Ít ai có thể ngờ, một hãng xe sang Anh truyền thống lại không thể thịnh vượng bởi người Âu hay Mỹ, mà phải nhờ tới một hãng xe chuyên dành cho tầng lớp bình dân châu Á.
Trong sự thành công hiện tại của Jaguar và Land Rover không thể quên đóng góp của những người Ấn
Anh quốc, xứ sở sương mù thường gắn liền với những gì thuộc về hoàng gia, cao sang và quý tộc. Thứ ngôn ngữ theo giọng Anh-Anh cũng không được nhiều nước sử dụng, mà phổ biến Anh-Mỹ. Người ta có cảm giác người Anh phát âm thật lạ, trầm bổng, thượng lưu, luôn có khoảng cách vô hình, không gần gũi như giọng điệu người Mỹ. Nét đặc trưng văn hóa này bao trùm lên cả ngành công nghiệp bốn bánh.
Các thương hiệu xe hơi Anh quốc như Jaguar, Land Rover, Rolls-Royce, Bentley là các hãng xe từ sang đến siêu sang. Họ có cách phát triển sản phẩm, bán hàng truyền thống, riêng nhất để tạo nên những giá trị kết tinh trong thế kỷ 20. Nhưng quý tộc đôi khi thường tự hào mù quáng, ngay cả lúc hết thời. Thế kỷ 21 phát triển nhanh, hướng tới giới trẻ dường như không còn phù hợp cho những người già cỗi.
Trong bóng đá, Sir Alex Ferguson nổi tiếng với phát biểu "Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi", nhưng làm cách nào để phong độ không kéo lùi đẳng cấp, đó là câu hỏi mà Land Rover gặp phải đầu những năm 2000. Hãng xe sang loay hoay trong mớ hỗn độn, ôm mãi niềm kiêu hãnh thượng lưu trong khi doanh số thụt lùi.
Đầu năm 2000, Ford, hãng xe hơi lớn thứ 3 thế giới lúc bấy giờ chi 2,7 tỷ USD để mua Land Rover về quy tụ với Jaguar mà hãng xe Mỹ "tậu" từ năm 1989 với giá 2,5 tỷ USD. Ford có kinh nghiệm quản lý cả xe bình dân và xe sang, nhưng áp lực từ thị trường trong nước khiến hãng này lơ là hai thương hiệu con đang ngoi ngóp ở trời Âu.
Doanh số của Land Rover tại thị trường Mỹ đạt đỉnh năm 2007 với 49.550 chiếc nhưng đó chỉ là mốc son hiếm, năm 2009 tụt dốc nhanh chỉ còn khoảng một nửa. Năm 2008, cực chẳng đã, Ford nhắm mắt bán phân nhánh liên kết Jaguar Land Rover cho Tata, một hãng đến từ Ấn Độ chưa có tên tuổi trên thế giới.
Ấn Độ từng là thuộc địa của Anh, và cho tới tận ngày nay, người Ấn lai Anh vẫn được đánh giá ở tầng lớp cao hơn người Ấn gốc Á. Và có lẽ, những công thần của Land Rover cần nhiều thời gian mới chấp nhận được thực tại, thương hiệu xe sang Anh quốc đã thuộc sở hữu của người Ấn.
Gã quý tộc sa cơ lỡ vận trở thành món hàng mua đi bán lại. Một trung lưu Ford không thể cứu nổi Land Rover, vậy người nông dân Tata có thể làm được gì? Nông dân liệu có nuôi sống được quý tộc?
Tata Group là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Ấn Độ, vào khoảng 2008 tiến hành nhiều vụ sáp nhập bên ngoài lãnh thổ, ồ ạt mua lại các nhà máy thép đến xí nghiệp trà, cà phê. Một người nông dân theo đúng nghĩa đen, nhưng là nông dân thời đại mới.
Số tiền 1,7 tỷ USD mà Tata bỏ ra để nhận về Jaguar Land Rover là một món hời, vì nếu không tính tới sự biến động tỷ giá, trước đó Ford từng móc ruột 5,2 tỷ USD cho hai thương hiệu Anh quốc. Về với Tata, mọi thứ trở nên rất khác với Land Rover.
Từ buổi lễ ký kết chuyển giao từ Ford sang Tata Motors (Ấn Độ), Jaguar và Land Rover đã có một hướng đi tươi sáng hơn
Trước đó Land Rover ngày một mất khách vì bảo thủ sản xuất những chiếc xe to lớn, cồng kềnh, tốn nhiên liệu, công nghệ cũ nên hay hỏng vặt. So với những ông lớn châu Âu khác như Lamborghini hay Ferrari, Jaguar Land Rover không có những cuộc cách mạng sản phẩm.
Tata vứt bỏ hết những tồn tại, tiến hành đa dạng hóa sản phẩm, thiết kế lại nhẹ nhàng hơn, hợp với khách hàng hiện đại. Trong đó, ba mẫu xe khẳng định hướng đi đúng đắn của Tata là Range Rover, Evoque và Range Rover Sport. Range Rover Evoque là mẫu xe đầu tiên sản xuất dưới trướng của Tata vào năm 2011. Khách hàng bỗng thấy thú vị khi một hãng chỉ chuyên những chiếc SUV to lớn lại bán mẫu crossover đô thị, bắt kịp xu hướng và vẫn giữ vẻ sang trọng. Lập tức 80.000 xe bán hết trong năm đầu tiên.
Sau đó, Tata tiến hành giảm cân khoảng 300 kg cho Range Rover, mẫu xe vốn có trọng lượng tới 3 tấn. Cùng với đó là phiên bản nhỏ hơn Range Rover Sport. Mọi thứ thay đổi trên Land Rover đều theo định hướng nhẹ nhàng hơn, tinh tế hơn. Mới đây nhất, chiếc Discovery Sport ra đời, kích thước tương đương Evoque nhưng có tới 7 chỗ, thay thế Freelander trước đó.
Giờ đây người nông dân Tata đang thu lãi lớn từ gã quý tộc Land Rover mà mình sở hữu. Jaguar Land Rover bán 462.678 xe trong năm 2014, trong đó có 381.108 chiếc Land Rover (82,4%) và 81.570 chiếc Jaguar (17,6%).
Không chỉ với Land Rover, hãng xe Ấn Độ cũng chăm chút đầu tư vào Jaguar. Những F-Type, XE và mới đây là SUV F-Pace mở rộng danh mục sản phẩm của Báo gấm, cho khách hàng những lựa chọn mới bên cạnh các đối thủ Đức.
Tata bỏ khoảng 4,6 tỷ USD mỗi năm đầu tư riêng cho hai thương hiệu này, bằng cách tăng thêm sản phẩm, giảm giá bán, Tata mong Jaguar tăng sức cạnh tranh trên những thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc. Ví như ở Mỹ, Jaguar bán chiếc XE dưới 35.000 USD, rẻ hơn bất cứ chiếc Jaguar nào hiện nay.
Trong khi những người châu Âu và Mỹ bỏ nhiều công sức vẫn không thể vực dậy Land Rover và Jaguar, thì hãng châu Á lại làm được, với triết lý "không bảo thủ". Nông dân nuôi sống quý tộc, như một lẽ ngược đời nhưng lại có thật.
Chính ngài Ratan Tata, cựu chủ tịch hãng, người đưa hai thương hiệu Anh quốc về Ấn Độ từng nói: " Niềm vinh dự lớn nhất của tôi, là cố gắng làm những điều mà người khác cho là không thể".
Theo VNE
Link nội dung: https://autovina.com/moi-quan-he-land-rover-jaguar-va-tata-motors-a12648.html