TS. Vũ Đình ánh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đã nhận định như vậy khi trao đổi với phóng viên.
Lần giảm giá xăng gần đây nhất (tối 1/12) diễn ra trong thời điểm giá dầu thế giới dao động quanh mức 50 USD/thùng.
Tuy nhiên, trong hai tuần qua khi giá dầu liên tiếp trồi sụt, nằm dưới ngưỡng 40 USD/thùng trong một dài song việc đưa ra mức giá mang tính "cơ chế thị trường" của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước vẫn “im hơi lặng tiếng”.
TS. Vũ Đình ánh: Các DN xăng dầu còn thiếu tư duy giảm giá (Ảnh: Đ. Hà) |
- Theo tính toán, nếu giá dầu thế giới dao động ở mức 33-34 USD/thùng (tương ứng với giá xăng A 92 là 33-34 USD/thùng) thì mức giá xăng trong nước hợp lý để doanh nghiệp vẫn có lãi là 7.500 – 8.000 đồng/lít. Nhưng thực tế giá xăng hiện tại là 11.000 đồng/lít. ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Xăng dầu nằm trong nhóm mặt hàng bình ổn giá, do Nhà nước quản lý và hiện tại các công ty kinh doanh xăng dầu chủ yếu trực thuộc Nhà nước. Giảm giá hay không là do chủ trương.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đại diện cho Nhà nước, cung cấp xăng dầu cho xã hội và chính họ cũng đã nói cơ chế giá sẽ đi theo thị trường. Thị trường lên thì ông lên rầm rầm, thị trường xuống ông cũng phải xuống dựa trên những tính toán lãi lỗ về chi phí sản xuất.
- Nhưng có doanh nghiệp cho rằng giá dầu thế giới cũng đang diễn biến bất thường và có thể sẽ tăng lên?
- Không thể dự báo trước được thị trường lên hay xuống, nên theo tôi các doanh nghiệp không thể “kìm” giảm giá chỉ vì điều “có thể” xảy ra, nếu giá thế giới đang giảm thì phải giảm giá trong nước đi.
Những lý giải như thế rất bất hợp lý và buồn cười!
- Vậy còn lý giải cho rằng xăng bán với giá này là do lượng xăng dầu đang bán đã nhập trước đó với giá cao hơn hiện nay?
- Theo tôi được biết, các hợp đồng doanh nghiệp xăng dầu trong nước là mua hàng tháng. Mức dự trữ xăng dầu quy định là 20 ngày (có ý kiến đề xuất lên 30 ngày), cho nên tối đa cùng lắm là bán với giá tháng trước.
Nếu dùng lý do này, thì thời điểm doanh nghiệp tăng giá người tiêu dùng có thể bắt bẻ lại: Tại sao không bán với giá thấp đã nhập từ trước đó?
- Nói như vậy theo ông lý do chậm chạp giảm giá doanh nghiệp đưa ra đang thiếu thuyết phục. Vậy cần phải giải quyết tình trạng này như thế nào?
- Đối với giá xăng dầu, Nhà nước phải thể hiện ý của mình thông qua giá xăng dầu, bằng cách quản lý thông qua cơ chế, trực tiếp can thiệp vào giá xăng dầu vì mục tiêu phát triển của Nhà nước.
- Giảm giá cũng là một biện pháp kích cầu để giảm chi phí sản xuất và giảm giá thành. Tại sao không thực hiện ngay việc giảm giá xăng, thưa ông?
- Kích cầu tiêu dùng có hai cách là đưa thêm tiền để người ta mua hàng và cách thứ hai là giảm giá. Một trong những mặt hàng cần giảm giá chính là xăng dầu.
Tuy nhiên, rõ ràng doanh nghiệp xăng dầu trong nước đang “thiếu” mất tư duy giảm giá, nên mới có chuyện tăng rất nhanh mà giảm thì từ từ. Hay nói cách khác là doanh nghiệp đang đánh bài bây.
Nhưng để doanh nghiệp “phải” sớm giảm giá cần chủ trương hợp lý và đúng lúc của cơ quan quản lý nữa.
- Xin cảm ơn ông!
Giá dầu thô trong tuần qua giảm mạnh, nhưng giá xăng lên xuống khá thất thường và có lúc đã tăng trở lại 44 USD/thùng (tương ứng với mức giá 11.000 đồng/lít).
Một số đơn vị nhập khẩu xăng dầu cho rằng giá dầu thế giới có xu hướng tăng trở lại do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ cắt giảm sản lượng. Với trạng thái “chờ” những biến động tiếp theo của giá thế giới của các doanh nghiệp xăng dầu, rõ ràng giá xăng sẽ chưa thể giảm ngay trong thời gian tới như kỳ vọng của người tiêu dùng.