Tuần trước, Fiat công bố kế hoạch mua cổ phần của Chrysler để nắm quyền kiểm soát. Thế nhưng ngày 4/5, hãng xe Italy còn thể hiện tham vọng xa hơn nhiều. Đó là mua lại Opel và Vauxhall, hai thương hiệu của GM ở Đức và Anh.
Nếu thành công, Fiat có thể tiêu thụ khoảng 5,5 triệu xe mỗi năm, trở thành thế lực cạnh tranh với bất cứ ông lớn nào trên thế giới. Nhờ đó nhà sản xuất này đứng thứ năm hoặc thứ sáu thế giới. Hiện Fiat vẫn được coi là hãng xe nhỏ, chủ yếu sản xuất cho thị trường nội địa. Doanh số chỉ đứng thứ 10 thế giới.
Mục tiêu xa hơn của bản kế hoạch là đưa tên tuổi này đứng sau Toyota.
Giám đốc điều hành Fiat, Sergio Marchionne (giữa) trong buổi gặp Bộ trưởng kinh tế Đức Karl-Theodor zu Guttenberg ngày 4/5. Ảnh: AFP. |
Thế nhưng, đó mới chỉ là tham vọng. Bởi còn nhiều thách thức phải vượt qua. Bản kế hoạch rất táo bạo nhưng dường như Marchionne muốn đạt được mà không tốn đồng nào. Nhân lúc khủng hoảng, Fiat dự định thâu tóm các con mồi bằng tiền hỗ trợ từ chính phủ Mỹ, Canada và châu âu.
Đằng sau ý tưởng liên minh với Chrysler không gì khác là qua đó tiếp cận thị trường ôtô lớn nhất thế giới, nơi Fiat phải rút lui vì thiếu sức cạnh tranh. Hãng này muốn tranh thủ sự ủng hộ để có được Chrysler, qua đó nắm hệ thống đại lý mà hãng xe Mỹ đã mất công xây dựng hàng chục năm.
Mua hai hãng Opel và Vauxhall, Fiat muốn giảm chi phí sản xuất và phát triển nhờ những gói hỗ trợ từ chính phủ các nước. Ngoài ra, Fiat sẽ được lợi khi có thể sản xuất các loại xe tầm trung và lớn. Nếu không tính Alfa Romeo, Fiat chỉ mạnh ở dòng xe hạng nhỏ.
500, mẫu xe hạng nhỏ ăn khách nhất của Fiat. Ảnh: T.N. |
Marchionne làm một vòng quanh Berlin vào thứ hai (4/5) để gặp Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng kinh tế nhằm đàm phán về việc giảm bớt 25.000 nhân công ở Opel, chưa kể nhân lực của hệ thống phân phối.
Max Warburton, nhà phân tích ở Sanford C. Bernstein đặt câu hỏi liệu những hãng xe mà Fiat lựa chọn có thể sinh ra tiền mặt? Trong khi nơi duy nhất Fiat lãi là Brazil. Thêm một dấu hỏi nữa là tiền của công ty mới sẽ được lấy từ đâu. ông dự đoán Fiat sẽ phải bán những tài sản quan trọng nhất của mình. Đó có thể là hãng CNH trong ngành máy nông nghiệp và nhãn hiệu xe tải Iveco.
Các nhà phân tích vẫn còn nhiều nghi ngờ về kế hoạch của Marchionne. Thế nhưng, nhà lãnh đạo này vẫn được biết đến như là người có những ý tưởng táo bạo và không giống ai. Điều đó thích hợp trong thời kỳ khủng hoảng.
Hơn nữa, ông còn có đội ngũ cố vấn giỏi và tận tâm.