Xe điện 'mò mẫm' hoạt động trong phố cổ Hà Nội

Do phải luồn lách qua những con phố nhỏ, chưa có đường ưu tiên và đặc biệt trên toàn tuyến hành trình vẫn chưa có điểm dừng đỗ, đón khách…, nên xe điện Hà Nội đang phải “mò mẫm” hoạt động, sau hơn một tuần triển khai.

Tuy nhiên, do các xe điện đang hoạt động theo kiểu tự do (dừng đỗ, bắt trả khách ở bất kỳ đâu trên đường) nên chưa khiến người dân và du khách thực sự bằng lòng. Ông Nguyễn Minh Tiến, sống tại phố Hàng Đường, một trong những tuyến phố xe điện đi qua thường xuyên, cho biết: “Việc thành phố đưa xe điện vào hoạt động tại phố cổ là rất hợp lý, ngoài sự văn minh nó sẽ tạo ra bản sắc riêng cho phố cổ. Nhưng sau một tuần triển khai, các xe điện vẫn hoạt động theo kiểu ngẫu hứng, xe vẫn chưa có các điểm dừng đỗ, đón trả khách như quy định”.

Xe điện: Vẫy tay là có!
 
Những ngày qua người Hà Nội phấn khởi khi thấy xe điện chính thức xuống đường hoạt động. Không ít người dân vừa tò mò, vừa muốn “dạo phố” bằng phương tiện sạch nên hơn một tuần qua, các xe điện phải hoạt động hết công suất để phục vụ. Nhiều ngày, phương tiện này rơi vào tình trạng quá tải vì lượng khách quá đông.
 
Do chưa có điểm dừng cố định nên muốn đi thì người dân phải "vẫy"

Chung quan điểm, nhiều người dân sống tại quận Hoàn Kiếm cho rằng, phố cổ và các tuyến phố xung quan Hồ Gươm đã rất đông người và hàng quán lộn xộn, nếu các xe điện hoạt động không có lộ trình, điểm dừng đỗ chưa rõ ràng thì không những không làm đẹp cho phố phường mà còn có thể biến phố cổ thành khu vực tranh giành khách của nhiều loại hình vận tải du lịch ở đây.  “Một khu phố văn minh, cổ kính không thể có các xe điện thích đi vào lúc nào thì đi, dừng đỗ, bắt khách ở đâu thì bắt”, bà Bùi Thị Lan, cán bộ hưu trí ở tổ dân phố số 8 phường Hàng Khay, quận Hoàn Kiếm, nói.
 
Hoạt động vẫn khác xa với đề án
 
Theo đề án xe điện được Công ty Cổ phần Đồng Xuân trình lên UBND thành phố Hà Nội, khi đi vào hoạt động, ngoài chạy cố định trên 36 tuyến phố cổ với quảng đường dài khoảng 6 km, trên toàn lộ trình sẽ có 13 điểm dừng đỗ để hành khách lên xuống, đón chờ, tần suất xe chạy qua các điểm dừng đỗ là 15 phút một lượt. Ngoài ra, khu vực nhà ga ở đường đôi Đinh Tiên Hoàng (điểm đầu và điểm cuối) cũng được xây nhà chờ cho khách.

Tuy nhiên, thực tế, như người dân phản ánh ở trên, những ngày qua, trên toàn lộ trình của các xe điện đi qua các phố, chưa có các điểm dừng đỗ để hành khách đứng chờ, các xe hoạt động theo kiểu mò mẫm, đi đến đâu bắt khách đến đó.
 
Trao đổi với Đất Việt, ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Xuân cho rằng, sở dĩ xe điện đi vào hoạt động hơn một tuần nay nhưng chưa có các điểm dừng, đỗ cho khách là việc thiết kế, lắp đặt các điểm này phải được sự đồng ý của Sở GT-VT nên Công ty phải tiến hành xin phép.
 
Ngoài là phương tiện không khói, xe điện đang phải tạo ra hình ảnh không giống với taxi hay xích lô 'chợ'.
 
“Sở GT-VT đã duyệt phương án. Công ty đang phấn đấu trong tuần này sẽ  lắp đặt xong các điểm dừng đỗ để xe điện hoạt động theo đề án đã trình thành phố”, ông Thủy khẳng định.
 
Ông Thủy cho biết thêm, xe điện đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dân Thủ đô và khách du lịch. Trung bình mỗi ngày phương tiện này vận chuyển được hơn 500 hành khách, riêng các ngày thứ 7, chủ nhật, con số này là khoảng 700 hành khách. “Để đáp ứng và vận chuyển hết được số lượng hành khách như trên, 12 xe điện của Công ty đã phải hoạt động hết công suất”, ông Thủy nói.
 
Cũng theo ông Thủy, hiện lượng khách đi xe điện phần lớn vẫn là người dân Thủ đô, trong 500 – 700 hành khách xe điện mỗi ngày thì có đến 70% là người dân Hà Nội, 20% là người dân các tỉnh, thành khác và 10% là khách du lịch nước ngoài.

Theo Đất Việt