Hai sinh viên Khoa Cơ khí - Robot Nguyễn Văn Thành và Ngô Phương Chấn, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, từ tháng 7-2008 đã bắt tay thực hiện đề tài chế tạo thiết bị nhặt đinh cho xe máy.
Đinh vít được hút lên dễ dàng
Hai sinh viên đã tập trung thử nghiệm, khảo sát nhiều phương án về thiết bị hút đinh như sử dụng nam châm vĩnh cửu, sử dụng nam châm điện xoay chiều với nguồn điện lấy từ động cơ xe, sử dụng nam châm điện một chiều với nguồn lấy từ bình ắc quy của xe máy... Qua những khảo sát kể trên, cuối cùng Chấn và Thành đã chọn được giải pháp khả thi cho thiết bị hút đinh là sử dụng nam châm điện xoay chiều.
Thiết bị bao gồm một nam châm điện, cơ cấu nâng - hạ, hộp bảo vệ nam châm và bộ phận để gắn vào xe gắn máy. Nam châm điện của thiết bị gồm một lõi sắt non được quấn bao quanh bởi nhiều vòng dây cách điện, có hai đầu dây để nối vào nguồn điện.
Dưới tác dụng kích hoạt công tắc của người điều khiển xe, lập tức nam châm điện hoạt động, lúc này nam châm sẽ hút các vật có từ tính. Đinh vít được hút lên dễ dàng và gắn chặt vào hộp đựng nam châm. Trong quá trình xe chạy, nếu gặp vật cản đột ngột, lò xo sẽ nâng nam châm lên nhằm bảo vệ cho nam châm.
Gắn vào trước lốc máy
Khó khăn của đôi bạn trẻ trong buổi đầu chính là khi chế tạo được thiết bị rồi thì không biết gắn thiết bị ở đâu! Chấn cho biết phải mày mò và thậm chí đưa xe vào bãi đinh thử nghiệm.
Qua khảo sát, nhóm đã phát hiện xe thường bị đâm thủng vào bánh sau, bởi khi bánh trước đụng đinh thì đinh bật lên và bánh sau “dính”. Thế là Chấn và Thành tìm được vị trí là gắn thiết bị vào trước lốc máy. Khi gắn thiết bị vào xe, tất cả các đinh vít trên đường đi của xe sẽ được thiết bị nhặt đinh hút lên bằng nam châm mà không cần sự can thiệp trực tiếp của người điều khiển phương tiện giao thông.
Hiện thiết bị này đã được nhóm nghiên cứu lắp đặt vào xe Honda (loại xe Dream và Wave). Thực nghiệm nhiều lần cho thấy thiết bị hút được tất cả mọi đinh vít. Nhóm cũng đang tìm giải pháp kỹ thuật thích hợp để có thể lắp ráp thiết bị vào những loại xe gắn máy khác. Đề tài này đã được nhóm bảo vệ thành công trước hội đồng khoa học của trường và được đánh giá cao.
Tiến sĩ Lê Đình Phương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, nhận xét: Thiết bị này giúp người điều khiển xe máy tránh được khó khăn trên đường đi do cán phải đinh vít.