20N105E: Đạp “chấm” biên thùy

Đối với giới trẻ đam mê GPS thì đi tìm “chấm” quả là một thú vui không thể giải thích với người ngoại đạo.

“Chấm” là gì? Ai cũng có thể bật cười khi câu trả lời đơn giản chỉ là “điểm mà tại đó đường kinh tuyến chẵn và vĩ tuyến chẵn giao nhau”. Nhưng với những ai đã, đang và sẽ còn tiếp tục mắc vào “lưới tình” của “chấm”, thì sức quyến rũ của những con số 0 quả thực rất diệu kỳ!!!

Theo thống kê mới nhất của trang web www.confluence.org, hiện nay Việt Nam có 39 cái “chấm”, trong đó 22 “chấm” đã bị chinh phục và viết báo cáo, dân chơi GPS trong nước thì biết chắc có thêm 2 “chấm” đã bị “đạp” nhưng chưa cập nhật thông tin. Thực tế mà nói, những “chấm” nằm ở vị trí địa lý đơn giản và dễ tiếp cận đã lần lượt được anh em tham quan, khám phá, hay nói một cách vui là “oanh tạc tơi bời”. Hiện nay, phần lớn các “chấm” đều nằm ở vùng rừng núi cao, vực sâu, biên giới hoặc giữa mênh mông biển đảo… do đó dân chơi GPS chưa có điều kiện để thỏa mãn đam mê của mình, và thường phải tính toán thật kỹ trước mỗi một hành trình “đạp chấm”. 20N105E là một trong số những “chấm” như vậy.

Trên bản đồ, 20N105E nằm ở vị trí xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bản đồ Google cho thấy vị trí của “chấm” nằm lọt giữa dải rừng chạy dọc biên giới phía tây Thanh Hóa, nhìn rất gần với đường biên, khu dân cư gần nhất theo tính toán sơ bộ cũng phải nằm cách “chấm” đến vài cây số đường. Năm 2006, một vài thành viên của nhóm OF đã từng đi tiền trạm “chấm” này. Tuy vậy, đường từ trung tâm huyện Thường Xuân đến biên giới đang mở nên chỉ có thể tiếp cận “chấm” ở vị trí ngoài 20km đường chim bay thì phải dừng lại. Giấc mơ 20N105E tạm thời cất vào một ngăn tủ của đam mê, nhường chỗ cho những hành trình khác…

Những ngày cuối năm 2008, trời trở lạnh… Các “fan” của GPS và trò chơi đi tìm “chấm” lại gặp nhau trong một mục đích – quyết “chén” bằng được 20N105E!!!  Thành viên có nick GPS – một trong những thành viên đầu tiên đã đem phong trào “đi chấm” vào Việt Nam trước đây, vội vã sắp xếp lịch trình và bay về Việt Nam từ mỏ dầu Quatar. Các thành viên khác thu xếp công việc, người nghiên cứ bản đồ, lập route cho hành trình, chuẩn bị các phương tiện cần thiết: máy GPS, bộ đàm, điện thoại, máy ảnh… vốn dĩ là những “đồ chơi” không thể thiếu của mỗi một hành trình “đạp chấm”. Kế hoạch “đi chấm” được bàn tán xôn xao trên diễn đàn www.phuot.com rồi lại lẳng lặng làm nóng các hộp thư của dân yêu “chấm”. Cuối cùng, ngày giờ xuất phát cũng đã tới, 2 giờ chiều một ngày thứ 6 tươi đẹp, 7 thành viên háo hức lên đường với quyết tâm không chinh phục được 20N105E sẽ không về!!!

Nhóm dừng chân ở Thường Xuân, ăn tối và đi nghỉ sớm vì dự kiến một hành trình không dễ dàng gì đang đợi. Sớm hôm sau, 6 giờ sáng các thành viên đều đã dậy, có lẽ sự hồi hộp và mong chờ được “đạp chấm” khiến cho nhiều người cảm thấy khó ngủ. 60km đường từ Thường Xuân vào Bát Mọt quá xấu, chiếc xe ô tô chạy lọc xọc ì ạch từng đoạn từng đoạn đường. Lạc vào một công trường thủy điện đang trong giai đoạn xây dựng, ngổn ngang đất cát, những chiếc xe tải nối đuôi nhau đi thành dòng dài chở đầy đất cát. 11h trưa thì đến được bản Khẹo, và tới đây thì cũng hết đường dành cho xe ô tô.

Xốc ba lô trên vai, các thành viên bắt đầu hành trình cuốc bộ. Hơn chục km đường lần lượt ở lại phía sau lưng. Này là bản Khẹo, bản Đục, bản Vịn… thanh bình nằm trong lòng thung lũng, vào mùa lúa nơi đây hẳn là một nơi lý tưởng cho dân “phượt” và dân chụp ảnh. Nếu ai đã từng biết đến vẻ đẹp của Pù Luông mùa lúa chín, hẳn sẽ rất ngỡ ngàng vì ở phía Tây Thanh Hóa này, giữa chốn biên cương cũng có một chốn quá yên bình và xinh đẹp, lại có phần sắc sảo và mặn mà hơn cả Pù Luông đã từng làm mưa làm gió trong các diễn đàn du lịch và nhiếp ảnh.

