KTM 125 và 200 Duke: Khơi dậy đam mê!

(Autovina) - Cao ráo, hầm hố nhưng lại vận hành linh hoạt và nhẹ nhàng, đồng thời được trang bị đầy đủ “đồ chơi”: đó là những gì mà bộ đôi xe naked bike phân khối nhỏ của KTM thể hiện được. Với chúng, các tay lái Việt Nam hoàn toàn có thể dễ dàng tận hưởng niềm phấn khích khi cầm cương mô tô dạo phố!

125 Duke và 200 Duke là hai mẫu xe quan trọng bậc nhất đối với KTM vào lúc này. Để hiểu rõ điều đó, cần quay lại thời điểm cách đây vài năm. Khi ấy, hãng xe Áo và nhà sản xuất Bajaj Auto của Ấn Độ vừa mới ký thỏa thuận hợp tác về việc phát triển một loại động cơ 1 xy lanh 4 thì, có dung tích từ 125cc đến 200cc. Chiến lược của họ rất rõ ràng: cho ra đời các mẫu xe phân khối tương đối nhỏ, nhắm đến những người đang chập chững bước vào thế giới mô tô và tăng cường sự hiện diện tại khu vực châu Á – một thị trường đầy tiềm năng.

Năm 2011, “trái ngọt” của quá trình hợp tác trên được trình làng dưới hình hài chiếc naked bike 125 Duke, với thành tích ấn tượng: gần 10.000 xe được bán chỉ trong vòng 6 tháng đầu. Sang đến năm 2012, chiếc 200 Duke xuất hiện, thừa hưởng đầy đủ mọi tính năng của 125 Duke nhưng sở hữu sức mạnh đáng nể hơn. Giới mê xe như phát cuồng. Doanh số KTM tăng trưởng chóng mặt: năm 2013 hãng bán được 26.029 xe, tăng 34,1% so với năm 2012, riêng ở châu Á mức tăng lên đến 424%. Một cú đầu tư đúng đắn đã đem đến thành công ngoài sức tưởng tượng.

Thừa thắng xông lên, KTM liên tục mở rộng đến các thị trường mới. Hãng xe Áo đặt chân vào Việt Nam trong bối cảnh thị trường mô tô đang ảm đạm bấy lâu bỗng dưng bừng sáng lên hy vọng, khi Bộ Giao Thông Vận Tải bất ngờ bãi bỏ việc hạn chế thi bằng lái A2. Đứng trước cơ hội chiếm lĩnh thị phần không thể tốt hơn, KTM giới thiệu tới Việt Nam đầy đủ các dòng xe chính, trong đó 125 Duke và 200 Duke đóng vai trò tiên phong.

Chất chơi châu Âu



Đúng theo thỏa thuận hợp tác với Bajaj Auto, KTM đưa ra một thiết kế chung cho 125/200 Duke và để nhà sản xuất Ấn Độ hiện thực hóa chúng tại các nhà máy ở Chakan, gần thành phố Pune – thủ phủ công nghiệp mới nổi của Nam Á – trước khi xuất khẩu ngược trở lại châu Âu và các khu vực khác trên khắp thế giới. Đây cũng chính là quy trình thực hiện những chiếc 390 Duke mới nhất.

Tuy gia công tại châu Á, nhưng việc sản xuất 125 Duke và 200 Duke đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt của châu Âu. Điều này được phản ánh đầy đủ trên thực tế: những chiếc xe này có vóc dáng cao ráo mạnh mẽ; đèn pha luôn luôn bật sáng, không thể tắt được khi đang vận hành; và quan trọng nhất là được trang bị linh kiện từ những thương hiệu tên tuổi.

