng, tạo ra sự kết nối giữa vận tải đường biển, đường bộ và đường sắt”
Ông Bùi Danh Liên cũng cho hay "tính công khai minh bạch của sàn giao dịch rất tốt, nhưng trong xã hội có mặt tiêu cực, chủ hàng, chủ phương tiện móc nối với nhau để có lợi ích, cho nên chưa chắc việc công khai đã phù hợp với mục đích của họ. Hiện nay các DN vận tải vẫn bí mật giá với nhau, họ ít khi công khai giá mà thường tìm đến các chủ hàng để làm giá trực tiếp.
“Nhưng tôi cho rằng hoạt động của sàn giao dịch dần dần sẽ vào quy củ. Tôi hy vọng mô hình này sẽ thành công. Khi hàng hóa vào Việt Nam ngày càng lớn, người ta sẽ tìm đến các tập đoàn vận tải, các công ty logistics chân chính, các DN làm ăn nghiêm túc. Sàn sẽ hạn chế tình trạng áo gấm đi đêm, phá giá lẫn nhau cạnh tranh không lành mạnh, manh mún, “mài lốp để ăn”, tự mình hại mình như thời gian qua”.
Dự kiến, sàn giao dịch vận tải sẽ được triển khai thí điểm tại một số trung tâm vận tải lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Link nội dung: https://autovina.com/hoat-dong-van-tai-co-het-tu-mu-tu-thang-10-a12680.html