Cứu công nghiệp ôtô kiểu Trung Quốc

Giữa lúc nước Mỹ còn tranh luận gay gắt để tìm cách cứu hai hãng ôtô GM và Chrysler trong bối cảnh ngành công nghiệp này đương đầu với sự sụt giảm doanh số khủng khiếp nhất trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã tìm ra cách hỗ trợ riêng cho những nhà sản xuất xe của họ.

Không áp dụng cách làm giống như Mỹ là bơm nhiều tỷ USD vào các hãng xe, Trung Quốc tìm cách khuyến khích người tiêu dùng mua xe nhiều hơn thông qua các ưu đãi thuế và trợ giá. Bên cạnh đó, nước này dám “hy sinh” những hãng xe ốm yếu nhất để cứu những hãng xe thực sự khỏe mạnh.

Kích cầu

Ngày 20/1 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm thuế tiêu thụ đánh vào xe hơi với động cơ từ 1,6 lít trở xuống từ mức 10% xuống 5%.

Biện pháp được đưa ra nhằm thúc đẩy người tiêu dùng mua những loại xe có kích thước nhỏ và khả năng tiết kiệm nhiên liệu cao này ngay lập tức đã phát huy tác dụng. Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc (CAAM), doanh số tháng 1 phân khúc thị trường xe cỡ nhỏ ở Trung Quốc đã tăng tới 19% so với tháng trước đó. Ngoài ra, còn có các chính sách ưu đãi khuyến khích việc mua xe hơi như thuế đường xá thấp hơn và giá nhiên liệu được điều chỉnh giảm.

Sự gia tăng của doanh số phân khúc thị trường xe hơi cỡ nhỏ đã giúp Trung Quốc vượt qua một cột mốc quan trọng. Lần đầu tiên trong lịch sử, trong một tháng, Trung Quốc tiêu thụ nhiều ôtô hơn Mỹ. Trong tháng 1 vừa qua, có 735.000 chiếc ôtô các loại được bán ở Trung Quốc, so với con số 657.000 chiếc tại Mỹ. ít nhất trong tháng 1, Trung Quốc đã trở thành thị trường tiêu thụ xe hơi lớn nhất thế giới.

“Việc giảm thuế rõ ràng là một hỗ trợ lớn đối với tình hình doanh số của chúng tôi”, một giám đốc bán hàng tại một nhà phân phối của hãng Hyundai tại Bắc Kinh cho hay. “Từ khi chính sách mới này áp dụng, doanh số của ba mẫu xe có động cơ 1,6 lít trở xuống của chúng tôi đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông này cho biết.

Tuy nhiên, được lợi nhiều nhất từ những động thái hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc sẽ là những nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, chứ không phải những hãng nước ngoài như Hyundai. “Các hãng xe nội địa tập trung chủ yếu và việc sản xuất những mẫu xe có động cơ nhỏ và họ sẽ được lợi nhiều nhất từ chính sách giảm thuế”, ông Yao Jie, Phó tổng thư ký CAAM nhận xét.

Cũng theo ông Yao, năm ngoái, các hãng xe nội chiếm thị phần 26% tại thị trường ôtô Trung Quốc, nhưng con số này đã tăng lên mức 30% trong tháng 1/2009. Hãng xe nội có doanh số cao nhất ở thị trường Trung Quốc là hãng Chery Automobile cho hay, doanh số của hãng năm nay có thể tăng 18%. Chiếc xe cỡ nhỏ hiệu QQ của Chery hiện đang rất được ưa chuộng ở thị trường này.

Bên cạnh hàng loạt những biện pháp khác, cắt giảm thuế là một trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh xuất khẩu và đầu tư sụt giảm. Tháng 11/2008, Bắc Kinh công bố chi 586 tỷ USD để kích thích tăng trưởng kinh tế. Mặc dù kế hoạch này không được chi tiết hóa, Chính phủ Trung Quốc cho hay, họ sẽ sử dụng các biện pháp cắt giảm thuế và hỗ trợ vay vốn để giúp 10 ngành công nghiệp then chốt bao gồm chế tạo máy móc, sản xuất thép, dệt may, dầu khí, đóng tàu và sản xuất hàng điện tử.

Theo ông Ben Simpfendorfer, kinh tế gia trưởng của ngân hàng Royal Bank of Scotland, kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc “có thể có tạo ra sự khác biệt lớn trong việc liệu người tiêu dùng có muốn mua xe hay không”.

“Điều đặc biệt trong chu kỳ kinh tế này là Trung Quốc phải đương đầu với những vấn đề giống như ở những nơi khác trên thế giới. Vấn đề lớn ở đây là làm thế nào để kích thích người tiêu dùng mở ví. Doanh số thị trường ôtô vững mạnh sẽ hỗ trợ nhiều cho Trung Quốc”, chuyên gia này nhận định.