 

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, ngay cả những người khó tính nhất chắc chắn cũng phải thừa nhận rằng ngoại hình 125 Duke và 200 Duke thật ấn tượng. Từ bộ khung mắt cáo bằng thép chịu lực, bình xăng to lớn phình ra hai bên với những đường gờ sắc sảo, cụm đèn pha đa giác... cho đến cặp phuộc hành trình ngược cứng cáp và bộ lốp dày dạn, tất cả đều toát lên sự chắc chắn, vững chãi cần có của mô tô. Thiết kế đó giúp cho cả hai mẫu xe tự tin khoe dáng trước bất cứ mọi đối thủ chung phân khúc nào và đặc biệt có ý nghĩa với 125 Duke, bởi lẽ chẳng mấy khi người tiêu dùng được lựa chọn xe phân khối nhỏ mà hầm hố như thế này!

Để đảm bảo an toàn khi vận hành, KTM trang bị cho 125 Duke và 200 Duke bộ phanh đĩa ByBre cùng hệ thống chống bó cứng phanh ABS từ Bosch ở cả hai bánh xe. Nếu như Bosch là cái tên quá quen thuộc và đủ tin cậy thì ByBre lại khá lạ lẫm. Tuy nhiên, thực chất ByBre là viết tắt của “By Brembo” – thương hiệu con của Brembo dành riêng cho các thị trường mới nổi như Ấn Độ và các nước châu Á, do đó chẳng có lý do gì để nghi ngờ. Bộ giảm xóc gắn mác WP – nhà sản xuất phuộc hàng đầu châu Âu – cũng nói lên chất lượng đầu tư kỹ lưỡng từ phía KTM.

 

Một điểm nhấn rất đáng chú ý khác là mặt đồng hồ. Đây là thành phần được thiết kế hiện đại, gồm một màn hình LCD trung tâm có kích thước lớn và hàng loạt đèn báo bố trí xung quanh, với màu sắc riêng để người điều khiển dễ nhận biết. Trên màn hình hiển thị nhiều thông số như tốc độ, vòng tua, cấp số hiện tại, nhiệt độ động cơ, mức nhiên liệu và thậm chí là cả cảnh báo chân chống, cảnh báo sắp hết xăng, thời gian vận hành xe tính từ lần khởi động máy gần nhất, v.v... Tất cả đều là thông số dạng điện tử, trực quan và khoa học, chỉ cần lướt mắt qua là có thể nắm được hết. Quả là một trang bị vô cùng quý giá.

 

Vận hành dễ dàng đến bất ngờ!

Một tin vui cho người tiêu dùng Việt Nam: cả 125 Duke và 200 Duke đều rất dễ vận hành. Đó là điều tất yếu và đã được dự đoán từ trước, nhưng bản thân nhóm thử nghiệm chúng tôi khi trực tiếp ngồi lên những chiếc xe này cũng không nghĩ rằng chúng lại thân thiện đến thế. Cả hai chiếc xe được thiết kế giống hệt nhau, cùng có chiều cao yên 800 mm, một mức vừa đủ để những người cao tầm 1,65 m có thể ngồi mà chỉ cần nhón chân đôi chút, còn ai cao từ 1,7 m trở lên thì hoàn toàn thoải mái.

Trọng lượng khô 125 Duke chỉ vào khoảng 127 kg, trong khi 200 Duke nặng hơn đôi chút nhưng cũng dừng lại ở mức 129,5 kg – đều là những con số không mấy đáng ngại. Nói theo cách liên tưởng gần gũi thì chúng chẳng nặng hơn những chiếc xe tay ga phổ biến hiện nay là bao, đến ngay cả nữ giới cũng có thể tự tin cầm lái, tất nhiên là cần phải có sức khỏe tốt và chiều cao kha khá!



Sự thân thiện tiếp tục được thể hiện ở tư thế ngồi. Yên của 125 Duke và 200 Duke thiết kế dạng hai tầng bậc, với phần yên dành cho người lái khá rộng, đủ để dịch chuyển cơ thể từ vị trí ngồi thẳng sang hơi nghiêng và chúi về phía trước nhanh chóng, tạo sự thoải mái nhất định; còn yên cho người ngồi sau nhô cao hơn và có bề mặt nhỏ hơn, đúng với phong cách thông dụng. Các cụm để chân/chuyển số/phanh được bố trí lùi ra sau thân người, gián tiếp buộc người điều khiển xe ngồi ở một tư thế chủ động, đậm chất thể thao hơn.

