(Autovina) - Cầu trước, cầu sau, 4 bánh... Mỗi kiểu dẫn động đều có những ưu - nhược điểm riêng, và bài viết dưới đây sẽ giúp bạn chọn xe với hệ dẫn động phù hợp nhất cho nhu cầu của mình.
1- Dẫn động cầu trước (FWD):
Đây là kiểu dẫn động phổ biến nhất hiện nay. Trên hệ dẫn động cầu trước, động cơ và hộp số được đặt ở phía trước xe, thường là nằm ngang và truyền toàn bộ sức mạnh tới các bánh trước của xe, giống như tên gọi của nó đã nói lên.
Ưu điểm:
- Chi phí sản xuất thấp và bảo trì thấp do sức mạnh động cơ được truyền gần như trực tiếp xuống các bánh xe, không cần tới vi sai phức tạp hay trục các-đăng dài như các hệ dẫn động khác.
- Không gian nội thất và khoang hành lý rộng hơn do không phải nhường chỗ để bố trí hộp số hay cầu sau.
- Bám đường tốt hơn trên đường trơn, do trọng lượng của động cơ và hộp số dồn xuống bánh dẫn động.
- Hiệu suất làm việc hiệu quả hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Nhược điểm:
- Tăng tốc chậm và kém an toàn hơn vì lúc này, trọng tâm xe bị dồn về phía sau, khiến các bánh trước mất độ bám.
- Bán kính vòng quay nhỏ do có quá nhiều các chi tiết cơ khí dồn ở các bánh trước, khiến khoảng lái của chúng không rộng.
- Phân bổ trọng lượng không đều, đằng trước quá nặng so với đằng sau khiến các lốp trước nhanh mòn hơn và ảnh hưởng tới khả năng vận hành.
- Dễ bị thiếu lái ở tốc độ cao do lúc này, quán tính dồn vào các bánh trước quá lớn.
- Vô-lăng rung hơn, các bánh trước dễ lắc ở tốc độ cao vì toàn bộ mô-men xoắn bị dồn vào các bánh dẫn động và các trục dẫn động giữa các bánh có kích thước khác nhau, do cách bố trí động cơ và hộp số.
Một số mẫu xe dẫn động cầu trước tại thị trường Việt Nam: Kia Morning, Toyota Corolla, Ford Fiesta,...
2 - Dẫn động cầu sau (RWD):
Mặc dù đều có một điểm chung là truyền sức mạnh xuống các bánh sau nhưng tuỳ vào cách bố trí động cơ, hệ dẫn động cầu sau được chia thành 3 loại:
- Động cơ đặt trước, dẫn động cầu sau (FR): Kiểu dẫn động cầu sau phổ biến nhất, với động cơ và hộp số đặt dọc phía trước xe, truyền sức mạnh tới các bánh sau thông qua trục các-đăng và sai nằm ở chính giữa cầu sau. Hệ dẫn động này thường được sử dụng cho xe thể thao và xe sang trọng.
- Động cơ đặt giữa, dẫn động cầu sau (MR): Có cách làm việc tương tự FR, nhưng động cơ đặt giữa khiến tỉ lệ phân bổ trọng lượng trước/sau ưu việt hơn. Thường được sử dụng trên siêu xe.
- Động cơ đặt sau, dẫn động cầu sau (RR): Động cơ và hộp số nằm hoàn toàn phía sau đuôi xe, truyền sức mạnh trực tiếp tới các bánh sau. Đây là kiểu bố trí hiếm gặp trên các xe hiện đại.
Ưu điểm:
- Tỉ lệ phân bổ trọng lượng trước/sau tốt hơn và có thể dễ dàng điều chỉnh.
- Khắc phục mọi nhược điểm của xe dẫn động cầu trước.
- Đem lại cảm giác lái tốt hơn.
Nhược điểm:
- Có giá thành đắt hơn.