Tái cơ cấu ngành

Tuy nhiên, không ai có thể khẳng định các hãng xe Trung Quốc đã vượt qua được những khó khăn trước mắt. Mặc dù các biện pháp kích thích được áp dụng, tổng doanh số thị trường ôtô nước này vẫn giảm 14% so với cùng kỳ năm trước (thị trường ôtô Mỹ giảm 37%). Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng, thị trường ôtô nước này sẽ tăng trưởng 10% trong năm nay.

Nhưng một nhà phân tích có tên Michael Dunne thuộc văn phòng Thượng Hải của công ty nghiên cứu JD Power thì cho rằng, dự báo này chi dựa trên mức doanh số thị trường trong tháng 1, đồng thời nhận định, thị trường ôtô đại lục năm nay có thể sụt giảm lần đầu tiên trong 20 năm.

Chính phủ Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm tranh thủ sự đi xuống lần này trong ngành công nghiệp ôtô thế giới để củng cố sức mạnh cho lĩnh vực sản xuất ôtô đang phát triển tràn lan của nước này. Trung Quốc có hơn 100 nhà sản xuất trong ngành này. Báo chí Trung Quốc cho hay, Chính phủ dự định sẽ giảm số hãng xe lớn từ 14 hãng xuống còn 10 hãng trong năm nay.

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh còn muốn hạn chế năng lực sản xuất của ngành, vốn phát triển bùng nổ trong những năm gần đây. Theo nhà phân tích Dunne, với sự tăng trưởng này, Trung Quốc đã vượt xa nhiều nước khác trong lĩnh vực ôtô. Tuy nhiên, sự giảm tốc kinh tế hiện nay đã tạo ra “áp lực chưa từng có tiền lệ đối với các hãng ôtô có năng lực yếu hơn”.

Trung Quốc đang nỗ lực hỗ trợ những hãng xe có năng lực tốt nhất bằng cách khuyến khích tiêu thụ xe tại các tỉnh nông thôn nước này - nơi hàng trăm triệu người tiêu dùng còn chưa thích nghi với cách chi tiêu thoải mái như người dân ở các thành phố giàu có khu vực ven biển.

Từ tháng 3 này, Chính phủ Trung Quốc sẽ chi 730 triệu USD để trợ giá giúp người dân nông thông thay thế những chiếc xe ba bánh đã lỗi thời bằng những chiếc xe tải nhỏ có động cơ từ 1,3 lít trở xuống. Mỗi cá nhân đủ tiêu chuẩn sẽ được cấp tối đa 725 USD hỗ trợ theo chương trình này.

Nhiều nhà sản xuất ôtô nội địa của Trung Quốc hiện đang phát triển những mẫu xe tải nhỏ và xe minivan để phù hợp với chương trình này của Chính phủ, đồng thời mở rộng mạng lưới bán hàng và dịch vụ tại các vùng nông thôn. Năm hay, hãng Trường An - nhà sản xuất xe minivan số một của Trung Quốc - có kế hoạch mở thêm 1.000 điểm bán hàng và dịch vụ, ngoài con số 1.260 điểm đã có.

Mặc dù vậy, hiện ít ai dám chắc người tiêu dùng nông thôn sẽ chịu chi tiền mua xe. Thực tế cho thấy, không ít nỗ lực trước đây nhằm thuyết phục người nông thôn Trung Quốc mở ví mua ôtô đã thất bại.

Tuy nhiên, sự giảm tốc kinh tế có thể giúp Chính phủ Trung Quốc thúc đẩy những thay đổi nhằm giúp ngành công nghiệp ôtô của họ phát triển bền vững hơn trong dài hạn. Theo kinh tế gia Simpfendorfer, đó là một trong những khác biệt then chốt nhất giữa những nỗ lực giải cứu ngành này ở Mỹ và ở Trung Quốc.

“Những lợi ích trong lĩnh vực sản xuất ôtô ở Trung Quốc chưa ăn sâu như ở Mỹ. Tại Mỹ, đây là một ngành công nghiệp đã có cả trăm năm tuổi, nhưng ở Trung Quốc, đây mới chỉ là một ngành công nghiệp tồn tại một thập kỷ”, ông Simpfendorfer nói. Bởi thế, việc Trung Quốc “dám chịu đau” sẽ cho phép nước này “tiến về phía trước bằng một chương trình tái cơ cấu ngành ôtô - chương trình rốt cục sẽ đem đến những hãng xe có năng lực tốt hơn nhiều”.

autovina

Link nội dung: https://autovina.com/cuu-cong-nghiep-oto-kieu-trung-quoc-a1209.html