>> xem thêm Tại sao Honda Dream có tên “Dream”
Đã từng một thời Honda Dream giống như ý nghĩa tên gọi của chiếc xe này trở thành một giấc mơ cháy bỏng, một nỗi khao khát của rất nhiều người Việt Nam. Trở thành một biểu tượng cho cuộc sống thành đạt, giàu có và cũng chịu chơi của không ít người Việt khi đó.
Honda Dream II, chiếc xe một thời là giấc mơ cháy bỏng của rất nhiều người Việt
Có thể ví uớc mơ có ôtô của người trẻ hiện nay cháy bỏng đến mức nào, thì khát khao sở hữu Honda Dream cách đây 20 năm cũng mạnh mẽ như thế. Mà Dream, phải so sánh với những xe sang tiền tỷ ngày nay, chứ không phải như những chiếc xe hơi cỡ nhỏ vài trăm triệu. Là chiếc xe gây bão tại Việt Nam sau Super Cub, một trong những sản phẩm nổi tiếng của hãng Honda Nhật Bản. Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, dòng xe Honda “Dream” với phiên bản Thái Lan được nhập khẩu vào Việt Nam đã trở thành niềm tự hào cho những ai sở hữu nó và là giấc mơ, sự khao khát của hầu hết những người đi xe máy. Trị giá của chiếc Dream lên đến 8 – 10 cây vàng theo giá trị tiền lúc bấy giờ, tương đương với một căn nhà mặt phố. Bởi vậy, thật không phải quá khi nói Dream là “giấc mơ”.
Câu chuyện về mẫu xe số huyền thoại của hãng xe Nhật bắt đầu từ những năm 1990. Khi đó, Honda sản xuất Dream tại một số thị trường châu Á như Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Phiên bản 1992 của mẫu Dream II nhanh chóng được nhập về Việt Nam, với giá đến tay khách hàng lên tới 8-10 cây vàng, tức bằng cả một gia tài thời đó.
Dream nhanh chóng trở thành biểu tượng chiếc xe "nhất định phải có" với giới nhà giàu. Lúc bấy giờ, sản phẩm chính của Honda ở châu Á chủ yếu SS50 cho nam và Cub cho nữ. Sự ra đời của Dream mang tới những cải tiến ở hình dáng như yên liền bắt mắt, phuộc nhún trước, đồng thời hộp số nâng từ 3 lên 4 số. Nhưng đặc biệt nhất, vẫn là thiết kế trẻ trung, khỏe khoắn và hiện đại, không bị lỗi mốt thời theo gian.
Ngoài Dream II cho nam, dòng Dream còn có phiên bản "lùn" thích hợp với khách hàng nữ. Dream lùn thực chất là mẫu Dream Exces được nhập khẩu nguyên chiếc hoặc nhập linh kiện về lắp ráp, từ Nhật Bản.
Nhưng dù Dream có là "giấc mơ" lớn tới đâu, thương hiệu trường tồn theo thời gian, thì cũng chỉ là một sản phẩm thương mại. Số phận tồn-vong đều phụ thuộc vào quy luật điều tiết của thị trường, cũng như ý muốn của nhà sản xuất. Kể từ khi đặt chân vào Việt Nam năm 1996, giấc mơ về một mẫu xe mà cả xã hội mê mẩn cứ mờ dần cho tới ngày nay. Việc làm đầu tiên khi hãng xe Nhật đặt nhà máy vào Việt Nam là tiến hành nội địa hóa Dream. Kết quả là chiếc Super Dream ra đời năm 1997, giá rẻ hơn nhiều so với Dream II nhập Thái. Người quyết định mua xe Việt, người vẫn dốc hầu bao cho xe Thái. Đầu những năm 2000, thương hiệu Dream bắt đầu xuất hiện dấu hiệu pha loãng, khi xe dễ dàng tiếp cận, không còn là ước mơ quá xa vời như trước đây.
Cái gì có được dễ dàng, thì không còn là vốn quý, Dream từ giấc mơ trở thành bình dân. Đó chỉ là suy nghĩ của khách hàng. Còn về phía nhà sản xuất, bài toán kinh tế để tối ưu hóa doanh thu, lợi nhuận mới là điều quan trọng nhất. Vì thế dẫu biết Dream sẽ không còn là ước vọng của số đông, nhưng Honda vẫn phải đại trà hóa. Vì bên cạnh Dream, Honda còn những sản phẩm khác phù hợp hơn với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng hiện đại.
Năm 2010, hãng xe Nhật tiếp tục giới thiệu Super Dream 100 với những thay đổi nhỏ. Nếu đến thời điểm này khách hàng vẫn tìm thấy hình ảnh quen thuộc của Dream II trước đây, thì tới 2013 mọi thứ trở nên xa vời và khác biệt.
Chiếc Super Dream 110 trình làng vào 2013 phá cách đến ngộ nghĩnh khi những đường nét vuông vức được đo ni đóng giày cho Dream trước đây thay hết bằng kiểu bo tròn, trung tính và đơn điệu. Thậm chí, thiết kế chi tiết từng bộ phận giống hầu hết những mẫu xe còn lại của hãng như tay lái, nút bấm, gạt xi-nhan.
Xe nhận nhiều quan điểm trái chiều từ khách hàng. Hầu hết khách hàng trẻ không mặn mà, cho rằng việc thay đổi đường nét từ vuông vức sang bo tròn làm mất đi vẻ khỏe khắn, hiện đại vốn có. Ngược lại, một số khách hàng trung niên lại ưa thích vì thiết kế vừa phải, trung tính. Tuy nhiên, đối tượng có nhu cầu mua xe nhiều nhất là người trẻ, nên Super Dream 110 nhanh chóng ế hàng.
Khách hàng không còn mặn mà với những chiếc Dream mới, trong khi xe cũ từ những năm 1992 thì không còn nhiều. Bởi thế có người rao giá tới 250 triệu cho chiếc Dream II nhập Thái từ đầu 1990, được cho là chưa đổ xăng và lăn bánh lần nào.
Có những khách hàng đam mê lớn, khả năng tài chính dư giả vẫn có thể không ngần ngại mua xe để thỏa mãn, nhưng số này thì quá ít. Khách hàng khi không tìm thấy những giá trị kỳ vọng trên một thương hiệu huyền thoại đã từ bỏ và chuyển sang mẫu xe khác phù hợp hơn với nhu cầu cuộc sống.
Honda Dream sau hơn 20 năm, vẫn là giấc mơ, nhưng chỉ còn trong cách dịch từ điển Anh-Việt.
Theo VNE
Link nội dung: https://autovina.com/honda-dream-giac-mo-mot-thoi-cua-nguoi-viet-a12665.html