Theo thông lệ, chúng tôi phải trình báo khi đến khu vực biên giới, do đó một thành viên đại diện của nhóm là hoaha rẽ vào đồn 505 còn các thành viên khác cặm cụi đi tiếp. Cô gái duy nhất trong đoàn may mắn được một người dân chạy xe máy ngang cho đi nhờ về phía bản Vịn. Con đường lổn nhổn sỏi đá, những con dốc cao và dài khiến tôi cứ liên tưởng đến dốc Tà tổng trên đường vào A pa chải trong Ký sự đồng rừng của Đỗ Doãn Hoàng… Ở bản Vịn, tại nhà trưởng bản đang có buổi tiệc mừng liên hoan tổng kết năng suất lúa thu hoạch tháng 10, có lẽ là mừng một vụ mùa bội thu nên trên căn nhà sàn đẹp đẽ rộn rã tiếng người, mỗi ô cửa sổ đầy ắp những gương mặt người, những ánh nhìn thân thiện và những nụ cười mộc mạc. Bản Vịn khá rộng rãi và còn giữ nguyên được những nét xưa của đồng bào dân tộc trên vùng cao, những mái nhà sàn lấp ló nằm giữa rừng xanh tạo cảm giác thanh bình và che chở. Mấy cây đào, cây mận dưới chái nhà đang lác đác trổ bông, báo hiệu một mùa xuân mới sắp về…

Tôi giở máy GPS ra xem thì thấy báo khoảng cách đến chấm chỉ còn 1.5km đường chim bay. Đó quả thực là một con số thú vị, vì theo tính toán chúng tôi ngờ rằng sẽ phải đi bộ xa hơn thế nhiều. Hoaha vẫn đang làm nhiệm vụ báo cáo biên phòng ở đồn 505. Chờ hơn một tiếng đồng hồ thì các bạn đồng hành của tôi mới tới được bản Vịn. Vẫn chưa thấy hoaha đâu. Con đường mòn nhỏ chạy vào trong rừng, giống như thể ai đó đang mở đường cho chúng tôi đi tìm chấm. Kim GPS trực chỉ thẳng tưng và khoảng cách trên máy đo cứ liên tục giảm sau mỗi bước chân tiến lên của cả nhóm. Tinh thần “đạp chấm” theo đó mà tăng cao khí thế ngút trời, tuy vậy nhóm vẫn có chút lo lắng vì thành viên trưởng đoàn vẫn chưa thấy xuất hiện.

Còn cách “chấm” 900 mét đường thì giọng nói quen thuộc của hoaha vang lên trong bộ đàm khiến anh em hét lên vì vui sướng “Các bạn chờ nhé, mình đang vào cùng với một dẫn đường là một chiến sỹ biên phòng”. Trên đường đi, hoaha đã tranh thủ giải thích cho đồng chí bộ đội về trò chơi đi tìm chấm, rằng cái thú vị của việc dùng máy thu GPS bắt tín hiệu vệ tinh trên trời để đến một điểm bất kỳ được xác định theo tọa độ, rằng những cái khó khăn hay những câu chuyện xảy ra trong chuyến đi luôn trở thành những kỷ niệm đẹp và thật khó quên trong cuộc đời.

Càng lại gần “chấm”, con đường càng trở nên khó khăn hơn, lá mục rải thảm dưới chân, những viên đá rêu phong ẩm ướt, trơn trượt, sẵn sàng đốn ngã kẻ nào bất cẩn. Các thành viên đều đã thấm mệt sau hơn nửa ngày đi bộ ròng rã, tuy vậy máy GPS báo 30 mét, 20 mét… giống như một lời khích lệ thần kỳ nhất để bước chân vẫn tiếp tục tiến lên. Lúc này, đồng chí biên phòng lại ngất ngây khí thế, liên tục động viên các tín đồ chấm, và háo hức xem cái máy GPS sẽ tiến về 0 như thế nào. Tọa độ đây rồi, 20N00’01” – 104E99’99”… Chỉ một chút nữa, tất cả sẽ vỡ òa khi những con số 0 tròn trĩnh hiện lên trên màn hình… “Đạp chấm rồi”… các tín đồ GPS phấn khích nhảy nhót, khua máy đón sóng vệ tinh, nói nói cười cười và rồi nhanh tay chụp ảnh, ghi lại kết quả của một hành trình đấy ắp sự đam mê…

Tạm biệt 20N10E – “chấm” nơi biên giới, chúng tôi quay về với cuộc sống thường nhật, giữa những trăn trở lo toan, vẫn còn đó một đam mê “tìm chấm” – thú chơi công nghệ cao của giới trẻ chốn đô thành.

autovina

Link nội dung: https://autovina.com/20n105e-dap-cham-bien-thuy-a1157.html