Thao tác khởi động của cả hai mẫu xe đều diễn ra dễ dàng với tay côn không quá nặng mà cũng không quá nhẹ, chỉ cần lực bóp vừa đủ và chân số chuyển mượt mà, nhanh chóng. Khoảng cách giữa hai tay lái khá lớn, cộng với yếu tố trọng lượng xe không nặng lắm, giúp việc di chuyển qua các con phố đông đúc rất nhẹ nhàng, thể hiện được tính linh hoạt cao. Hệ thống giảm xóc WP với phuộc trước hành trình ngược 150 mm và phuộc sau monoshock cũng 150 mm hoạt động đặc biệt hiệu quả: cảm nhận chung của người lái lẫn người ngồi sau đều đi đến kết luận rằng xe rất êm, ngay cả khi cố tình đi vào đường xấu và lao thẳng vào “ổ gà” để thử.



Khi vận hành thực tế, những khác biệt giữa 125 Duke và 200 Duke mới dần lộ ra. Khối động cơ của 125 Duke chỉ có dung tích 124,7cc, công suất 15 mã lực nên không thể mạnh bằng 200 Duke với động cơ dung tích 199,5cc và công suất 25 mã lực. Với 125 Duke, trong thời gian tăng tốc từ khi khởi động xe lên đến vận tốc khoảng 40 km/h, cần phải chuyển số tương đối gấp gáp trong vòng 4 bước số đầu, sau đó có thể giữ ổn định ở cấp số 4 hoặc tăng lên số 5 nếu chạy lên gần 50 km/h. Cụ thể, đến khoảng 15 km/h là nên chuyển số 2, 24 km/h lên số 3 và 32 km/h là đã có thể lên số 4. Vì thế, trong điều kiện chạy phố, thật khó để 125 Duke có thể lên được cấp số 6. Tuy nhiên, đó là thao tác chuyển số khi cần giữ vòng tua không quá cao, để xe không ồn ào; còn khi “chạy thả ga” thì có thể tăng tốc thêm 6-7 km/h ở mỗi bước số rồi chuyển cũng chấp nhận được.



Nếu cầm lái 200 Duke, người điều khiển hoàn toàn có thể chuyển số thảnh thơi hơn. Lúc này, khoảng vận tốc phù hợp để dạo phố (30-40 km/h) sẽ đạt được chỉ với cấp số 2, và khi lên đến hơn 100 km/h mới cần chuyển qua cấp số 5. Sức mạnh từ động cơ của 200 Duke quá dư thừa khi đi lại trong đô thị, phải ra những con đường quốc lộ thênh thang mới cho phép nó phát huy gần hết khả năng. Trong trường hợp cần chạy nhanh thì đương nhiên 200 Duke vượt trội hoàn toàn 125 Duke, nhưng mặt khác, khi muốn chạy xe một cách thư thả thì 200 Duke vẫn sẽ đem lại cảm giác nhẹ nhàng hơn 125 Duke ở các cấp số thấp, chủ yếu nhờ vòng tua máy không bị đẩy lên quá cao. Do đó với 200 Duke, ta sẽ không có cảm giác “bức bối” như ở 125 Duke và trải nghiệm tốc độ sẽ là trọn vẹn hơn.

Độ an toàn của cả 125 Duke và 200 Duke đã thuyết phục được chúng tôi. Hai chiếc xe vận hành ổn định, bám đường tốt nhờ bộ lốp MRF – một thương hiệu nội địa Ấn Độ. Với lốp trước 110 mm và lốp sau 150 mm, chúng tạo cảm giác đầm chắc, yên tâm cho người ngồi, đồng thời đem lại ấn tượng tốt về ngoại hình nói chung. Bên cạnh đó, việc được trang bị phanh đĩa lớn (300 mm trước và 230 mm sau), cùng hệ thống ABS ở cả hai bánh càng khẳng định giá trị của 125 Duke và 200 Duke. Nhờ ABS, cả hai chiếc xe có thể dừng lại chỉ trong vòng khoảng 1 giây đồng hồ, ngay cả khi đang chạy ở vận tốc cao (tầm 75 km/h) mà không bị lết bánh. Người điều khiển không phải quá lo nghĩ đến thao tác nhấp nhả phanh, vì hệ thống ABS đã tự động xử lý hộ hết tất cả.

