Khái quát về Vesak Liên Hiệp Quốc
Đại lễ Vesak LHQ là một trong các hoạt động văn hoá mang tính quốc tế của Liên Hợp Quốc. Ngày 15/12/1999 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 54, mục 174 của chương trình nghị sự Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận tổ chức Đại lễ Phật đản hay còn gọi là Đại lễ Tam hợp (kỷ niệm đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Niết bàn, thời gian tương đương với tháng 5 dương lịch) là Đại lễ Vesak LHQ, và là ngày lễ hội văn hoá tôn giáo thế giới của Liên Hợp Quốc, được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc và các trung tâm Liên Hợp Quốc ở các khu vực từ năm 2000. Được gọi chung là Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc.
Vào năm 2000, Đại lễ Vesak LHQ đã được long trọng tổ chức tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, New York với sự tham gia của các truyền thống tông môn pháp phái Phật giáo thuộc 34 quốc gia.
Từ năm 2004 đến nay, cộng đồng Phật giáo thế giới đã tổ chức thành công 10 lần Đại lễ Vesak LHQ, trong số đó, có 9 lần dưới sự bảo trợ của chính phủ Hoàng gia Thái Lan và sự chứng minh của Giáo hội Phật giáo Thái Lan, trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn làm đơn vị tổ chức chính tại Trụ sở Liên Hợp Quốc Châu Á Thái Bình Dương và Trung tâm Phật giáo thế giới Buddhamonthon, Bangkok, Thái Lan. Năm 2008, Việt Nam đăng cai trọng thể Đại lễ này, tạo hình ảnh tốt đẹp của đất nước và GHPGVN với bạn bè trên thế giới.
Được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam tại công văn số 863/TGCP-PG ngày 18/9/2013 của Ban Tôn giáo Chính phủ; Công hàm số 614 ngày 04/9/2013 của Bộ Ngoại giao Việt Nam, vào ngày 28-29/9/2013, sau khi xem xét thư đăng cai chính thức của GHPGVN số 177 ngày 23/9/2013 do HT. Thích Trí Tịnh – Chủ tịch Hội đồng Trị sự đề xuất, tại Văn phòng Viện trưởng của Đại học Mahachulalongkorn, Hoà thượng GS.TS. Brahmapundit đã căn cứ vào Hiến chương Đại lễ Vesak LHQ ủng hộ và chấp thuận GHPGVN đăng cai ĐLPĐLHQ 2014, tên gọi trước đây là IOC, nay là ICDV.
Đại lễ Vesak LHQ 2014 sẽ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai chủ trì, với sự phối hợp tổ chức của Uỷ ban Tổ chức Quốc tế (ICDV), sự giúp đỡ và bảo trợ của Chính phủ Việt Nam.
Phương diện tín ngưỡng:
Yếu tố tín ngưỡng của Đại lễ Vesak LHQ bởi sự tập hợp của đông đảo những người có cùng đức tin vào Phật giáo, được thể hiện ở hai phương diện: a) Khoá lễ tụng kinh ngắn của các trường phái Phật giáo Nam tông, Bắc tông và Kim Cang thừa trước khi Hội thảo chính thức được diễn ra vào đầu mỗi ngày làm việc, b) Khoá lễ Phật đản ngoài trời trong khuôn viên của Trung tâm chùa Bái Đính dưới hình thức một Đại lễ tập trung và trọng thể.
Phương diện văn hoá:
Đại lễ Phật đản được Liên Hợp Quốc thừa nhận là ngày quốc tế của Liên Hợp Quốc về tôn giáo và văn hoá nên yếu tố văn hoá của lễ hội được quan tâm đặc biệt. Từ sự hội tụ các bản sắc văn hoá của các nước trên thế giới, cũng như phong cách và thái độ ứng xử văn hoá của cá nhân và xã hội, Đại lễ Phật đản còn bao gồm nhiều hoạt động văn hoá như triển lãm văn hoá Phật giáo, triển lãm văn hoá Việt Nam, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, hội chợ văn hoá và ẩm thực, xe hoa diễu hành, trang hoàng cờ phướn Phật giáo, lồng đèn, hoa đăng, tạo sự hoành tráng của một lễ hội đa sắc màu.
Phương diện khoa học:
Các chủ đề hội thảo khoa học Phật giáo đóng góp cho đời sống nhân loại là trọng tâm nhất của Đại lễ Vesak LHQ, vì nó quyết định giá trị nội dung và những đóng góp thiết thực của Đại lễ. Chủ đề hội thảo Đại lễ Vesak LHQ 2014 gắn liền với truyền thống và bản sắc văn hoá của Việt Nam và đạo Phật Việt Nam nhằm khẳng định sự đóng góp của đất nước và Phật giáo Việt Nam về các giá trị được Liên Hợp Quốc quan tâm.
Phương diện du lịch văn hóa tâm linh, quảng bá hình ảnh Việt Nam
Để quảng bá hình ảnh Việt Nam, các tour lịch chính thức trong Đại lễ và các tour du lịch trước và sau Đại lễ Vesak LHQ là hoạt động không thể thiếu. Hoạt động này vừa đề cao giá trị Đại lễ vừa quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam thanh bình, tươi đẹp và thân thiện đối với thế giới.
Mọi thông tin chi tiết: http://vesak2014.vietnamnay.com
kynam
Link nội dung: https://autovina.com/tim-hieu-ve-vesak-lien-hiep-quoc-2014-a10470.html