Xe trôi xuống sông: Ai chịu trách nhiệm?

Trong vòng nửa năm, không dưới 3 lần xe ôtô từ điểm đỗ ven sông Tô Lịch trôi xuống sông. Chưa có thiệt hại về người nhưng thiệt hại vật chất là không nhỏ.

Vô số điểm đỗ không đảm bảo

Tại các điểm đỗ ven sông Tô Lịch: Ngày 27-7-2008, 1 chiếc Honda Civic khi lùi xe vào bãi đỗ đã rơi xuống sông, lái xe phải trèo qua cửa nóc xe thoát hiểm; Ngày 11-12-2008: Chiếc Matiz trong khi đỗ tại điểm đỗ đã từ từ trôi sông; Và gần đây nhất, ngày 17-2-2009, 1 chiếc Hyundai đã từ từ trôi và nằm vắt vẻo trên bờ kè sông.

Dạo một vòng qua các con sông, mương tại Hà Nội như sông Sét, Kim Ngưu, Tô Lịch, mương Thanh Nhàn, Thái Hà..., có rất nhiều điểm đỗ do cá nhân, doanh nghiệp đứng ra tổ chức trông giữ xe ôtô. Tại một điểm đỗ xe ven sông Tô Lịch, gần 20 xe, từ 4 chỗ đến xe tải hạng nhẹ đang chen nhau đỗ mà đằng sau xe không có rào chắn hay cọc bảo vệ, chỉ có một hàng gạch xây sát mép bờ sông nhô lên khoảng... 20cm.

Đang loay hoay tìm chỗ đỗ, anh Nguyễn Văn Quang - một lái xe taxi chia sẻ: “Gửi xe ở các bãi xe tư nhân này, tuy ra vào có tiện hơn nhưng chỉ cần tay lái yếu là... đi đời. Lúc mới lái, tôi thường phải chọn những bãi rộng để gửi xe, không dám gửi ở các bãi ven sông bởi chỉ cần lùi không chính xác là rơi xuống sông ngay. Vừa rồi, thấy một số vụ xe trôi xuống sông, tôi thấy đỗ ở đây cũng nguy hiểm nhưng vì tìm điểm đỗ khác quá khó nên phải trụ lại vậy”...

Dọc sông Tô Lịch hầu như không có điểm đỗ nào của Công ty Khai thác điểm đỗ xe, mà chủ yếu là của các hàng, quán. Một nhân viên trông giữ xe của một nhà hàng tại đây cho biết: “Những người phục vụ được cử ra thay phiên nhau trông giữ xe hàng ngày. Có lần một vị khách sau khi nhậu say lái xe loạng choạng, lại không có  người chỉ dẫn nên suýt lao xuống sông, may mà có mấy thùng phuy nước chặn lại. Chúng tôi trông xe chỉ biết bảo vệ xe không bị mất trộm chứ việc ra hiệu hay chỉ dẫn thì... có được học đâu mà biết”?!

Còn tại mương Thái Hà, các bãi đỗ xe ven đường hầu như không còn chỗ trống. Vài chục xe đỗ sát bờ mương mà không có thiết bị bảo vệ, ngăn cách như rào chắn hay dải phân cách, thậm chí có xe bánh ở trên bờ, nhưng phần đuôi xe đã ở... trên mặt mương. Bãi đỗ lại không bằng phẳng nên chỉ cần xe bị trật bánh là có thể trôi xuống mương.

Do góc cua hẹp, điểm đỗ chật, dễ xảy ra va chạm nên một số điểm trông giữ xe tại đây phải từ chối khi thấy lái xe là... phụ nữ. Anh Đỗ Xuân Quảng, một nhân viên trông giữ xe giải thích: “Xe nhiều, điểm đỗ thiếu nên không lo bãi trống. Đối với lái xe nữ hay xe ngoại tỉnh chúng tôi được lệnh không nhận trông bởi họ tay lái yếu, nếu điều khiển xe không chuẩn, va vào xe khác hay rơi xuống mương thì có mà... đền ốm”...
 

 
Trách nhiệm thuộc về ai?

Điều 559 Bộ luật Dân sự 2005 quy định “Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công”. Theo Luật sư Hoàng Huy Được - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội, hợp đồng gửi giữ ôtô là một dạng của hợp đồng gửi giữ tài sản mà pháp luật đã định.

Quyền và nghĩa vụ của các bên gửi và bên nhận giữ tài sản được qui định từ các Điều 560 đến 566 thuộc mục 10 Hợp đồng gửi giữ tài sản - Chương XVIII Hợp đồng dân sự thông dụng). Cụ thể, bên gửi tài sản có quyền yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý. Bên gửi có nghĩa vụ trả đủ tiền công, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thỏa thuận.

Bên giữ tài sản có quyền: Yêu cầu bên gửi trả tiền công theo thoả thuận;Yêu cầu bên gửi trả chi phí hợp lý để bảo quản tài sản trong trường hợp gửi không trả tiền công và có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Về nguyên tắc, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong hợp đồng gửi giữ, hình thức của hợp đồng có thể bằng lời nói, bằng văn bản. Giấy biên nhận giữ, phiếu nhận giữ là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng.

Bên giữ tài sản còn có nghĩa vụ: Bảo quản tài sản như đã thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ; Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản, nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi. Cũng cần nói rõ thêm, bên giữ tài sản chỉ được thay đổi các bảo quản tài sản nếu như việc thay đổi là cần thiết và nhằm bảo quản tài sản được tốt hơn.

Ví dụ trong: hợp đồng gửi giữ xe ôtô ở chỗ không có mái che, nhưng bên nhận giữ tài sản đã đem phủ bạt hoặc đưa vào nơi có mái che” để phương tiện ôtô được tốt hơn. Ngược lại, bên giữ tài sản không được tự ý chuyển xe ôtô từ hợp đồng có mái che sang chỗ không có mái che, vì trong trường hợp này sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến tài sản gửi giữ là chiếc xe ôtô.

“Hiện nay có một số cơ sở trông giữ xe ôtô không đảm bảo những điều kiện an toàn cần thiết cho tài sản của người gửi, dẫn đến xe của khách gửi bị “trôi, trượt” xuống sông… trong những trường hợp như thế thì người gửi hoàn toàn có quyền yêu cầu bên trông giữ phải bồi thường thiệt hại cho người gửi xe theo quy định tại khoản 2, điều 561 Bộ luật Dân sự” - Luật sư Được cho biết thêm.

autovina

Link nội dung: https://autovina.com/xe-troi-xuong-song-ai-chiu-trach-nhiem-a1217.html