 

Giá trị thiết thực

Không có nhiều thứ đáng để phàn nàn về 125 Duke và 200 Duke. Có chăng chỉ là những chi tiết nhỏ, chẳng hạn như động cơ tỏa nhiệt tương đối nhiều và nhanh, dễ gây nóng chân; hoặc tay nắm hơi ráp; yên hơi cứng; tiếng ống xả không được “hoành tráng” lắm, v.v... Nhưng tất cả đều dễ chấp nhận hoặc giải quyết được dễ dàng: đối với các phụ kiện thì người mua hoàn toàn có thể thay thế bằng các gói trang bị Power Parts chính hãng, với lượng “đồ chơi” phong phú, đa dạng. Hơi nóng từ động cơ sẽ không gây khó chịu nếu mặc quần dài. Khuyết điểm khó khắc phục nhất là việc người ngồi trên xe không hề được che chắn trước bùn lầy, giả sử như đi trời mưa thì sẽ “lãnh đủ”! Tuy nhiên đây là điểm yếu chung của dòng xe naked bike bấy lâu nay, chứ không riêng gì 125 Duke hay 200 Duke.



125 Duke, với lợi thế động cơ phân khối nhỏ, không yêu cầu bằng A2 nên khả năng phổ biến đương nhiên là rất cao. Trong khi đó 200 Duke sẽ chỉ hưởng lợi từ việc bỏ hạn chế thi A2 đại trà vào ngày 1/3/2014 sắp tới. Dù vậy, với việc thi lấy bằng A2 ở Việt Nam đang trở nên rất đơn giản, 200 Duke mới có thể sẽ là mẫu xe thu hút nhiều khách hàng nhất của KTM, chứ không phải 125 Duke! Sự vượt trội về sức mạnh động cơ của 200 Duke so với 125 Duke chính là yếu tố để khách hàng cân nhắc, trong bối cảnh hai mẫu xe giống hệt nhau từ thiết kế cho đến các trang thiết bị và tính năng.

Thị trường mô tô tại Việt Nam đang đứng trước một sự thay đổi lớn. Niềm đam mê mô tô của rất nhiều người vốn bị kìm nén bấy lâu, giờ đây sẽ thực sự được thỏa sức bày tỏ. 125 Duke và 200 Duke đang tràn đầy cơ hội trở thành những cái tên gắn liền với thời kỳ thay đổi này, trở thành những lựa chọn hàng đầu khi người tiêu dùng tìm mua xe mô tô đẹp mã và dễ vận hành. Dĩ nhiên, mức giá trên 100 triệu đồng của cả hai mẫu xe này là một trở ngại không nhỏ, nhưng một khi đã yêu thì có ai lại chịu ghìm cảm xúc xuống, nhất là đối với những “chiến mã” thuần tính và mang trên mình chất lượng châu Âu!

>> Xem bộ ảnh đánh giá KTM 125 và 200 Duke

>> Xem bộ ảnh cận cảnh KTM 125 Duke

>> Xem bộ ảnh cận cảnh KTM 200 Duke

Lưu ý: Hai chiếc xe trong bài viết này đã được nhà phân phối KTM Việt Nam trang bị sẵn một số phụ kiện trong gói Power Parts. Chúng chỉ có tác dụng thẩm mỹ, làm đẹp thêm cho xe chứ không hề tác động đến hiệu năng vận hành.

Nguyễn Nam

 

kynam

Link nội dung: https://autovina.com/ktm-125-va-200-duke-khoi-day-dam-me-a10191.html