- Trọng lượng nặng hơn.
- Sức mạnh của động cơ truyền tới các bánh xe bị hao hụt nhiều hơn, tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn
- Dễ bị thừa lái hơn. Tuy nhiên, nếu như có thể kiểm soát được sự thừa lái, tài xế sẽ thực hiện được những cú drift đẹp mắt.
Một số xe dẫn động cầu sau ở Việt Nam: BMW 3 Series (FR), Mercedes, E-Class (FR), Toyota Innova (FR), Porsche Cayman (MR), Porsche 911 (RR)...
3 - Dẫn động 4 bánh bán thời gian (4x4 hay 4WD)
Hệ dẫn động này thường được sử dụng trên những chiếc xe địa hình do chúng cần độ bám đường lớn. Về cơ bản, sức mạnh của động cơ có thể được phân bổ đều tới 4 bánh xe nhưng tuỳ từng hoàn cảnh cụ thể, người lái có thể chuyển chiếc xe thành dẫn động cầu trước hoặc cầu sau nhờ có một hệ thống các vi sai, bộ chuyển mô-men xoắn và trục các-đăng đặt dọc theo xe.
Ưu điểm:
- Khả năng vượt địa hình và di chuyển trên đường trơn vượt trội, do người lái có thể kiểm soát được sức mạnh truyền tới các bánh xe một cách hiệu quả.
- Do sức mạnh được truyền đều xuống cả 4 bánh nên xe có thể đạt khả năng tăng tốc ấn tượng, kèm theo độ bám đường lớn hơn.
Nhược điểm:
- Trọng lượng và mức tiêu thụ nhiên liệu lớn do động cơ phải truyền sức mạnh thông qua 2 vi sai, 2 trục các-đăng và môt bộ chuyển mô-men.
- Kết cấu phức tạp khiến việc sửa chữa khó khăn.
- Tốc độ tối đa không cao.
Một số mẫu xe 4x4 tại Việt Nam: Mitsubishi Pajero, Toyota Land Cruiser, Ford Everest, Ford Ranger, Mercedes G-Class...
4 - Dẫn động 4 bánh toàn phần (AWD):
Về cơ bản, hệ dẫn động 4 bánh có thể đưa sức mạnh đều tới 4 bánh xe, nhưng không phải lúc nào nó cũng làm điều này. Trong điều kiện bình thường, nó sẽ sử dụng phần lớn sức mạnh ở cầu trước hoặc cầu sau xe, nhưng có thể phân bổ đều tới 4 bánh khi cần thiết, chẳng hạn như đường trơn trượt hay các địa hình khó khăn. Khả năng này có được là nhờ sự kết hợp giữa một loạt các chi tiết cơ khí và hệ thống điều khiển hiện đại. Trên một số mẫu xe, sức mạnh còn có thể dồn 100% vào 1 trong 4 bánh xe ở một số trường hợp đặc biệt.
Ưu điểm:
- Về cơ bản, hệ dẫn động AWD được tạo ra nhằm dung hoà những ưu điểm của cả 4x4 và dẫn động cầu sau.
- Mức tiêu thụ nhiên liệu tốt hơn 4x4 do trong điều kiện bình thường, xe sẽ tự biết tìm đường truyền ngắn nhất từ động cơ tới các bánh trước hoặc sau.
- Khả năng vận hành linh hoạt, có thể tự động chuyển từ dẫn động cầu trước thành cầu sau hoặc 4 bánh.
Nhược điểm:
- Trọng lượng nặng
- Kết cấu phức tạp, chi phí bảo dưỡng và sửa chữa cao.
Một số mẫu xe AWD tại Việt Nam: Audi A6 quattro, Hyundai Santa Fe, Mercedes CLA 45 AMG, BMW X5, Mercedes GLK...
Link nội dung: https://autovina.com/uu-nhuoc-diem-cua-cac-kieu-dan-dong-o-to-a11757.html