“Đinh tặc”… giá bèo Dịp cuối năm, thợ sửa xe máy lưu động xuất hiện nhiều hơn trên các đường phố Hà Nội. Nhìn đâu cũng có thể thấy, đội quân sửa xe này luôn tay làm việc vì nơi nào có họ “đóng quân” là nơi đó người đi đường bị thủng lốp thường xuyên.
Đường Xuân Thủy hướng về Cầu Giấy (Hà Nội) chỉ chừng một cây số nhưng có không dưới 5 thợ sửa xe sẵn sàng “xử lý” khi khách đi đường gặp sự cố. Đất chật người đông nhưng gần như người sửa xe nào cũng có việc để làm. Chị Hà bán gấu bông trước cổng chợ đêm Mai Dịch cho hay, ban đêm số lượng thợ sửa xe dọc đường này còn đông hơn, một đoạn ngắn lại có một thợ sửa xe. “Chỉ khoảng mười ngày nay, đội sửa xe này mới xuất hiện nhiều thế thôi, trước đây chỉ mỗi anh Tiến ngồi cạnh hàng tôi đây và đằng kia có một bác nữa. Chẳng biết xe đâu mà thủng xăm nhiều thế”.
Tối 13/1, chỉ đi một vòng qua đoạn đường Xuân Thủy, đã thấy có bốn trường hợp bị thủng lốp xe và lập tức được các thợ sửa xe ở đây giúp đỡ ngay. Dắt xe từ một điểm sửa xe trước toà nhà HITC ra, bác Lê Văn Hải, nhà ở đường Bưởi than thở: “Tôi đang đi bị phụp luôn, vào tháo được chiếc đinh dài bằng đốt tay”. Hỏi về giá cả, bác Hải lại dễ chịu: “Chẳng biết đinh có phải do người ta rải hay không nhưng chẳng bị chặt chém gì đâu, giá còn thấp hơn ở trong cửa hiệu đấy. Đến là lạ, vá xe chỉ 7.000 đồng. Dịp khác mà bị “nhỡ” thế này người ta còn chém vài chục bạc đấy”.
Giá cả sửa xe lưu động ở đây rẻ đến bất ngờ. Trước đây mỗi miếng vá thấp nhất cũng phải 15.000 đồng, thay xăm không dưới 100.000 đồng nhưng lúc này vá xe trung bình chỉ 10.000 đồng và thay xăm là 50.000 đồng, nếu khách mặc cả còn có thể thấp hơn.
Chẳng những trên đoạn đường này mà các thợ sửa lưu động ở nhiều nơi khác cũng không giở trò "chặt chém". Anh Tuấn, nhà ở Nghĩa Tân, bị “dính” đinh trên đường Nguyễn Khánh Toàn cho hay: “Xe vừa thủng thì có người mời sửa ngay. Người ta nói 15.000, tôi mặc cả 8.000 thử thế thôi chứ nghĩ đời nào được. Ai dè ông thợ này đồng ý thật”.
Theo ghi nhận, trên đoạn đường này cũng rất nhiều xe bị thủng xăm bất ngờ, những thợ sửa xe rong có mặt phục vụ ngay lập tức. Chìa một nắm đinh nhỏ khoảng hơn 10 chiếc, chiều dài gần 2 phân, một chị nhân viên vệ sinh trên đường ngày cho biết: “Dạo này, ngày nào tôi cũng quét được cả nắm đinh này. Quét bây giờ, mai lại mọc”. Rồi chị nhìn mấy anh thợ sửa xe đang ngồi ở các hàng nước trà đá cạnh đó nói ẩn ý: “Thợ sửa xe đột nhiên đông thế kia thì gì mà chẳng nhiều đinh thế này”.
Chẳng những tuyến đường vùng ven mà ngay ở những đường trung tâm như đường Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, phố Huế… dịp áp Tết, những người sửa xe cũng xuất hiện nhiều hơn. Và hầu như nơi nào họ đã đứng là sẽ có khách.
Chạy xe ôm ngay cạnh nhà khách Chỉnh Phủ (đường Ngô Quyền) nhưng gần đây anh Toán, nhà ở Kim Ngưu (Hai Bà Trưng) còn kiêm thêm nghề phụ là vá xe. Anh nói như thanh minh “Tôi chạy xe ôm nhưng thấy dạo này nhiều xe máy thủng xăm quá nên cũng xách ít đồ ra đây kiếm thêm, chứ không phải tôi rải đinh đâu”.
Kiếm tiền tiêu Tết?
Ghé vào một quán trà đá trước toà nhà A2, số 4 đường Nguyễn Khánh Toàn, nơi gần hai thùng gỗ nhỏ đựng đồ nghề sửa xe đặt ngay trên vỉa hè “đón” khách đúng lúc một “thượng đế” đang ngồi uống nước chờ vá xe. Vừa uống nước, người đàn ông này cứ lẩm bẩm: “Vừa thủng, chưa kịp xuống xe đã có người hỏi ngay anh vá xe không? Còn nhìn được cả chiếc đinh thò lò ở lốp xe thì đính thị họ chứ còn ai”.
Thấy người khách tỏ vẻ nghi ngờ, bà hàng nước cười như giãi bày: “Thôi thì thông cảm cho người ta, ai cũng cần tiền tiêu Tết cả. Hơn nữa, họ chỉ cần có việc, kiếm vài đồng chứ có chặt chém gì đâu”. Đúng như lời nói của bà quán nước, khách hàng không hề bị chặt chém, người đàn ông nọ chỉ phải trả 7.000 cho miếng vá xe.
Chỉ vào người đàn ông chừng 40 tuổi đang ngồi cặm cụi bên thùng đồ nghề, bà hàng nước kể lể: “Chú này là công nhân của công ty Canon gì đó ở ngoài khu công nghiệp Thăng Long vừa bị nghỉ việc nên mới phải đến đây làm thợ sửa xe. Từng ấy tuổi mà có ba đứa con, vợ lại ốm bệnh chẳng hiểu sống thế nào. Cùng lắm người ta mới phải làm trò này, cốt để kiếm vài đồng, Tết đến nơi rồi”.
Đưa tay về phí đầu đường, bà nói tiếp: “Cái anh đằng kia kìa, quê ở Nam Định, ban ngày lên đường Bưởi làm cửu vạn, chiều tối lại đưa đồ nghề ra đây. Đến chiếc áo ấm cũng chẳng có mà mặc, cứ đứng co ro mà thương. Đến Tết rồi mà không có tiền vê quê thì xoay xở thế nào đây”.
Để một thợ sửa xe hành nghề trước cửa hiệu nhà mình, chị Yến, chủ shop quần bò trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa) bày tỏ: “Thương người ta thì mình cho dùng vỉa hè trước nhà mà sửa xe chứ mình được lợi lộc gì. Họ có rải đinh hay không thì tôi không biết nhưng khổ lắm người ta mới phải làm thế”.
Rồi chị kể: “Mấy nghìn người ta cũng vá, chỉ cần có việc để làm với có thêm vài đồng tiền Tết thôi. Có hôm có con bé sinh viên đi dạy thêm về bị thủng lốp, chẳng còn nghìn nào trong người. Nó đòi cắm lại điện thoại, anh thợ sửa xe trước hiệu nhà tôi đây không chịu, vá giúp không nó đấy. Chẳng phải ai cũng là người xấu đâu”.