Cuối giờ chiều, chiếc Toyota đen bóng len lỏi qua dòng người đông nghịt trên đường Nguyễn Phong Sắc chầm chậm tiến qua cổng soát vé ký túc xá một trường đại học. Cạnh đó, 5-6 xế hộp đủ loại đỗ san sát.
Gần 2 năm nay, các sinh viên đã quen với cảnh mỗi tối lại có hàng chục ôtô vào đỗ dưới khuôn viên sân ký túc và sáng ra thì thấy trống trơn. Chủ nhân của nhiều ôtô là cư dân ở gần đó.
6h chiều, khoảng sân rộng của Trung tâm Bơi lội - thể dục thẩm mỹ trên phố Thái Hà cũng chật kín xe. Mặc dù đã dành một diện tích nhất định để trông giữ ôtô nhưng nhân viên bảo vệ vẫn cố "thu xếp" gọn những chiếc xe máy để nhét thêm những chiếc xế hộp. Khách đi bơi, tập thể hình về hết trong sân còn trơ lại hơn 20 chiếc xế hộp đủ loại.
Khuôn viên bể bơi Thái Hà cũng bị biến thành bãi trông giữ ôtô qua đêm. Ảnh: Xuân Tùng. |
Một nhân viên tại trung tâm cho biết, ban đầu không có ý định trông xe qua đêm nhưng sau đó nhiều người vật nài, nghĩ đây là một cách kiếm thêm thu nhập nên anh em trong tổ bảo vệ bàn nhau trông xe qua đêm.
Trước “cơn sốt” bãi đỗ ôtô ở Hà Nội, những bãi trông giữ tư nhân cũng đang nở rộ, với giá 800.000 - 1.000.000 đồng một tháng, cá biệt có người phải trả 1,5 triệu đồng một tháng.
Anh Hiền, chủ một bãi trông giữ xe phố Bạch Mai cho biết, với diện tích 400 m2 anh định cho thuê mở cửa hàng nhưng do nhà trong ngõ nên khách chỉ trả 10 -15 triệu đồng một tháng. "Tính đi tính lại tôi quyết định mở dịch vụ trông giữ ôtô qua đêm, vừa nhàn mỗi tháng cũng thu 20 triệu đồng", anh Hiền cười tươi.
Theo anh Hiền, mới mở được một tuần, điểm trông giữ xe của anh đã kín chỗ, nhiều người đăng ký gửi cả năm. Thời điểm này, hầu hết cơ quan, công sở có không gian nhàn rỗi đều nhảy vào cuộc mở bãi giữ xe để tăng thu nhập.
Trước khi sắm chiếc Camry 2.4, anh Minh ở Khương Trung cũng phải loay hoay cả tháng để tìm chỗ gửi hợp lý. "Nhà trong ngõ, không có chỗ quay đầu xe mà bãi đậu nào cũng quá tải. “Cậy cục mãi mới tìm được một chỗ cách nhà 2 km, mức phí 1,2 triệu đồng một tháng", anh Minh nói.
Do không phải cấp lãnh đạo nên anh Minh cũng không có chỗ để xe khi đến công ty. Vị trưởng phòng kinh doanh này lại phải chi thêm gần 1 triệu đồng cho điểm trông giữ xe công cộng trên phố Kim Mã.
Nhiều người phải đỗ xe trên vỉa hè, chắn lối đi lại của người đi bộ. Ảnh: Xuân Tùng (chụp trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng) |
Theo ông Tạ Đình Thắng, Phó giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội, tổng diện tích bãi đỗ công ty đang quản lý là hơn 20 ha, chỉ bằng 0,35% quỹ đất đô thị dành cho giao thông tĩnh.
Theo ông Thắng, các cơ quan chức năng của thành phố đã từng đưa ra quy định là chủ phương tiện phải cam kết có chỗ để ôtô hợp lệ mới được đăng ký xe. Nhưng biện pháp này cũng không ngăn nổi làn sóng sắm xe hơi của người dân Hà Nội. Mỗi năm vẫn có thêm hơn 40.000 xe ôtô được đăng ký mới.
“Với 40.000 ôtô đăng ký mới, thành phố cần có thêm 100.000 m2 làm bãi đỗ xe. Tuy nhiên, đã 5 năm nay, không có một bãi đỗ xe đúng nghĩa nào được đầu tư xây dựng”, ông Thắng nói.
ông Thắng cho biết, tháng 7/2008, khi thành phố cấm đỗ xe trên 56 tuyến phố, công ty đã phải đóng cửa 9 bãi đỗ với diện tích hơn 4.000m2 tại các tuyến phố Lê Thạch, Nguyễn Thái Học, Phan Đình Phùng... Trước đó, hai bãi đỗ xe Kim Ngưu (Hoàng Mai) và Hải Bối (Đông Anh) với diện tích 61.000 m2 cũng đã phải bàn giao cho đơn vị khác làm chợ.
"Với diện tích dành cho giao thông tĩnh hiện nay, Hà Nội còn lâu mới hy vọng đủ chỗ đỗ ôtô", ông Thắng nói.
Hà Nội hiện có 200.000 ôtô các loại, với 127 điểm đỗ xe công cộng, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu. Đa số các bãi xe đều tận dụng dưới lòng đường, vỉa hè.autovina
Link nội dung: https://autovina.com/dua-nhau-mo-dich-vu-trong-giu-oto-a1225.html